Nói vậy bởi trước khi Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) tổ chức họp báo và cho biết cô đã sử dụng meldonium vào đầu tháng 3 vừa qua, cây vợt người Nga cũng từng tống vào người không biết bao nhiêu liều meldonium.
Do loại thuốc này mới chỉ được Uỷ ban chống doping thế giới (WADA) đưa vào danh mục cấm từ ngày 1/1/2016, nên theo tìm hiểu, Sharapova đã dùng meldonium gần như liên tục ở giải Wimbledon vào năm ngoái. Tiết lộ cho biết, cô dùng thuốc 6 trong 7 ngày trên đường lọt vào vòng bán kết.
Mặc dù meldonium được sử dụng để điều trị ischaemia: chứng thiếu máu cục bộ nhưng WADA cũng tìm thấy "bằng chứng các VĐV sử dụng meldonium nhằm cải thiện thành tích thi đấu" và buộc họ quyết định đưa meldonium vào danh sách chất cấm được thông qua vào ngày 16/9/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Sharapova đã sử dụng chất kích thích như cơm bữa.
Nghĩa là meldonium được sử dụng để điều trị ischaemia chỉ là cái cớ (Sharapova cho biết cô đã dùng meldonium trong 10 năm qua sau khi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Lí do là cô thiếu ma-giê và gia đình có tiền sử của bệnh đái đường) để một VĐV như Sharapova che đậy cho những mục đích khác vì khó có thể cho rằng cô không biết tác dụng của meldonium hay những thay đổi trong danh mục chất cấm được WADA cập nhật thường xuyên.
Trên hết, Masha có lẽ đã nghĩ rằng, quy trình kiểm tra doping trong quần vợt còn lỏng lẻo, đến mức cô cho là nếu mình có tiếp tục sử dụng sau ngày 1/1/2016, cô sẽ không bị phát hiện.
Hay thử hỏi nếu meldonium giống như thực đơn hằng ngày của Masha, liệu cô có thể bỏ được? Lấy ví dụ như tại Wimbledon năm ngoái, cây vợt người Nga đã dùng thuốc tới 6 trong 7 ngày. Bản thân Sharapova cũng thừa nhận trước mỗi trận đấu ở Australian Open 2016, cô dùng một liều 500mg.
Còn trong 24 mẫu thử dương tính được phát hiện ở các cây vợt trong năm 2015, thời điểm meldonium vẫn được xem là hợp pháp - 5 mẫu thử là của Sharapova.
Sharapova luôn nói rằng cô không biết tác dụng của meldonium, nhưng tay vợt xinh đẹp người Nga vẫn không tránh được án cấm thi đấu 2 năm.
Ngược thời gian về năm 2005, Masha đã được bác sĩ Anatoly Skalny kê cho 18 loại thuốc hoặc thực phẩm dinh dưỡng khác nhau. 5 năm sau, con số này lên tới 30 loại.
Hay vào đầu năm 2006, Skalny có khuyên rằng, trong những trận đấu "quan trọng", cô nên dùng 3-4 viên thuốc bổ nữa.
Năm 2010, Sharapova đã sa thải Skalny và giảm dần số thực phẩm dinh dưỡng của mình xuống vì cho rằng như thế là quá nhiều. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục sử dụng loại thuốc ưa thích của mình là meldonium và từ chối nhắc đến loại thuốc này trong bản báo cáo kiểm tra doping từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2016.
Sharapova từng giành 5 giải Grand Slam và chức vô địch đầu tiên là tại Wimbledon 2004 khi cô mới 17 tuổi.
Trên trang Facebook của mình, Sharapova khẳng định sẽ chiến đấu tới cùng để được trở lại sân đấu bởi cô tin rằng mình không làm sai. Tay vợt từng giành 5 giải Grand Slam sẽ kháng cáo lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS) để tìm lại sự công bằng.
Không rõ Masha có được giảm án như cây vợt người Croatia, Marin Cilic, từ 1 năm xuống còn 4 tháng hay không hay sẽ bị WADA áp dụng mức phạt cao nhất là 4 năm, thật khó để cô trở lại đỉnh cao nếu thiếu… meldonium.