Số phận bi thảm của những loài động vật từng du hành vũ trụ

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 14:15 06/11/2017
Chia sẻ

Điều gì đã xảy ra? Hầu hết đều phải tham gia những nhiệm vụ mang tính chất "một đi không trở lại"

​Năm 1957, cả thế giới hướng về Moscow để ngóng chờ một sự kiện đình đám: tàu vệ tinh Sputnik 2 khởi hành với phi hành gia là một con chó - chính là cô chó Laika nổi tiếng thế giới.

Đó là ngày 3/11/1957! Laika khoác lên một bộ trang phục đặc biệt, rồi được đặt vào trong vệ tinh nhân tạo Sputnik 2. Con tàu phóng lên quỹ đạo, và Laika vĩnh viễn chẳng thể trở về được nữa. Cô chó đã qua đời chỉ trong vòng vài giờ vì thiếu hụt oxy, và do nhiệt độ đã tăng lên quá cao (tới 400 độ C) khi lọt vào quỹ đạo Trái đất.

Sputnik 2 đã đánh dấu một cột mốc cực kỳ quan trọng đối với lịch sử ngành hàng không vũ trụ. Đó mới chỉ là lần thứ 2 một con tàu được phóng lên quỹ đạo Trái đất, và cũng là lần đầu tiên một sinh vật sống được đưa vào quỹ đạo.

Số phận bi thảm của những loài động vật từng du hành vũ trụ - Ảnh 1.

Laika - phi hành gia 4 chân đầu tiên lọt vào quỹ đạo Trái đất

Số phận bi thảm những phi hành gia là động vật

Trong hành trình khai phá vũ trụ của loài người, Laika không phải là sinh vật duy nhất, cũng không phải sinh vật đầu tiên được đem ra thử nghiệm. Các chuyên gia của Nga và Mỹ - 2 quốc gia tiên phong về nghiên cứu vũ trụ - đã thử nghiệm giới hạn khả năng của các sinh vật sống khi ở trong vũ trụ từ trước Laika cả thập kỷ.

Sinh vật đầu tiên nhận được vinh dự này là... những con ruồi giấm. Chúng được gửi theo một quả tên lửa khá lỗi thời từ năm 1947, và rồi nổ tung khi đạt độ cao khoảng hơn 100.000m so với mặt nước biển.

Những năm kế tiếp, NASA sử dụng khỉ. Albert I, II, III, IV được gửi vào vũ trụ. Tất cả đều không thể trở về.

Số phận bi thảm của những loài động vật từng du hành vũ trụ - Ảnh 2.

Albert II - một trong những chú khỉ đầu tiên "được" du hành vũ trụ

Đến năm 1951, NASA mới ghi nhận trường hợp sinh vật sống đầu tiên trở về mặt đất an toàn. Đó là Albert VI (tên khác là Yorick) cùng 11 con chuột khác. Thành công ấy đã đặt bước đệm cho những thử nghiệm mang tính phức tạp hơn. Chuột sau đó được đem ra thử nghiệm rất nhiều, nhưng chủ yếu là những chuyến đi "không thể trở lại".

Sau đó, để có được những thông tin cần thiết nhằm xây dựng tàu vũ trụ phù hợp với con người, các nhà nghiên cứu buộc phải chuyển sang thí nghiệm trên loài chó. 

15/8/1951, 2 chú chó đầu tiên trở thành phi hành gia là Dezik và Tsygan được phóng lên vũ trụ. Chúng không thể chạm đến quỹ đạo, nhưng may mắn sống sót khi trở về mặt đất. Một số chuyến bay tương tự cũng được thử nghiệm, và vài năm sau đó, đến lượt Laika.

Số phận bi thảm của những loài động vật từng du hành vũ trụ - Ảnh 3.

Dezik và Tsygan

"Đó là khoảng thời gian con người biết rất ít về vũ trụ," - giáo sư Martin Barstow, giám đốc Viện quan sát không gian và Trái đất tại Leicester chia sẻ về sứ mệnh của Laika.

"Chúng ta chưa biết được liệu con người có thể tồn tại trong vũ trụ. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng."

"Nhiệm vụ ấy là bước chuẩn bị cho chuyến bay của Yuri Gagarin năm 1961. Họ phải thử nghiệm công nghệ cabin, công nghệ cung cấp oxy, và tác động từ bức xạ của Mặt trời đối với khả năng sống sót của con người."

Nhiệm vụ của Laika là rất quan trọng. Adilya Kotovskaya - nhà sinh học từng trực tiếp huấn luyện Laika chia sẻ: "Phi hành gia đầu tiên đã hy sinh vì tương lai khai phá vũ trụ của con người."

"Chúng tôi chọn Laika là giống cái, vì con cái không cần giơ chân lên khi đi tiểu, tức là chúng cần ít không gian hơn".

Kể từ sau sự cố của Laika, các chuyến thử nghiệm sau đó bắt đầu có những thành công nhất định. Những sinh vật đầu tiên chạm được đến vũ trụ và trở về an toàn là 2 chú chó Belka và Strelka vào năm 1960.

Tuy nhiên, các loài động vật vẫn phải "đứng mũi chịu sào". Cho đến 1968, các thử nghiệm khai phá vũ trụ với rùa, ruồi giấm, giun tròn, ếch, nhện, mèo... đã được thực hiện.

Tranh cãi đằng sau các thử nghiệm vũ trụ với động vật trong thế kỷ 21

Năm 1969, sau cột mốc đặt chân lên Mặt trăng của con người, vai trò của các loài động vật phai mờ dần. Công nghệ phát triển đột phá, con người cũng trở nên bạo dạn hơn, sẵn sàng dấn thân vào những thử nghiệm có rủi ro cao.

Số phận bi thảm của những loài động vật từng du hành vũ trụ - Ảnh 4.

Sau khi Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng, vai trò của các loài động vật mới dần phai nhạt

Tuy nhiên mọi chuyện lại một lần nữa dậy sóng với các kế hoạch chinh phục sao Hỏa của con người. Một thế giới chứa quá nhiều rủi ro: mật độ bức xạ cao, môi trường khắc nghiệt... tất cả là lý do khiến giới khoa học muốn sử dụng loài khỉ lên trước khi đưa con người lên khai phá.

"Sẽ tốt hơn khi thử nghiệm trên khỉ, thay vì chó hoặc các loài động vật khác." - Boris Lapin, giám đốc Viện Y học linh trưởng Sochi chia sẻ. "Khỉ và người có hệ thống cảm nhận gần như tương đồng."

Một số chuyên gia lại cho rằng đó là những việc làm không thể chấp nhận được. "Việc đưa động vật lên vũ trụ chẳng khác gì thử nghiệm hóa chất, mỹ phẩm trên chúng. Giờ đây, mọi thứ bạn làm phải bị kiểm soát. Thời đại đã thay đổi rồi." - giáo sư Barstow chia sẻ.

Số phận bi thảm của những loài động vật từng du hành vũ trụ - Ảnh 5.

Hiện tại, sinh vật gần nhất bị đưa lên vũ trụ là loài giun Caenorhabditis. Chúng hiện đang ở trên trạm vũ trụ ISS nhằm mục đích nghiên cứu, vì loài giun này có hệ thần kinh và hệ tiêu hóa tương tự con người. 

"Động vật không sinh ra để du hành. Và cũng không giống con người, chúng chẳng thể phản đối chuyện được đưa ra làm thí nghiệm, hay chống lại những rủi ro mà đến những người đặt chúng vào đó cũng chẳng thể kiểm soát" - tiến sĩ Julia Baines, chuyên gia từ hiệp hội bảo vệ động vật PETA thẳng thắn nói.

"Laika đã chết vì quá tải nhiệt - đó là một cái chết đau đớn."

Nguồn: Independent
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày