Thẩm Vạn Tam là đại phú hào cuối triều Nguyên, đầu triều Minh ở Trung Quốc, đã dùng cách thu mua ruộng đất và triển khai thông thương với nước ngoài, nên tích lũy được khối tài sản khổng lồ không kể xiết.
Đẩy nhanh thời gian đến thời nhà Thanh, ai cũng biết Hòa Thân được ca ngợi là tham quan số một từ cổ chí kim trong lịch sử Trung Quốc. Hòa Thân đã cướp đoạt tài phú, tham ô nhận hối lộ cùng với kinh doanh đất đai, nhà cửa, cửa hàng, ngồi trên “núi vàng núi bạc”.
Vậy bạn có bao giờ thắc mắc giữa Thẩm Vạn Tam và Hòa Thân, ai là người giàu có hơn?
Thẩm Vạn Tam có 2/3 ruộng đất ở vùng Tô Châu, mà lúc bấy giờ, Trung Quốc xưa lại đang trong thời đại nông nghiệp hưng thịnh. Sở hữu nhiều ruộng đất dưới tên mình như vậy, có thể thấy mức độ giàu có của Thẩm Vạn Tam. Mặt khác, Thẩm Vạn Tam còn vận chuyển tơ lụa, đồ sứ cùng thủ công mỹ nghệ của Giang Nam ra nước ngoài, kiếm được vô vàn lợi lộc, từ đó gây dựng nên cơ ngơi khổng lồ.
Thẩm Vạn Tam lúc ấy nổi tiếng khắp vùng trung nguyên, giàu có phát đạt đến mức Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương áp dụng chế độ thu thuế khác hẳn đối với gia đình và cơ ngơi kinh doanh của Thẩm Vạn Tam.
Khi Chu Nguyên Chương bắt đầu phát động xây dựng và tu bổ tường thành Nam Kinh, Thẩm Vạn Tam đã hào phóng bỏ ra số tiền đủ xây 1/3 tường thành, hơn nữa đội ngũ xây dựng của Thẩm Vạn Tam còn hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn ba ngày so với đội ngũ xây dựng của Chu Nguyên Chương.
Điều này đã khiến Chu Nguyên Chương âm thầm khó chịu trong lòng. Bởi lẽ góp tiền cho triều đình xây dựng kiến trúc là điều đáng hoan nghênh, nhưng dám hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn so với Hoàng thượng thì quả thật có chút “không biết phân nặng nhẹ, không nể mặt rồng”.
Song cả khi việc xây dựng tường thành này còn chưa xong, Thẩm Vạn Tam còn đề nghị với Chu Nguyên Chương rằng muốn dùng con số hơn triệu hoàng kim ban thưởng cho quân binh nhà Minh. Động thái này càng khiến Chu Nguyên Chương nổi giận, “tức anh ách”, bèn ra lệnh xử tử Thẩm Vạn Tam, nhưng đã bị Mã Hoàng hậu ngăn cản. Chưa nguôi giận, Chu Nguyên Chương đã đày Thẩm Vạn Tam đến Vân Nam sung quân.
Vậy Thẩm Vạn Tam rốt cuộc giàu có đến mức nào? Theo nhiều sử sách ghi lại, đặc biệt là trong cuốn "Mai phố dư đàm", Thẩm Vạn Tam lúc bấy giờ có tài sản khoảng 2 tỷ lượng bạc.
Hòa Thân ban đầu lợi dụng chức quan của mình để điên cuồng đầu cơ trục lợi, dùng cách giảm thuế cho phú thương cùng quan viên ở vùng đất khác để gom về khối tài sản khổng lồ.
Mặt khác ông trong quá trình xây dựng những công trình lớn cho Hoàng thất và nhiều lần cùng Càn Long tuần du đến vùng Giang Nam, Hòa Thân đã kiếm chát được không ít lợi lộc. Về sau, Hòa Thân bắt đầu tự kinh doanh nhà cửa, trà lâu, thu mua đất đai, vừa cho thuê vừa bán lại kiếm lời, thế là “quả bóng tuyết càng lăn càng to lớn”, từ đó tích lũy tài phú không thể tưởng tượng nổi.
Nói Hòa Thân là đại tham quan nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc cũng không ngoa. Dưới sự ưu ái của Càn Long, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Suốt thời gian làm quan, Hòa Thân đã vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của triều đình.
Tài sản của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian truyền miệng cách nói: "Cái Càn Long có, Hòa Thân có; cái Càn Long không có, chưa chắc Hòa Thân không có". Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1,1 tỷ lượng bạc, nhiều lời đồn cho rằng con số này còn tương đương số tiền mà quốc khố Thanh triều phải mất 15 năm mới thu được.
Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ ràng, Hòa Thân tuy rằng giàu có, nhưng so sánh với Thẩm Vạn Tam vẫn có chênh lệch tương đối lớn. Thông qua số liệu so sánh, tài sản của Thẩm Vạn Tam nhiều gần gấp 2 lần tài sản của Hòa Thân. Theo đó, quốc khố Thanh triều chỉ là con số nhỏ bé khi so sánh với của cải của Thẩm Vạn Tam thời Minh.