Năm 2013, cô Trương (Trung Quốc) mua thêm một ngôi nhà 500.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ đồng) gần công ty để tiết kiệm thời gian di chuyển. Tại thời điểm đó, cô đã sở hữu một ngôi nhà mang tên mình. Để được hưởng chính sách ưu đãi thanh toán ban đầu thấp hơn dành cho người mua nhà lần đầu, người phụ nữ đã ký hợp đồng mua nhà dưới tên bố mẹ ruột, tức ông bà Trần. Hợp đồng nêu rõ: Ngôi nhà sẽ được đăng ký đứng tên ông bà Trần, nhưng cô Trương chịu toàn bộ chi phí mua nhà và là chủ sở hữu thực sự của ngôi nhà.
Đến năm 2017, ông bà Trần vay 500.000 NDT của ông Tôn, và sử dụng ngôi nhà do cô Trương mua làm tài sản thế chấp. Khoản vay này được ông bà sử dụng để đầu tư vào một dự án kinh doanh nhỏ, với hy vọng sinh lời để cải thiện tài chính gia đình. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư không thu được lợi nhuận do thị trường biến động mạnh, khiến dự án kinh doanh của họ thua lỗ nghiêm trọng. Vì thế, ông bà Trần không có tiền để trả được nợ đúng hạn. Từ đây, ông Tôn quyết định khởi kiện ra tòa nhằm nhanh chóng thu hồi số nợ.
Tại phiên xét xử đầu tiên, hai bên đạt được thỏa thuận hòa giải dưới sự chủ trì của tòa án. Thỏa thuận này yêu cầu ông bà Trần trả nợ dần trong vòng 12 tháng, với lãi suất được điều chỉnh thấp hơn so với hợp đồng vay ban đầu. Nhưng sau đó, ông bà vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận. Do đó, ông Tôn nộp đơn yêu cầu thi hành án và trong quá trình thi hành, ngôi nhà được sử dụng để thế chấp bị tịch thu vào năm 2018.
Khi biết sự việc, cô Trương nộp đơn phản đối việc thi hành án lên tòa án, khẳng định cô mới là chủ sở hữu thực sự của ngôi nhà và yêu cầu hủy bỏ việc tịch thu. Cô Trương lập luận rằng hợp đồng mua nhà đã xác định rõ quyền sở hữu của mình, và ông bà Trần chỉ là người đứng tên trên giấy tờ. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn phản đối của cô Trương. Không chấp nhận phán quyết, người phụ nữ tiếp tục khởi kiện, yêu cầu loại trừ việc thi hành án đối với ngôi nhà.
Cuối cùng, tòa án vẫn ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của cô Trương. Tòa nhận định rằng cô đã cố tình mua nhà dưới tên người khác nhằm hưởng lợi ích đối với người mua nhà lần đầu. Do đó, cô phải chịu trách nhiệm về hành vi này và các rủi ro pháp lý phát sinh.
Trong khi đó, ông Tôn, người yêu cầu thi hành án, có cơ sở hợp lý để tin rằng ông bà Trần là chủ sở hữu ngôi nhà dựa trên đăng ký bất động sản và thủ tục thế chấp hợp pháp. Ông Tôn được xem là người thế chấp thiện chí và không có lỗi trong quá trình này.
Vì vậy, hành vi mua nhà đứng tên người khác của cô Trương không thể ngăn cản quyền xử lý tài sản đảm bảo của chủ nợ là ông Tôn trong vụ án.
Từ vụ việc này, thẩm phán lưu ý, trong trường hợp này việc mua nhà đứng tên người là nhằm hưởng lợi. Do đó người sử dụng tên người khác phải chịu trách nhiệm về hành vi này và các rủi ro pháp lý phát sinh. Trong trường hợp người cho mượn tên trở thành đối tượng thi hành án và ngôi nhà đứng tên họ bị tịch thu, tòa án thường không chấp nhận đơn kiện từ người sử dụng tên để phản đối việc thi hành án. Luật pháp Trung Quốc đánh giá tiêu cực về hành vi mua nhà đứng tên người khác, vì vậy, mọi người nên tránh thực hiện hành vi này.
(Theo Toutiao)