Sáng 16//7, kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.HCM bước sang ngày thứ 2 với phần chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Lâm Đình Thắng xoay quanh vấn đề chuyển đổi số, xử lý tin giả, tin sai sự thật, tin không đúng về TP.HCM, quảng cáo trên mạng xã hội...
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Nga băn khoăn trước tình trạng nhiều trang mạng đăng phát thông tin thật giả lẫn lộn và công tác giám sát thông tin trên mạng xã hội được thực hiện thế nào, làm sao để người dân biết đâu là thông tin chính thống. Đại biểu này đề nghị Giám đốc Sở TTTT nêu giải pháp quản lý thông tin trên mạng xã hội, phòng chống tin giả, tin sai lệch.
Đại biểu Nga còn cho rằng, dữ liệu cá nhân là nguồn tài nguyên nhưng hiện nay có tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng, vậy việc quản lý thông tin cá nhân ra sao, TP.HCM đã xử lý bao nhiêu trường hợp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng. (Ảnh: Thành Nhân)
Trả lời đại biểu, ông Thắng cho biết, hiện nay thông tin trên mạng Internet chủ yếu từ hai nguồn. Trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép và những trang thông tin không rõ nguồn gốc, tuy dùng tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài.
Khi cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ thì các doanh nghiệp né tránh cho rằng vì quy định nội bộ, dẫn đến tin giả và tin sai lệch lan truyền. Chính vì thế, các tin giả, tin sai lệch chủ yếu lan truyền qua các trang mạng xã hội xuyên biên giới này. Đây là vấn đề đau đầu của cơ quan quản lý. Đối với các trang mạng do Bộ TT&TT cấp phép thì đều đã phát hiện và có chấn chỉnh kịp thời.
Về nguyên do chủ quan, ông Thắng cho rằng việc phối hợp xác định thông tin giả hiện không chặt chẽ và mất thời gian lâu. Thời gian qua, Sở TTTT phối hợp Bộ TTTT xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, kiến nghị sửa đổi theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, chỉ có tài khoản định danh mới được bình luận. Những tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm các bộ, ngành xác định tin giả, xấu độc, nhất là phải có người chủ trì kết luận tin giả và người phát ngôn.
Theo ông Thắng, các hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không chỉ xử lý trên địa bàn TP.HCM mà còn phối hợp với Sở TTTT ở các tỉnh, thành khác để xử lý dù chủ thể đó không ở TP.HCM.
Mới đây, Sở TTTT TP.HCM phối hợp Sở TTTT tỉnh Bắc Giang xử phạt chủ tài khoản "Nhật Hải biết tuốt" vì đăng tải thông tin sai lệch về TP.HCM.
Sở TTTT đang tham mưu thành lập bộ phận xử lý tin giả TP.HCM, đặt tại Trung tâm Báo chí TP.HCM và quy chế phối hợp các sở ngành, địa phương. Quy chế gồm 3 bộ phận: tiếp nhận, xác định và công bố tin giả, tin sai lệch, trong đó xác định thời gian xử lý, trách nhiệm rõ ràng.