Sinh viên "khóc ròng" vì học phí tăng

NGHIÊM HUÊ, Theo Tiền phong 21:17 17/06/2022

Chính sách học phí mới không chỉ ảnh hưởng đến thí sinh, các trường đại học (ĐH) cũng kêu trời vì bị tác động tới tuyển sinh, nhất là với những trường đào tạo khoa học cơ bản được giao tự chủ.

Tại buổi làm việc vừa qua của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với ĐH Quốc gia TPHCM, một vấn đề đáng quan tâm được lãnh đạo các trường ĐH đề cập là việc tăng học phí hiện nay. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện đề án tự chủ từ năm 2022 và vấn đề cần tháo gỡ là câu chuyện tuyển sinh đối với những ngành học khó tuyển.

Sinh viên khóc ròng vì học phí tăng - Ảnh 1.

Tăng học phí là gánh nặng đối với phần lớn sinh viên. Ảnh: Nghiêm Huê

Trường đề nghị nhà nước có cơ chế ưu đãi và hỗ trợ kinh phí để khuyến khích sinh viên lựa chọn ngành học này. Thực tế từ ĐH Quốc gia TPHCM cho thấy, hiện nay đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực khoa học cơ bản còn thấp.Theo thống kê trong 3 năm gần đây các ngành đào tạo mang tính chất định hướng xã hội nhưng nhu cầu người học trên thực tế chưa cao như: Triết học, Tôn giáo học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha… Vì vậy, năm nay khi bắt đầu tự chủ, học phí tăng, lãnh đạo trường dự báo công tác tuyển sinh càng gặp khó khăn.

Theo số liệu của ĐH này, năm 2020 tổng chi cho con người liên quan khoa học công nghệ là 142 tỷ đồng, năm 2021 là 88 tỷ đồng và năm 2022 có 104 tỷ đồng. Với khoảng 1.100 tiến sĩ và hơn 300 giáo sư và phó giáo sư, kinh phí chi trực tiếp cho con người để đầu tư nghiên cứu bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, năm 2020 tổng chi thường xuyên tính trên đầu sinh viên từ ngân sách nhà nước là 3,3 triệu đồng, kế đến năm 2021 có 2,4 triệu đồng và năm nay là 1,3 triệu đồng/sinh viên. Mức chi này giảm, thể hiện mức độ tự chủ các trường thành viên khi không nhận ngân sách nhà nước nhưng với tình trạng như vậy, học phí tăng lên gây khó khăn cho các ngành khoa học cơ bản.

Nhằm chia sẻ khó khăn với người học, một số trường đã quyết định không tăng học phí. GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết suốt 3 năm qua, nhà trường không tăng học phí và năm nay cũng vậy.

Hai năm qua do học trực tuyến nên nhà trường tiết kiệm được một số khoản chi phí so với học trực tiếp. Mỗi năm, trường có từ 20 - 30 cán bộ nghỉ hưu, trường áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu nhân lực của bộ phận hành chính nên quỹ lương của trường cũng tiết kiệm được khoản tương đối lớn, trường dành hỗ trợ học phí cho sinh viên.

Đi tìm giải pháp

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết học phí của giáo dục ĐH trước đây chỉ là một phần bù chi của các trường, tuy nhiên, đối với các trường tự chủ, học phí phải bù đắp cho toàn bộ chương trình. Vì vậy, tăng học phí là điều tất nhiên, tuy nhiên, trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, người dân còn nhiều khó khăn, các trường cũng nên tính phương án khác để bù đắp.

Ông Cường khẳng định theo xu hướng tất yếu, học phí phải thực hiện theo nguyên tắc về giá là “tính đúng, tính đủ”, đảm bảo thu đó phải đủ bù chi phí, khi nhà nước không cấp ngân sách chi thường xuyên.

“Đây là do chính sách của mỗi nhà trường cũng như trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội, đối với người học, còn đứng về Nhà nước, chỉ mang tính chất khuyến cáo, không thể bắt buộc”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Theo ông, các trường phải có nhiều giải pháp hỗ trợ, để các em tiếp cận với điều kiện học tập tốt nhất, kể cả những chương trình chất lượng cao. Đứng về phía nhà nước, khi không cấp ngân sách đào tạo cho các cơ sở đào tạo, phần kinh phí đó phải được dành để thành lập các quỹ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, học viên thuộc diện chính sách xã hội, có năng lực tốt.

Các trường tự chủ, cũng phải có quỹ học bổng cho sinh viên, học viên. Còn lãnh đạo trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM biết có khoảng 70% sinh viên của trường đến từ vùng nông thôn. Vì vậy, khi chuyển sang tự chủ thì tài chính là vấn đề khó khăn với các sinh viên nông thôn và đề nghị nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong vay vốn dài hạn với sinh viên.

Nhiều trường đại học đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách vay vốn cho sinh viên theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng. Bên cạnh đó, cho phép sinh viên được vay với định mức cao hơn, thời gian vay được kéo dài hơn, đảm bảo sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.