Đỗ Nhật (18 tuổi, sinh viên đại học) hiện đang thuê 1 căn có gác xép với diện tích khoảng 30m2 tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Tổng chi phí khoảng 5,5 triệu/tháng, trong đó giá thuê là 4,7 triệu đồng.
Cậu bạn chia sẻ rằng thuê nhà ở một mình với mức chi phí khoảng 5,5 triệu/tháng khá cao so với sinh viên. Tuy nhiên, cậu bạn vẫn cảm thấy đây là khoản đầu tư xứng đáng bởi vì không gian sống rất quan trọng. Bên cạnh đó, Đỗ Nhật cũng tự nhận rằng bản thân là người khá kỹ tính trong việc duy trì sự gọn gàng, ngăn nắp trong không gian sống. Do vậy, việc tìm bạn cùng nhà hợp ý, hợp lối sống rất khó khăn.
Chia sẻ về quá trình đi thuê nhà, yếu tố đầu tiên khiến cậu bạn lựa chọn căn duplex này là vì đưa lại cảm giác phù hợp, thoải mái. Bên cạnh đó, Đỗ Nhật cũng tính toán về tiện ích, dịch vụ đi kèm có thuận tiện với tài chính và xứng đáng với mức giá thuê hay không. Chẳng hạn, nếu thuê nhà không nội thất sẽ rẻ hơn nhưng bạn phải tự mình đi mua thêm những món đồ mới trong nhà. Liệu điều đó có phù hợp trong trường hợp bạn là nhân viên văn phòng bận rộn hay sinh viên “lạ nước lạ cái” đến thành phố mới sống hay không. Cậu bạn cũng cho rằng các bạn sinh viên năm nhất nên rủ người có kinh nghiệm đi xem phòng chung, hoặc tìm hiểu kĩ về những vấn đề có thể gặp phải trong lúc tìm nhà thuê.
Căn nhà Đỗ Nhật đang thuê
Bên cạnh đó, Yến Ngọc (21 tuổi, sinh viên đại học Ngoại Thương) hiện đang thuê phòng trọ 25m2 tại Đống Đa, Hà Nội. Được biết cô bạn vừa mới chuyển đến căn phòng này từ đầu tháng, tiền thuê nhà là 2,6 triệu đồng/tháng. Trước đây, Yến Ngọc cho rằng chưa lập gia đình, chưa có cuộc sống ổn định thì không nhất thiết phải có một không gian sống đẹp đẽ và đầy đủ. Cô bạn thuê nhà với suy nghĩ chỉ cần một nơi đơn giản để nghỉ ngơi sau khi đi học đi làm và việc chấp nhận các bất tiện là điều hiển nhiên.
“Nhưng đến bao giờ thì mình mới có căn nhà cho riêng mình? Và quan trọng hơn là tại sao mình không sống cho hiện tại, không sống theo cách mình muốn từ ngay bây giờ? Thế là mình quyết định tìm trọ mới, chuyển ra khỏi cái nơi bản thân cho là tạm bợ. Lần đầu tiên mình chăm chút căn phòng trọ, biến nó thành nơi muốn trở về. Và đây cũng chính là lần đầu tiên mình thấy được vai trò của không gian sống tới chất lượng cuộc sống, đặc biệt về mặt tinh thần”.
Một môi trường sống sạch sẽ, thoải mái và an lành đem lại cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tạo ra một tinh thần tích cực. Không gian sống tốt có thể trở thành một nơi thể hiện sự sáng tạo, ảnh hưởng đến tinh thần và động lực, thúc đẩy mọi người làm việc và đạt được các mục tiêu.
Với kinh nghiệm của một sinh viên còn phụ thuộc tài chính một phần vào phụ huynh, Yến Ngọc cho rằng yếu tố tiên quyết đi đến lựa chọn thuê nhà là ngân sách. Cô bạn luôn xác định số tiền có thể dành cho thuê nhà mỗi tháng, xem xét tất cả các khoản chi phí liên quan, bao gồm tiền thuê, tiền điện, nước, internet, và các khoản phí khác. Ngoài ra một căn phòng có cửa sổ lớn đón được nhiều ánh sáng là ưu tiên để không gian sống không quá bí, ảnh hưởng đến tâm trạng học tập và làm việc.
Căn nhà trọ của Yến Ngọc
Đỗ Nhật đã thuê căn nhà với đầy đủ nội thất cơ bản như: tủ, kệ bếp, máy nước nóng lạnh, điều hoà, quạt trần,... Bởi vì là sinh viên mới lên TP Hồ Chí Minh học năm đầu tiên, cậu bạn chưa quen với hàng quán. Mong muốn hoà nhập với nhịp sống mới nhanh chóng nên cậu bạn đã thuê nhà đủ nội thất để tránh những rắc rối khi đi mua đồ. Đỗ Nhật đến nay gần như không mua thêm đồ trang trí mới mà chỉ dùng đồ có sẵn từ trước.
Căn nhà thuê của Đỗ Nhật lấy trắng và ghi làm màu chủ đạo tạo nên một không gian tối giản nhưng vẫn vô cùng hiện đại. Hơn thế nữa, đồ nội thất với những màu này cũng dễ kết hợp, nhưng cần lưu ý là dọn dẹp thường xuyên với các món đồ màu trắng. Đỗ Nhật cũng tạo dấu ấn cá nhân bằng những bức hình nhỏ xinh trên tường, trông khá “nghệ”.
“Đối với mình, không gian và môi trường xung quanh rất quan trọng trong việc học tập và làm việc. Chính vì vậy mình luôn ưu tiên và đầu tư vào không gian sống, và cách thiết kế tối giản luôn là thứ mà mình hướng đến. Với kinh nghiệm của mình, không gian sống nên được trang trí theo những tông màu cố định. Không nên pha trộn quá nhiều vật dụng có nhiều màu sắc khác nhau vì như vậy sẽ khiến không gian trở nên chật chội và rối mắt”.
Còn với Yến Ngọc, bởi vì vẫn đang là sinh viên, ngân sách cho nhà cửa không nhiều, để có được không gian sống như mong muốn, cô bạn đã liều chọn một căn phòng khá cũ kỹ và quyết định tự tay cải tạo lại nó.
“Vì không tự tin với mắt thẩm mỹ của bản thân nên hiện tại mình decor căn phòng theo phong cách tối giản, lấy gọn gàng và sáng sủa làm tiêu chí tiên quyết. Để căn nhà trông sáng hơn, mình đã sơn phòng màu trắng, thay rèm vải truyền thống bằng rèm sáo nhôm trắng hiện đại. Mình cũng sơn trắng lại giường gỗ nâu cho hợp tông màu của phòng. Tổng quan căn phòng đã lột xác hoàn toàn. Thời gian tới mình sẽ decor dần dần để căn phòng trở nên đáng yêu hơn với tông hồng và sẽ có thêm nhiều dấu ấn riêng của bản thân”.
Mỗi người đều có thể tạo những điểm nhấn cá nhân khi decor một không gian nhỏ. Yến Ngọc chọn sử dụng tranh, hình ảnh và trang trí tường tạo những điểm nhấn nghệ thuật. Cô bạn cũng mua một vài cây xanh dễ sống trong phòng bởi vì muốn gần gũi thiên nhiên hơn nhưng khá lười chăm sóc. Căn phòng cũng được trang trí bởi những món đồ nhỏ dễ thương nữa, cô bạn hướng tới màu hồng hoặc tím để thể hiện tâm hồn mơ mộng của bản thân.