George Herbert Walker Bush có lẽ là vị Tổng thống sở hữu bộ hồ sơ ấn tượng nhất: Phi công lái máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ, doanh nhân, nghị sĩ Quốc hội, đại sứ và Phó tổng thống. Ông trải qua nhiều vị trí tới mức mà vợ ông, bà Barbara, cũng phải đùa rằng ông là người không chịu làm mỗi một việc. Điều này cũng phần nào tiết lộ tính cách của vị Tổng thống thứ 41 của Mỹ: một người đàn ông nghiêm túc với công việc hơn cả chính bản thân mình.
Trong thời đại mà xã hội đầy rẫy những điều xấu xa, cựu Tổng thống Bush "cha " – người vừa qua đời ở tuổi 94 – nổi lên như một tấm gương sáng của lòng trung thực, sự đứng đắn, và tính khiêm nhường. Những đức tính này, cùng với rất nhiều điều tốt đẹp khác, đã biến ông trở thành một nhà lãnh đạo khác biệt với những bài học đáng để noi theo.
Vị Tổng thống đầy khiêm nhường và đức độ
George H. W. Bush đã một tay dẫn dắt nước Mỹ vượt qua thời kỳ đầy bất ổn của thế giới khi Liên Xô sụp đổ. Ông cố gắng tìm cách để gắn kết Nga và Đông Âu thành một cộng đồng chung. Sự ổn định của Đông Âu hay sự gia nhập của các thành viên NATO chính là minh chứng cho đường lối lãnh đạo của vị cựu Tổng thống này.
Sau khi nước Đức tái thống nhất, cựu Tổng thống Bush "cha" được mời tới Berlin. Theo như Colin Powell – Tổng tham mưu trưởng Liên quân lúc bấy giờ – kể lại với CNN, Bush "cha" đã từ chối lời mời này vì cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng dành riêng cho dân tộc Đức. Ngoài ra, ông cũng không muốn người khác nghĩ rằng mình tự mãn với những thành tựu đã đạt được trong Chiến tranh Lạnh.
Tương tự, Powell cũng để ý rằng, Bush "cha" không tham dự lễ duyệt binh đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch "Bão sa mạc" trên đường phố New York. Một lần nữa, vị cựu Tổng thống ấy cho rằng, đây là sự kiện của riêng những người lính, chứ không dành cho ông. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng chịu tham gia một lễ duyệt binh khác có quy mô nhỏ hơn được tổ chức sau đó tại Washington.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 1989.
Nhưng có lẽ, cách mà Bush "cha" đối mặt với thất bại mới thể hiện rõ nét nhất về con người ông, chứ không phải là những lần chiến thắng. Mặc dù rất thất vọng sau khi để thua trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1992, ông vẫn luôn thể hiện đức tính khiêm nhường và rộng lượng của mình.
Chỉ cần xem đoạn video ông chào mừng gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton đến với Nhà Trắng trong lễ nhậm chức năm 1993 cũng đủ để thấy tấm lòng chân thành của ông. Trước khi rời đi, Bush "cha" còn để lại cho người kế nhiệm mình một lá thư đầy cảm động: "Thành công của anh cũng chính là thành công của cả đất nước. Từ giờ trở đi, tôi sẽ cổ vũ cho anh." Sau này, hai người đã trở thành bạn tốt thông qua các chuyến đi cứu trợ nhân đạo đến những nơi bị tàn phá bởi thảm họa tự nhiên.
Cựu Tổng thống Bush "cha" cũng có cách giao tiếp khá kỳ lạ đối với mọi người. Theo như con trai của ông – cựu Tổng thống Bush "con" – kể lại, hồi ông còn là đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, ông rất hay điện đàm xã giao với các đại sứ đồng nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng thích đến văn phòng của họ. Đây là cách mà ông thể hiện cho người khác thấy rằng, ông bình đẳng như họ và cũng là cộng sự của họ.
Cựu Tổng thống Bush "cha" còn áp dụng phương thức ngoại giao này để xây dựng mối quan hệ với các vị nguyên thủ quốc gia khác. Ông luôn khiêm nhường và thẳng thắn. Chính vì thế, mọi người thường dành nhiều thiện cảm cho ông.
George H.W. Bush bắt tay người kế nhiệm Bill Clinton sau cuộc bầu cử năm 1992.
Người đàn ông của gia đình
George H. W. Bush cũng là người rất biết cách tận hưởng cuộc sống. Chẳng gì có thể làm ông vui hơn bằng việc nhảy lên chiếc thuyền đua hiệu Cigarette của mình và phóng thật nhanh ra ngoài khơi Kennebunkport – nơi ông có một căn biệt thự nghỉ dưỡng. Thậm chí, ông còn thử sức với bộ môn nhảy dù. Ở độ tuổi 83, Bush "cha" đã nhảy dù ngay xuống thư viện tổng thống của chính ông ở Texas A&M.
Từng ngồi ở chiếc ghế quyền lực nhất thế giới, song khi trở về nhà, cựu tổng thống Bush "cha" cũng chỉ là một người đàn ông của gia đình. Từ trước đến nay, lòng ông vẫn luôn đau đáu trước sự ra đi của cô con gái 3 tuổi mang tên Robin. Ngay cả vào những ngày cuối đời, ông cũng bày tỏ ước nguyện được đoàn tụ với cô con gái và người vợ thủy chung của mình, bà Barbara.
Theo như phóng viên của tờ New York Times Peter Bakers kể lại, vị cựu Tổng thống đã dành những hơi thở cuối cùng của mình để nói với con trai: "Bố cũng rất yêu con". Tình yêu thương ấy cũng đã được gửi gắm không biết bao lần qua những lá thư mà ông viết cho các con trong suốt cả cuộc đời.
Năm 1988, phát thanh viên Linda Wertheimer của đài NPR đã từng có cơ hội tháp tùng Bush "cha" trong chiến dịch tranh cử của ông. Trên chuyến bay quay trở lại Houston, ông duỗi người một cách rất thoái mái. Ông gần như chắc chắn sẽ đắc cử, và Wertheimer đã nhận xét rằng đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời ông.
Thế nhưng, cựu Tổng thống Bush đã lưỡng lự không biết có nên kể cho Wertheimer biết rằng, ông cảm thấy hạnh phúc nhất khi được trở về với vai trò cựu binh và học tập tại Yale. Ông nhớ những ngày ôn bài trong thư viện ngập nắng, nơi ông nhớ về người vợ Barbara và đứa con trai George ở nhà. Đó mới là điều làm ông hạnh phúc nhất.
George H.W. Bush cùng vợ tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa Mỹ năm 2008.
Bài học mà cựu Tổng thống Bush "cha" để lại cho chúng ta thật ra rất đơn giản: Hãy thấu hiểu bản thân. Dành thời gian cho gia đình. Cống hiến cho những gì bạn cảm thấy quan trọng nhất với mình. Đối xử với người mà bạn bất đồng ý kiến bằng tất cả sự tôn trọng. Hướng về tương lai. Tương lai sẽ trở nên tươi đẹp hơn nếu bạn biết cách hợp tác với mọi người để biến điều bạn muốn thành hiện thực.
Đối với nhiều người, lời khuyên trên nghe có vẻ sáo rỗng. Nhưng với Bush "cha", đó là tất cả những gì mà ông đã tin tưởng và làm theo. Để rồi khi rời xa thế gian này ở độ tuổi 94, ông vẫn luôn được nhớ đến như một người đàn ông nhân hậu và đức độ.
Forbes