Cụ thể, Malaysia đã ghi nhận 13.000 ca bệnh trong Tuần dịch tễ học lần thứ 49 (ME49) từ ngày 3 - 9/12, so với 6.796 trường hợp trong ME48 và 11 trường hợp tử vong.
Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và không cần nhập viện. Tuy nhiên, mức tăng gần gấp đôi số ca nhiễm mới trong thời gian ngắn gây lo ngại.
(Ảnh: The Straits Times)
Lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia, ông Muhammad Radzi Abu Hassan cảnh báo, số ca bệnh có thể sẽ tiếp tục tăng cao do hoạt động đi lại, du lịch, gặp gỡ trong dịp nghỉ lễ, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải đối với các cơ sở chăm sóc y tế. Ngoài ra, ông Radzi cũng cập nhật thông tin về việc đã ghi nhận 21 người nhiễm biến thể đáng lo ngại (VOC) và 5 trường hợp thuộc biến thể đáng quan tâm (VOI). Các biến thể Omicron được xác định ở Malaysia chủ yếu là XBB.1.16, XBB.1.5 và EG.5.5, có khả năng lây nhiễm cao, nhưng nhìn chung không gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Để bảo vệ những người có nguy cơ mắc cao, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên, có nhiều bệnh lý như béo phì, hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc đang dùng các thuốc điều trị bệnh mãn tính, ông Radzi khuyến nghị, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid, thuốc có hiệu quả khi sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Trước đó, ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Zaliha Mustafa đưa ra khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng dịp cuối năm. Bộ trưởng Zaliha nêu rõ, hiện số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu, bao gồm cả ở Malaysia, phù hợp với xu hướng thường xảy ra vào cuối năm và tương tự tại các quốc gia khác.