Số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ bất ngờ giảm 90%, điều gì đã xảy ra?

Hồng Anh, Theo VOV 23:15 25/02/2021

Các chuyên gia suy đoán, một số yếu tố có thể dẫn đến sự sụt giảm số ca mắc tại Ấn Độ là tỷ lệ dân số trẻ cao và sự gia tăng khả năng miễn dịch ở các khu vực thành thị.

6 tháng trước đây, Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19. Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng bị bệnh viện từ chối điều trị. Nhiều y bác sĩ ngã quỵ vì kiệt sức. Virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ chóng mặt tại các khu “ổ chuột” đông đúc - nơi sinh sống của hàng triệu người dân nghèo nhất đất nước.

Số ca mắc giảm 90%

Hiện nay, tình hình đã khác. Số ca mắc mới theo ngày tại nước này giảm mạnh, từ mức cao nhất hơn 90.000 ca vào tháng 9/2020 xuống còn hơn 10.000 ca vào tháng 2/2021. Theo trang web COVID19INDIA, vào ngày 9/2 vừa qua, thủ đô New Delhi lần đầu tiên thông báo không có ca tử vong do SARS-Co-2 trong gần 9 tháng. Điều bất ngờ là các kết quả đó có được mà không cần đến những biện pháp quyết liệt chẳng hạn như phong tỏa, vốn được áp dụng tại nhiều quốc gia như New Zealand và Australia nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Chính phủ Ấn Độ dù đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và nỗ lực giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện nhưng đã mở cửa trở lại nền kinh tế, du lịch trong nước và người dân phần lớn trở về nhịp sinh hoạt thường ngày.

Giới phân tích cho rằng, kết quả này có lẽ không phải do tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ấn Độ đã khởi động chương trình tiêm chủng với mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người đến tháng 8/2021, nhưng kế hoạch này vẫn còn kém xa so với các quốc gia phát triển hơn. Theo trang web tổng hợp dữ liệu Our World In Data của Đại học Oxford, cho đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine của Ấn Độ mới ở mức gần 1/100 (tức chưa đến 1 liều vaccine trên 100 người), thấp hơn nhiều so với Anh (27/100) và Mỹ (19/100).

Các chuyên gia suy đoán, một số yếu tố khác có thể dẫn đến sự sụt giảm số ca mắc tại Ấn Độ là tỷ lệ dân số trẻ cao và sự gia tăng khả năng miễn dịch ở các khu vực thành thị.

Ngoài ra, cũng có khả năng, con số thống kê số ca mắc không phản ánh đúng thực tế. Tốc độ xét nghiệm Covid-19 tại Ấn Độ đang giảm dần, đồng nghĩa với việc nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không bị phát hiện. Hồi tháng 9/2020, quốc gia này đã tiến hành hơn 1 triệu xét nghiệm mỗi ngày. Nhưng vào tháng 2 năm nay, con số này giảm xuống còn từ 600.000 đến 800.000 xét nghiệm/ngày, theo dữ liệu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR).

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên tổng số xét nghiệm được tiến hành tại nước này vẫn dao động ở mức gần 6% vào tháng 1 và trên 5% vào tháng 2. Tỷ lệ này cao cho thấy Ấn Độ xét nghiệm chưa đủ rộng. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ xét nghiệm dương tính của các nước cần phải ở mức bằng hoặc thấp hơn 5% trong 2 tuần trước thời điểm mở cửa trở lại.

Một số chuyên gia cảnh báo, Ấn Độ không nên mất cảnh giác khi chứng kiến số ca mắc Covid-19 ở mức thấp, bởi ngày càng xuất hiện nhiều biến thể mới có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Hình thành khả năng miễn dịch tại các thành phố lớn

Jameel, Giám đốc Trường Sinh học Trivedi thuộc Đại học Ashoka ở Haryana cho biết, nguyên nhân khiến số ca bệnh sụt giảm có thể là do sự gia tăng số lượng người phát triển kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. “Đã có rất nhiều người bị phơi nhiễm với virus và vì thế họ phát triển khả năng miễn dịch”.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về dịch Covid-19 và khả năng miễn dịch của con người đối với căn bệnh này. Một nghiên cứu của Mỹ công bố trên tạp chí Science hồi đầu tháng 2 cho biết, sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và phát triển kháng thể, bệnh nhân có thể được bảo vệ để chống lại sự tái nhiễm trong ít nhất 8 tháng”.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc và 156.000 trường hợp tử vong do Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Các cuộc khảo sát huyết thanh học trên toàn quốc cho thấy, số người xuất hiện kháng thể với virus đã gia tăng mạnh mẽ tại nhiều khu vực của nước này. Khảo sát mới nhất do ICMR thực hiện cho thấy, tỷ lệ xuất hiện kháng thể với virus SARS-CoV-2 chiếm gần 22% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, cao gần gấp 3 so với giai đoạn tháng 8 và tháng 9/2020.

Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các thành phố lớn. Các cuộc khảo sát vào tháng 8 và tháng 9/2020, hơn một nửa số dân sống trong các khu “ổ chuột” tại thành phố Mumbai có thể đã từng bị mắc bệnh. Còn tại New Delhi, hơn một nửa dân số đã bị mắc Covid-19, theo khảo sát của chính phủ thực hiện tháng 1/2021.

Chuyên gia y tế Hemant Shewade cho biết, các thành phố lớn tại Ấn Độ có thể chứng kiến sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm do số người phát triển miễn dịch gia tăng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ấn Độ sắp đạt được miễn dịch cộng đồng. Khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi số người mắc bệnh đạt đến ngưỡng cần thiết và trở nên miễn dịch với virus, từ đó giúp cung cấp sự bảo vệ cho toàn bộ cộng đồng bằng cách hạn chế số người có thể lây truyền virus. Tính đến nay, số người mắc Covid-19 tại Ấn Độ mới chiếm chưa đến 1% trên tổng số dân hơn 1,4 tỷ người tại nước này.

Hơn nữa, theo chuyên gia Shahid Jameel, tỷ lệ dương tính với virus có thể khác nhau tại các khu vực khác nhau. Ngoài các thành phố lớn, hầu hết các khu vực khác của Ấn Độ đều có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều. Ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ cho rằng Ấn Độ sẽ khó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong nhiều năm tới nếu không đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Nhân khẩu học, địa lý và điều kiện sống

Một số ý kiến cho rằng, dân số tương đối trẻ của Ấn Độ có thể là một yếu tố giúp nước này đẩy lùi số ca mắc, bởi nhiều nghiên cứu cho biết người trẻ có xu hướng xuất hiện các triệu chứng nhẹ hơn và có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với người già. Một cuộc điều tra dân số tại Ấn Độ cho biết, một nửa dân số nước này có độ tuổi từ 25 trở xuống. Số người dưới 35 tuổi chiếm 65%.

“Dân số trẻ hơn có nghĩa là phần lớn số ca mắc có thể là ca nhẹ hoặc không xuất hiện triệu chứng vì thế những trường hợp này có thể không được xét nghiệm hoặc không được đưa vào danh sách thống kê”, chuyên gia Jameel nói.

Một yếu tố khác là vệ sinh dịch tễ. Theo chuyên gia Jameel, môi trường quá sạch sẽ có thể khiến hệ thống miễn dịch của con người hoạt động kém hơn. Giả thuyết đưa ra là những người phải sống trong điều kiện khó khăn, ở những nơi có “tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn” có thể phát triển khả năng miễn dịch bẩm sinh tốt hơn.

Địa lý cũng đóng vai trò quan trọng. Ông Raman Gangakhedkar, người từng phụ trách vấn đề dịch tễ và các bệnh truyền nhiễm của ICMR cho biết: “Khoảng 70% người Ấn Độ sống ở các vùng nông thôn - nơi có môi trường thông thoáng. Người sống ở khu vực nông thôn thường ít đi lại bằng xe buýt hoặc tàu hỏa và sự tiếp xúc của họ với những người khác cũng hạn chế hơn. Vì thế nguy cơ mắc bệnh sẽ ít hơn so với những người sống ở khu vực thành thị”.

Cuối cùng, đó là các nỗ lực của chính phủ. Ấn Độ đã áp đặt biện pháp phong tỏa chặt chẽ trong một vài tháng vào năm 2020 và đã dỡ bỏ trước khi số ca mắc tăng cao đỉnh điểm vào tháng 12. Mặc dù việc đi lại và kinh doanh phần lớn được nối lại, nhưng vẫn có một số hạn chế được giữ nguyên chẳng hạn như quy định bắt buộc đeo khẩu trang giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người.

Nhà chức trách nước này đã tăng cường các nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, giúp làm giảm số ca bệnh nặng và ca tử vong. Chính phủ liên bang đã điều động các bác sĩ từ lực lượng vũ trang đến New Delhi vào tháng 11/2020, tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm di động và cung cấp thêm 300 giường bệnh ICU trong thành phố.

Sự sụt giảm số ca mắc Covid-19 có thể là dấu hiệu đáng mừng, nhưng các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ cần thận trọng hơn và không nên quá hài lòng với các con số hiện tại. Nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt khi xuất hiện mối đe dọa từ các biến thể mới đã được phát hiện tại nhiều quốc gia khác.

Ấn Độ đã báo cáo có hơn 180 trường hợp nhiễm biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh, và một số trường hợp nhiễm biến thể từ Nam Phi hay Brazil. Việc số ca mắc giảm sau khi lên đến đỉnh không có nghĩa là Ấn Độ sẽ đảm bảo được an toàn trước làn sóng dịch bệnh thứ hai, chuyên gia Jameel cảnh báo./.