Sói Na Uy chính thức tuyệt chủng, khép lại bí ẩn 50 năm không có lời giải

Thanh Long, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 05:35 06/12/2021

Nghiên cứu mới đã giải đáp được một bí ẩn tồn tại từ năm 1970, về sự biến mất và trở lại bất ngờ của đàn sói.

Mùa đông này, khi bạn đang ngồi trong một quán cà phê ấm áp và đắm chìm vào trong trò chơi ma sói cùng nhóm bạn, tại biên giới giữa Na Uy và Thụy Điển, những con sói Na Uy hoang dã đã chính thức tuyệt chủng.

Mặc dù vẫn có một quần thể sói với khoảng 400 con sống ở đây, nhưng phân tích DNA mới nhất cho thấy đó không phải loài sói Na Uy bản địa. Những con sói này là sói từ Phần Lan di cư đến.

Bản thân quần thể sói này cũng đang bị đe dọa đến mức tuyệt chủng. Một phần, đó là do hoạt động săn bắn của con người, phần còn lại từ chính tỷ lệ giao phối cận huyết giữa chúng mà phân tích DNA từ nghiên cứu mới xác định được.

Sói Na Uy chính thức tuyệt chủng, khép lại bí ẩn 50 năm không có lời giải - Ảnh 1.

Bí ẩn vụ mất tích 10 năm của những con sói Na Uy

Nghiên cứu mới được thực hiện dưới sự dẫn dắt của giáo sư Hans Stenøien, Giám đốc Bảo tàng Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU). Nó là phần kết thúc trong dự án kéo dài 5 năm, nhằm đánh giá lại quần thể sói Na Uy hoang dã mà quốc hội nước này ủy quyền cho các nhà khoa học thực hiện.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1970, chính xác hơn là từ 12.000 năm trước, khi băng bắt đầu rút khỏi khu vực Na Uy và Thụy Điển ngày nay ở cuối kỷ băng hà. Điều này cho phép những con sói trở lại sinh sống và tạo nên một quần thể lớn mạnh ở giữa biên giới hai nước.

Mọi chuyện thay đổi khi con người xuất hiện, xây dựng một nền nông nghiệp dựa trên chăn nuôi. Những con sói thường xuyên bắt cừu và đôi khi đe dọa tính mạng của cả con người đã biến chúng thành một loài vật xấu xa mà con người nghĩ rằng họ phải tiêu diệt.

Sói từ đó trở thành mục tiêu săn bắn và cũng trở thành kẻ phản diện trong trò chơi ma sói. Tới năm 1970, con người đã xóa sổ quần thể sói nguyên thủy trong tự nhiên ở biên giới Na Uy. Trong suốt 10 năm, không hề có bất kể một con sói nào xuất hiện trong khu vực giữa Na Uy và Thụy Điển.

Nhưng vào năm 1980, bất ngờ lũ sói đã quay trở lại. Có những tin đồn cho rằng ai đó đã thả những con sói Na Uy còn được nuôi nhốt và bảo tồn rải rác trong các sở thú vào tự nhiên. Nếu là thật thì hành động này đã giúp chúng tái đàn và xây dựng lại quần thể.

Tuy nhiên, không một cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận lấy công lao này. Bởi vấn đề thả sói vào tự nhiên tại Na Uy rất gây tranh cãi, một bộ phận người dân không muốn điều đó vì cho rằng sói có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi và cả sự an toàn của họ.

Điều này đã đặt ra những nghi vấn về nguồn gốc của đàn sói ở biên giới Na Uy từ đó tới giờ.

Sói Na Uy chính thức tuyệt chủng, khép lại bí ẩn 50 năm không có lời giải - Ảnh 2.

Hóa ra, đó không phải sói Na Uy chính gốc

Để giải quyết mối nghi ngờ, nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy đã hợp tác với Đại học Copenhagen giải mã gen của những con sói đang sống ở biên giới Na Uy và Thụy Điển ngày nay. Họ đem kết quả này so sánh với mã gen của hơn 1.300 con sói khác được thu thập từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là nghiên cứu chi tiết nhất về gen của loài sói cho tới nay, so với các nghiên cứu trước đó chỉ đối chiếu hình dáng của các bộ phận bên ngoài để xác nhận nguồn gốc của từng quần thể sói.

"Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu di truyền lớn nhất đối với các loài sói trên thế giới", giáo sư Stenøien cho biết. "Kết quả cho thấy những con sói Na Uy - Thụy Điển ngày nay không có chung đặc điểm di truyền với những con sói ở Na Uy và Thụy Điển nguyên thủy".

Thay vào đó, DNA của những con sói này trùng khớp với quần thể sói Phần Lan. Giải thích điều này, giáo sư Stenøien cho biết có thể sau khi loài sói ở Na Uy và Thụy Điển tuyệt chủng, một nhóm sói Phần Lan đã tìm thấy một khu vực trống để mở rộng lãnh thổ. Chúng đã di cư tới đây và sinh sống.

Nghiên cứu của giáo sư Stenøien cũng kiểm tra một giả thuyết rằng những con sói đã lai với chó thuần hóa để tạo nên cộng đồng của mình. Nhưng một lần nữa, kết quả phân tích DNA cho thấy chúng không có bất kỳ gen nào trùng với gen của chó nhà.

"Na Uy là một trong số những quốc gia có số lượng chó ít nhất trên thế giới. Những con sói ở nước này cũng có tỷ lệ lai với loài chó thấp nhất", giáo sư Stenøien cho biết. Vì vậy, dù quần thể sói được tìm thấy ở biên giới Na Uy - Thụy Điển ngày nay không phải sói Na Uy nguyên thủy, nhưng ít ra chúng vẫn là sói hoang dã thuần chủng, có nguồn gốc từ Phần Lan.

Sói Na Uy chính thức tuyệt chủng, khép lại bí ẩn 50 năm không có lời giải - Ảnh 3.

Tỷ lệ giao phối cận huyết đang giết chết đàn sói một lần nữa

Có thể là một niềm an ủi khi thiên nhiên vẫn đang nuôi dưỡng một quần thể sói hoang dã và thuần chủng ở biên giới Na Uy. Nhưng niềm an ủi đó có thể không kéo dài quá lâu. Giáo sư Stenøien và nhóm nghiên cứu của ông phát hiện trong bể gen của những con sói Phần Lan đang sinh sống ở đây một vấn đề nghiêm trọng.

Đó là chúng đang có tỷ lệ giao phối cận huyện rất lớn. Một điều khó tránh khỏi nếu đúng là những con sói này đã di cư từ Phần Lan tới đây, chúng đã bắt đầu phát triển từ một nhóm nhỏ và dân số cho tới bây giờ mới đạt khoảng 400 con.

Giáo sư Stenøien cho biết: "Giao phối cận huyết có nghĩa là những con sói ở Na Uy và Thụy Điển ngày nay có rất ít biến thể di truyền. Thay vào đó, các khiếm khuyết di truyền của chúng có thể dễ dàng lây lan từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các gen bất lợi không được chọn lọc tự nhiên loại bỏ một cách hiệu quả".

Kết quả là những con sói này sẽ ngày càng sinh ra thế hệ con cháu kém khỏe mạnh hơn, dễ mắc các bệnh khác nhau và đặc biệt là bệnh di truyền có thể khiến chúng chết yểu ngay từ khi còn nhỏ.

Có nguy cơ quần thể sói ở biên giới Na Uy - Thụy Điển sẽ lại biến mất một lần nữa, lần này không phải từ nạn săn bắn, mà từ chính tỷ lệ giao phối cận huyết giữa chúng.

Sói Na Uy chính thức tuyệt chủng, khép lại bí ẩn 50 năm không có lời giải - Ảnh 4.

Tuy nhiên, giáo sư Stenøien cho biết vẫn có một số giải pháp nếu chúng ta thực sự muốn bảo vệ bầy sói này. "Phải thừa nhận rằng một số con sói Na Uy - Thụy Điển chính gốc vẫn có thể được tìm thấy trong các vườn thú bên ngoài Na Uy", ông nói. Nếu có thể đem gen của chúng trở lại quần thể sói Phần Lan ở biên giới, điều này sẽ khắc phục được một phần tỷ lệ giao phối cận huyết giữa chúng.

Nhưng giáo sư Stenøien cũng lưu ý việc này về mặt lý thuyết "là khả thi, nhưng chắc chắn vẫn rất tốn kém, khó khăn và tốn nhiều công sức". Vì vậy, các tổ chức muốn đứng ra bảo vệ đàn sói Phần Lan ở Na Uy này cần phải cân nhắc rất kỹ.

Tham khảo Phys

https://genk.vn/soi-na-uy-chinh-thuc-tuyet-chung-khep-lai-bi-an-50-nam-khong-co-loi-giai-2021120421484559.chn?fbclid=IwAR322rhVnyV2Q4xUUAEQmI8thqMc2x8Beu5lwo-BDZ9zNlClyFPggd3m210