"Sống quá sướng lúc trẻ thì về già sẽ khổ": Lời khuyên tiết kiệm của người chú nghỉ hưu sớm từ năm 42 tuổi

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 20:00 26/12/2023
Chia sẻ

Ở tuổi 68, chú Hiến Ngạn cảm thấy việc mình quyết tâm “sống khổ một chút” khi còn trẻ là điều đúng đắn nhất.

Với phần lớn GenZ, FIRE (Financial Independence, Retire Early) có lẽ không phải là khái niệm quá xa lạ. Hiểu nôm na, FIRE là mục tiêu độc lập tài chính để nghỉ hưu sớm. Nếu bạn chưa biết: Theo lý thuyết, để đạt được mục tiêu FIRE, bạn sẽ phải có một khoản tiền tiết kiệm gấp 25 - 30 lần số tiền chi tiêu trong 1 năm.

Nói vậy để thấy dù không ít người trẻ muốn độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm, nhưng hành trình theo đuổi, hiện thực hóa mục tiêu này hoàn toàn không dễ dàng.

Là một người thuộc thế hệ trước, chú Hiến Ngạn (68 tuổi) đã đặt ra mục tiêu nghỉ hưu sớm từ năm 20 tuổi. Sau 22 năm sống cần kiệm, vào năm 42 tuổi, chú Hiến Ngạn đã tiết kiệm đủ số tiền để có thể bắt đầu quãng đời hưu trí thảnh thơi, nhàn nhã của mình.

Sống quá sướng lúc trẻ thì về già sẽ khổ: Lời khuyên tiết kiệm của người chú nghỉ hưu sớm từ năm 42 tuổi - Ảnh 1.

Chú Hiến Ngạn

Nếu bạn đang cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc hoặc thiếu động lực để theo đuổi mục tiêu độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm, hãy tham khảo 3 lời khuyên này của chú Hiến Ngạn. Đây cũng là 3 bí quyết tiết kiệm đã giúp chú có thể nghỉ hưu ở tuổi 42.

1 - Kỷ luật với thói quen tiết kiệm bằng việc ghi chép lại chi tiêu hàng ngày

3 triệu USD (khoảng 72,9 tỷ đồng) là số tiền mà chú Hiến Ngạn có ở tuổi 42. Chú Ngạn cho biết trong suốt khoảng thời gian từ năm 18 - 42 tuổi, chú luôn làm ít nhất 2 công việc cùng lúc và luôn sống với số tiền ít nhất có thể.

"Tôi thực sự rất giỏi tiết kiệm tiền. Khi kiếm được 1,2 triệu, tôi có thể tiết kiệm 1 triệu".

Để duy trì khả năng tiết kiệm đỉnh cao này, chú Ngạn cho biết bí quyết không là gì khác ngoài việc luôn ghi chép chi tiết các khoản chi mỗi ngày. Dù chỉ mua 1 mớ rau hay 1 cục pin, chú Ngạn cũng đều ghi vào cuốn sổ chi tiêu của mình.

Sống quá sướng lúc trẻ thì về già sẽ khổ: Lời khuyên tiết kiệm của người chú nghỉ hưu sớm từ năm 42 tuổi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong suốt hơn 20 năm tuổi trẻ, chú Ngạn cũng không đi du lịch và hiếm khi nào tham gia những bữa tiệc cùng bạn bè.

2 - Học cách phân bổ tài sản

Thời trẻ, chú Ngạn làm việc trong lĩnh vực tài chính. Kiến thức từ trường Đại học và cả những kinh nghiệm "thực chiến" trong công việc giúp chú Ngạn đúc kết được cho mình cách phân bổ tài sản giúp chú "sống sót trong mọi tình huống": 60% tiền mặt, 25% cổ phiếu, 15% vàng.

Theo đó, chú Ngạn sẽ chia số tiền mình có ra làm 3 phần: 60% mang đi gửi tiết kiệm để lấy lãi; 25% dùng để đầu tư cổ phiếu và 15% dùng để mua vàng. Chính cách phân bổ tài sản này đã giúp chú Ngạn vượt qua được sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung, vào năm 2008.

Warren Buffett từng khuyên rằng "Đừng bao giờ bỏ hết trứng vào một rổ" và chú Ngạn đã áp dụng lời khuyên này rất tốt.

3 - Nâng cao nhận thức về ba "kẻ thù" của nghỉ hưu sớm

Tiết kiệm quá ít, tiêu xài quá nhanh, sức khỏe quá tệ chính là 3 "kẻ thù" của mục tiêu nghỉ hưu sớm mà chú Ngạn nhắc tới.

Dù kiếm được kha khá tiền từ việc đầu tư cổ phiếu và mua vàng, nhưng Chú Ngạn lại khẳng định tiết kiệm quan trọng hơn đầu tư, vì chỉ khi tiết kiệm, chúng ta mới có tiền để đầu tư. Theo cách tư duy này của chú Ngạn, cũng không mấy khó hiểu khi việc tiêu xài quá nhanh, quá hoang phí lại trở thành "kẻ thù" của mục tiêu nghỉ hưu sớm.

Cuối cùng chính là sức khỏe. Không giống như nhiều người trẻ khác bây giờ, thời trẻ, chú Ngạn rất chú trọng chăm sóc sức khỏe. Chú không hút thuốc, rất hiếm khi uống rượu bia và luôn đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần.

Trong tư duy của chú Ngạn, khi mình còn trẻ, mình sống đơn giản, cần kiệm để khi về già, mình có thể tận hưởng cuộc sống thảnh thơi, không phải lo lắng quá nhiều về chuyện tiền bạc. Chính bởi thế, thời trẻ, chú Ngạn có thể tiếc tiền đi du lịch chứ không bao giờ tiếc tiền chăm sóc sức khỏe vì ai cũng biết bệnh tật, ốm yếu chính là hiện thực khó tránh khỏi khi về già.

"Việc hoàn thành mục tiêu nghỉ hưu sớm sẽ trở nên vô nghĩa nếu lúc đó, bạn không có sức khỏe" - Chú Ngạn khẳng định.

Theo orange.udn.com

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày