Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2022, khối ngành liên quan đến Kinh doanh, Quản lý có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cao nhất (24,54%) trong số 25 lĩnh vực, ngành đào tạo. Con số này phản ánh các ngành học liên quan đến Kinh tế luôn được các sĩ tử ưu tiên.
Tại Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Ngoại thương được xem là 2 "ông lớn kinh tế" đi đầu về chất lượng đào tạo lĩnh vực này. Thậm chí khi đăng ký nguyện vọng, nhiều sĩ tử băn khoăn khi đứng trước sự lựa chọn ở những chuyên ngành tại 2 ngôi trường này.
Nếu dựa theo 3 tiêu chí, điểm chuẩn đầu vào, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại và tỷ lệ sinh viên có việc làm hàng năm sẽ thể hiện rõ điều này.
Theo công bố chính thức từ phía ĐH Ngoại thương (FTU) - ngôi trường được mệnh danh là "Harvard Việt Nam", năm 2022 điểm chuẩn để trúng tuyển vào các chuyên ngành đào tạo của trường theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động 27,5-28,4 điểm (thang 30 điểm). Đối với các ngành xét thang 40 điểm, điểm chuẩn dao động 35-36,6 điểm.
Điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương năm 2022. Nguồn: Trường ĐH Ngoại thương
Trong khi đó, đối với trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) - ngôi trường được mệnh danh là "Stanford Việt Nam", điểm chuẩn dao động ở mức 26,1-28,6 điểm.
Điểm chuẩn trường ĐH Kinh Tế Quốc dân. Nguồn: Trường Kinh tế Quốc dân
Với các ngành tính theo thang điểm 40, điểm trúng tuyển dao động khoảng 34,6-38,1 điểm.
Điểm chuẩn trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Nguồn: Trường Kinh tế Quốc dân
Nếu so sánh mức điểm chuẩn cao nhất ở 2 trường có thể thấy, ĐH Kinh tế Quốc dân có điểm cao hơn so với ĐH Ngoại thương (28,6>28,4). Nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất ở ĐH Ngoại thương là Kinh tế (Kinh tế và Kinh tế quốc tế). Trong khi đó Quan hệ công chúng là ngành có điểm chuẩn cao nhất ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong đợt tuyển sinh năm 2022.
Ngoài ra có thể thấy, biên độ giữa điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất của ĐH Kinh tế Quốc dân cao hơn so với ĐH Ngoại thương.
Theo Tuổi Trẻ, trong lần xét tốt nghiệp đợt 4-2022 và đợt 1-2023, trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 988 sinh viên được công bố tốt nghiệp. Đáng chú ý trong số này có 35% (làm tròn) sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 41% tốt nghiệp loại giỏi.
Như vậy, 76% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Chỉ có 23% sinh viên tốt nghiệp loại khá trong khi số sinh viên tốt nghiệp trung bình khoảng 1%.
Trong đợt xét tốt nghiệp mới diễn ra vào ngày 2/4 của trường ĐH Ngoại thương, 28,6% sinh viên đạt kết quả học tập loại xuất sắc, khoảng 51,1% sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi. Như vậy tỷ lệ sinh viên đạt loại xuất sắc, giỏi cao hơn so với ĐH Kinh tế Quốc dân (79,7>76).
Nhìn chung tỷ lệ sinh viên có việc làm của 2 trường đều ở ngưỡng cao. Theo "Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2021", tỷ lệ sinh viên FTU ra trường có việc làm nằm ở ngưỡng rất cao: 95,65%-99,29%.
Theo đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về ngành Kinh doanh Quốc tế (99,29%), tiếp đến là Ngôn ngữ Trung (98,15%). Còn các ngành như: Kế toán Kiểm toán, Kinh tế, Kinh tế Quốc tế, Luật... tỷ lệ việc làm dao động trong khoảng 97% - 98%. Ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp nhất tại ĐH Ngoại thương là Ngôn ngữ Pháp (95,65%). Ngoài ra, khu vực làm việc của sinh viên FTU sau khi ra trường chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Ảnh: Website của trường ĐH Ngoại thương
Đối với ĐH Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp 2021 có việc làm dao động khoảng 84,35-97,73% (thấp hơn so với tỷ lệ của ĐH Ngoại thương). Trong đó, ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất là Khoa học máy tính, đạt 97,73% (Ngành đào tạo tập trung vào nghiên cứu và phát triển về Khoa học máy tính; Công nghệ phần mềm; Hệ thống thông tin nhằm đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp).
Ảnh: Website của trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Một điểm khá đặc biệt, nếu như ở ĐH Ngoại thương ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt mức cao nhất là Kinh doanh quốc tế (99,29%) thì ở ĐH Kinh tế Quốc dân đây lại là ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm ở thấp nhất (84,35%).
Ngoài ra, dựa theo số liệu thống kê trên có thể thấy, tỷ lệ sinh viên có việc đúng chuyên ngành đến từ NEU thấp hơn nhiều so với sinh viên tốt nghiệp ở FTU (34,09<88,79). Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên có việc làm không liên quan và có liên quan đến ngành đào tạo của NEU cao hơn so với FTU.
Cụ thể tỷ lệ sinh viên có việc làm liên quan đến chuyên ngành đào tạo của NEU và FTU lần lượt là 28,57% và 6,34%. Tỷ lệ sinh viên có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo của NEU là 24,91%, ở FTU chỉ là 2,46%.
Với những dữ liệu trên có thể thấy, 2 ngôi trường này này đều có sức hút lớn đối với các sĩ tử. Chất lượng đào tạo được phản ánh bằng những con số ấn tượng từ điểm đầu vào, cho đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, đặc biệt là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường.
Ngoài ra, những ngôi trường này còn là nơi nâng bước những Hoa hậu, người đẹp nổi tiếng. Như ĐH Ngoại thương là "lò đào tạo" những người Hoa hậu có tên tuổi như Hoa hậu Việt Nam 2006 - Mai Phương Thúy, Hoa hậu Việt Nam 2014 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa hậu Việt Nam 2016 - Đỗ Mỹ Linh… ĐH Kinh tế Quốc dân cũng không hề kém cạnh với những gương mặt sinh viên nổi bật như Á hậu 2018 - Phương Nga, Hoa hậu Việt Nam 2020 - Đỗ Thị Hà, Á hậu 2022 - Trịnh Thùy Linh.