Theo thống kê năm 2015 của Facebook, tại Việt Nam mỗi tháng có khoảng 30 triệu người dùng và dành trung bình 2,5 giờ/ngày cho trang MXH này. Đối tượng tiếp cận facebook chủ yếu là giới trẻ. 3/4 trong tổng số 30 triệu người dùng facebook có độ tuổi từ 18 đến 34 và sinh viên... chính là đối tượng sử dụng facebook "ác chiến" nhất.
Chuyện nhiều sinh viên trẻ mải chơi facebook đến độ quên ăn, mất ngủ, sống ảo từng giây... có lẽ là điều không quá xa lạ. Thế nhưng nghiện "chơi face" đến độ "cấm khẩu", ngày đêm cắm mặt vào máy tính, lười nhác việc nhà khiến căn phòng trọ bốc mùi, bẩn như chuồng heo... có lẽ là những điều khó có thể chấp nhận.
Nỗi khổ mang tên ở ghép với bạn trọ nghiện facebook, có lẽ chỉ những người đồng cảnh mới có thể hiểu được.
"Chơi face bạt mạng", ở bẩn "bạt vía"
Hai chuyện "chơi face" và ở bẩn thoạt nghe có vẻ không liên quan nhiều đến nhau. Thế nhưng sự thật là chỉ vì mải "dán mắt" vào điện thoại, máy tính để xài facebook, không ít bạn trẻ sinh ra thói lười nhác cực độ. Về đến nhà, "lẳng" túi xách sang một bên là họ liền trèo lên giường hay ngồi vào bàn học chỉ để... "chơi face".
Công cuộc cày facebook diễn ra dai dẳng. Chán việc "rep inbox", các tín đồ của trang MXH này lại chuyển qua xem các clip hài, nhạc chế hoặc thả thính, câu like hay "stalk timeline" của một ai đó.
Cứ như thế, chuyện "chơi face" chẳng thể dừng lại và hẳn đây là công việc thú vị khiến nhiều bạn trẻ làm hết từ ngày này qua ngày khác mà không hề biết chán.
Dành thời gian sống ảo nhiều nên những bạn trẻ này chẳng có đủ thời gian chăm sóc cho cuộc sống ngoài đời thực. Ăn cơm xong, bát đũa vứt bừa bộn giữa phòng, mặc kệ, họ phải trả lời inbox trước, nhà cửa nồm ẩm không có đủ thời gian lau dọn, chăn màn không buồn phơi phóng, quần áo không thèm giặt... nhưng facebook nhất định phải chơi.
Nguyễn Văn Mạnh (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) tâm sự: "Bạn cùng phòng với mình nghiện facebook kinh hồn. Ăn cơm bạn ấy cũng vừa bưng bát, vừa cắm mặt vào máy tính trả lời tin nhắn, comment trên facebook. Ảnh trên mạng nhìn mặt mũi sạch sẽ mà ở ngoài thì phải gọi là "nam thần ở bẩn".
Những căn phòng trọ bẩn có thứ hạng.
Và nhà vệ sinh cũng thật... kinh hồn.
Đũa bát rêu mốc.
Nền nhà bẩn thôi rồi.
Theo lời Mạnh, cậu bạn chung phòng với nam sinh này không bao giờ chịu lau dọn nhà cửa, phơi phóng chăn màn, bát đũa ăn xong từ sáng tới chiều mới rửa. "Giấy rác bạn ấy vứt tùm lum, đồ ăn toàn bê lên giường để vừa ăn vừa coi facebook, dầu mỡ vương vãi khắp tấm nệm, bẩn không tả nổi", Mạnh chia sẻ.
Không chỉ lười nhác việc chung, ngay cả việc cá nhân, "nam thần ở bẩn" này cũng siêu lười. "Đôi giày cậu ấy đi bốc mùi rồi mà cũng không chịu giặt, quần áo nhiều cái đầy vệt mốc. Mỗi lần mình nhắc thì đều kêu bận nhưng mình toàn thấy cậu ấy chơi facebook chứ có làm gì đâu".
Không có thời gian làm việc nhà nhưng những "ông thần, bà tướng" ở bẩn lại có thời gian để "nghịch" facebook.
Cùng chung nỗi khổ giống Mạnh, Ngọc Hoa (sinh viên ĐH Giao thông Vận tải) tâm sự, mỗi lần cô về quê, không có người dọn phòng là căn nhà trọ lại được dịp biến thành "chuồng heo", bẩn "kinh hồn, bạt vía". Lý do là bạn nữ ở ghép với Hoa rất ham chơi facebook và lười việc nhà.
"Mình không thể hiểu vì sao bạn ấy có thể vứt quần áo, tất tủng khắp nơi, chăn gối tung đầy giường. Bạn ấy nấu mì tôm xong cũng không chịu rửa bát, đồ ăn thừa mấy ngày không dọn để bốc mùi. Đã vậy con gái hay rụng tóc, thành ra tóc bạn ấy rắc đầy nhà không chịu quét, nhà vệ sinh nặng mùi xú uế cũng không buồn xả nước, cọ rửa...".
Phát điên vì mỗi lần nhắc nhở, bạn cùng phòng vẫn chỉ cắm mặt... vào facebook
Theo lời Hoa, khi mới dọn đến ở cùng nhau, bạn trọ của cô tỏ ra khá vui vẻ, chăm chỉ. Tuy nhiên, chỉ được 1 tuần, nữ sinh này lập tức hiện nguyên hình là "cao thủ ở bẩn" nhất hệ mặt trời. Mỗi lần phải đi dọn bãi chiến trường do cô bạn để lại, Hoa đều tức tối và không ngớt nhắc nhở. Thế nhưng lần nào nhắc, "nữ thần ở bẩn" này cũng chỉ gật đầu theo kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và tiếp tục... "dán mắt" vào facebook.
Không chỉ bực bội vì tính ở bẩn của bạn, Hoa còn thấy khó chịu khi bạn trọ chẳng khác nào một người máy được lập trình. "Thời gian biểu của bạn ấy diễn ra đều đặn, ăn ngủ, chơi facebook và đi học". Rõ ràng hai người ở chung nhưng tất cả việc nội trợ, cơm nước hay dọn dẹp nhà cửa, Hoa đều phải làm một mình. "Chắc bạn ấy không được lập trình làm việc nhà nên không biết làm", Hoa than thở.
Khu vực hành lang treo ngập quần áo.
Những xóm trọ nhìn từ bên ngoài đã thấy sự nhếch nhác.
Bát đũa vứt ngổn ngang...
Thềm cửa rải đầy các loại dầu gội đầu, xô, chậu, bát đĩa...
Ngoài thói lười biếng, bạn trọ của Hoa còn rất ít nói. "2 đứa ở cùng mà họa hiếm mới nói được câu chuyện dài quá 5 phút vì hình như đầu óc bạn ấy luôn bận nghĩ xem nên comment, trả lời inbox như thế nào cho hay...".
Lâm Ngọc (sinh viên ĐH Thủy Lợi) cũng chia sẻ, hiện tại cô đang ở ghép với một bạn nữ "sống ảo rất khỏe" nhưng ở ngoài lại co cụm, khép kín và rất ít nói. "Bạn ấy trên mạng thì tỏ ra so deep nhưng ở ngoài thì nhạt nhẽo, không đi chơi, không bạn bè, lười biếng và lại còn ít nói nữa".
Theo lời Hoa, cô bạn này rất nhác việc chung. Ví dụ việc quét dọn nhà cửa, giặt giũ chăn màn, rửa bát đũa, nấu ăn... tất cả đều đến tay Ngọc làm. "Mỗi khi mình định nói chuyện nghiêm túc thì lại thấy bạn đang mải mê lướt facebook. Có nhiều lần nhắc nhở bạn ấy cũng chỉ ậm ừ cho qua vì hình như không chú ý lắm".
Ở với nhau một thời gian nhưng Ngọc vẫn cảm thấy không hiểu nhiều về cô bạn cùng phòng vì ít có thời gian tâm sự, chuyện trò cùng nhau. Sinh viên có nhiều thời gian rảnh rỗi nhưng bạn của Ngọc chỉ muốn nướng hết quỹ thời gian ấy vào việc ngủ vùi và "nghịch" facebook. "Mình cảm thấy khá chán nản và đang nghĩ đến việc ở một mình vì sợ tìm người ở ghép nữa cũng sẽ lâm vào cảnh "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa".