Đại học Ngoại thương (FTU) hay Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) là hai trong số những trường đại học top đầu về đào tạo kinh tế của cả nước. Thậm chí, hai ngôi trường này còn được coi là "kỳ phùng địch thủ" khiến dân tình phải đau đầu phân định xem đâu mới là trường "xịn" nhất.
Các yếu tố để đưa ra phân định thì rất nhiều: từ cơ sở vật chất bên nào tốt hơn đến chất lượng sinh viên bên nào giỏi hơn, từ list người nổi tiếng của trường nào dài hơn đến cả thứ vui vui như nickname "Harvard Chùa Láng" và "Stanford Phố Vọng" cái nào oai hơn... Tuy nhiên, đến mỗi mùa tuyển sinh thì có một câu hỏi khiến sĩ tử quan tâm nhiều hơn cả, đó chính là Ngoại thương và Kinh tế Quốc dân, trường nào sở hữu tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao hơn?
Câu hỏi này mới đây đã được giải đáp phần nào thông qua cuộc trao đổi với cán bộ của hai trường trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức vào sáng 19/3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 được tổ chức vào sáng 19/3
Các đại diện chia sẻ rằng, trong quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường bắt buộc phải công bố tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khoá gần nhất so với năm tuyển sinh. Vậy nên, năm nào FTU và NEU cũng công bố tỷ lệ này kể từ thời điểm đó.
Trước tiên là đối với trường Đại học Ngoại thương, theo "Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên" năm tốt nghiệp 2021, tỷ lệ sinh viên FTU ra trường có việc làm nằm ở ngưỡng rất cao: 95,65% - 99,29%.
Theo đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về ngành Kinh doanh Quốc tế (99,29%), tiếp đến là Ngôn ngữ Trung (98,15%). Còn các ngành như: Kế toán Kiểm toán, Kinh tế, Kinh tế Quốc tế, Luật... tỷ lệ việc làm dao động trong khoảng 97% - 98%. Còn ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường thấp nhất tại FTU là Ngôn ngữ Pháp (95,65%). Ngoài ra, khu vực làm việc của sinh viên FTU sau khi ra trường chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên FTU tốt nghiệp năm 2021
Còn Đại học Kinh tế Quốc dân, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh, đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm. Tỷ lệ sinh viên NEU tốt nghiệp năm 2021 ra trường có việc làm dao động trong khoảng 84,24% - 97,73%, không hề kém cạnh so với FTU.
Nắm giữ "ngôi vương" tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của NEU là ngành Khoa học máy tính (97,73%), tiếp theo đó là Quản trị nhân lực (94,59%); Marketing (94,16%); Quản trị du lịch lữ hành (93,06%); Quản trị khách sạn (92,86%)... Trái ngược với Đại học Ngoại thương, ngành Kinh doanh quốc tế của NEU lại có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp nhất (84,35%).
Chi tiết tỷ lệ sinh viên NEU tốt nghiệp năm 2021 từng ngành
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và trường Đại học Ngoại thương đều là những cơ sở giáo dục đại học top đầu cả nước trong việc giảng dạy về lĩnh vực kinh tế. Chất lượng đào tạo đã được chứng minh trong suốt quá trình hình thành và phát triển của cả hai trường. Do đó, rất khó để có thể nói được rằng trường nào mới là tốt hơn, "xịn xò" hơn được bởi mỗi cơ sở sẽ có những ưu điểm - nhược điểm riêng.
Ngay kể cả khi nhìn vào công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cũng khó có thể đánh giá được, bởi có rất nhiều yếu tố chi phối đến số liệu này như: Tổng số sinh viên của ngành đó nhiều hay ít, nhu cầu tuyển dụng của thị trường... Nhưng nhìn chung, tỷ lệ có việc làm và chất lượng đào tạo của cả FTU và NEU đều rất cao. Nhiều bạn sinh viên mặc dù chưa ra trường đã có việc làm, các năm trước đây điểm đầu vào cả hai trường ở ngưỡng "chạm trần" nên lựa chọn Ngoại thương hay Kinh tế Quốc dân đều tốt nhé, miễn là bạn đủ cố gắng và kiên trì theo đuổi.
Tổng hợp