Sinh viên năm nhất “xoay” đủ nghề để trang trải cuộc sống

Nga Thanh, Theo Phụ nữ Việt Nam 18:51 08/05/2023

Đây là công việc cậu mới đăng ký làm nên còn khá bỡ ngỡ. Chưa quen đường, thậm chí xem chỉ đường trên Google Maps cũng khiến cậu loay hoay. Mỗi ngày chạy Grab của Hải từ 17h30 đến 21h, kiếm được khoảng 100.000 đồng.

Tan học buổi chiều, khi các bạn trở về phòng trọ thì cậu sinh viên năm nhất ĐH Xây dựng Nguyễn Văn Hải (quê Thái Bình) bắt đầu mở ứng dụng Grab để nhận khách.

Đây là công việc cậu mới đăng ký làm nên còn khá bỡ ngỡ. Chưa quen đường, thậm chí xem chỉ đường trên Google Maps cũng khiến cậu loay hoay. Mỗi ngày chạy Grab của Hải từ 17h30 đến 21h, kiếm được khoảng 100.000 đồng.

"Số tiền này với em là rất quý, nó có thể giúp em trả tiền ăn. Bố mẹ em ở quê sống rất chật vật, còn phải lo tiền ăn học cho 2 em trai của em nữa. Vì vậy, ngay từ khi bước chân lên Hà Nội, em đã nghĩ phải kiếm việc làm để không phải xin tiền bố mẹ nhiều", Hải chia sẻ.

Hải cho biết, trước khi chạy Grab, em đã trải qua nhiều công việc tay chân khác. "Ban đầu, em nhận chạy bàn cho nhà hàng tổ chức tiệc cưới. Người làm phục vụ như em lúc nào cũng luôn chân luôn tay nhưng thu nhập không cao, chỉ được 100.000 đồng cho 4 tiếng làm việc.

Công việc lại không đều, ngày làm ngày nghỉ, nên số tiền em kiếm được chỉ đủ mua một số vật dụng hàng ngày. Tiền phòng trọ, tiền ăn, bố mẹ vẫn phải gửi cho em", Hải tâm sự.

Giống như Hải, nhiều sinh viên năm nhất vừa bước chân lên Hà Nội đã xác định phải kiếm tiền để nuôi bản thân trong 4 năm học. Mẹ chỉ làm nông nghiệp, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Đặng Thuỳ Dung (quê Ninh Bình) phải bươn chải ở Hà Nội để tự lo cuộc sống của mình.

"Em làm thêm ở cửa hàng bán quần áo, với số tiền công là 19.000 đồng/giờ. Làm 5 tiếng buổi tối, em chưa kiếm được 100.000 đồng. Công việc này không quá vất vả nhưng ban ngày đi học, tối nào cũng đi làm khiến em khá mệt. Tuy nhiên, nghĩ lại, em vẫn thấy mình may mắn. Nhờ có công việc làm thêm, mẹ em không phải đi vay để gửi tiền lên cho em ăn học", Thuỳ Dung cho biết.

Sinh viên làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cũng nhờ công việc làm thêm, các em biết cách hoà nhập nhanh với cuộc sống ở nơi mình theo học, được trải nghiệm, cọ sát với thực tế. Tuy nhiên, việc đi làm thêm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em.

Theo các chuyên gia nhân sự, sinh viên nên lựa chọn việc làm thêm liên quan đến ngành nghề mình được đào tạo vì điều này sẽ giúp bổ trợ cho nghề nghiệp tương lai của các em. Đơn cử, sinh viên sư phạm thì nên làm gia sư, sinh viên kinh tế nên chọn công việc marketing, sinh viên ngành kỹ thuật có thể làm thêm ở các cửa hàng, trung tâm sửa chữa thiết bị máy móc, linh kiện điện tử và các bạn học chuyên ngành ngoại ngữ thì chọn các công việc biên, phiên dịch…