Với chủ đề về Công giáo, thảm đỏ Met Gala 2018 này ngập tràn những bộ cánh xa hoa lộng lẫy khắc họa hình ảnh của Giáo hoàng, Thiên sứ, Tu sĩ, Nhà truyền đạo... Mỗi người một vẻ, "chặt chém" hết nấc hòng chẳng ai thua kém ai.
Nhưng nếu bạn tưởng rằng bao tinh hoa của chủ đề "Thánh thể hoàn mỹ: Thời trang và Trí tưởng tượng Công giáo" chỉ bao hàm những bước chân trên thảm đỏ thì bạn đã nhầm to đấy.
Bởi phần ấn tượng nhất, nguyên cớ để tổ chức Met Gala hàng năm chính là cuộc triển lãm bên trong, vốn trưng bày các thiết kế kinh điển, di sản của các nhà mốt bám sát với chủ đề năm nay.
Được biết, đây là triển lãm có quy mô đồ sộ nhất mà viện Met từng tổ chức. Những thiết kế được trưng bày ở đây phần nhiều mang tính kinh điển, chẳng hạn như trong hình là chiếc đầm Dior được John Galliano sáng tạo trong BST Thu-Đông 2005.
Âu cũng bởi chủ đề Công giáo vốn quá gần gũi, ăn sâu bám rễ trong tiềm thức người tây phương. Trong hình là thiết kế của Riccardo Tisci.
Cánh truyền thông nhận định rằng cả cuộc triển lãm như một bản đồ kho báu mà càng lục tìm bạn sẽ càng phát hiện ra nhiều bất ngờ, chẳng khác nào nghiền ngẫm Kinh thánh.
Hiếm ai được biết rằng cuộc triển lãm này ngoài Vogue ra thì còn được bảo trợ bởi một thế lực uy nghi: Vatican. Trong ảnh là thiết kế đầy phá cách của Thierry Mugler.
Có hẳn nhiều khu vực trọng tâm được trưng bày y phục mang cảm hứng từ các đức Giáo hoàng. Trong ảnh là một thiết kế Haute Couture của Dior thời John Galliano.
Ngoài ra, nhiều vật dụng trưng bày được mượn từ nhà nguyện Sistine. Và cũng chẳng hiếm các sáng tạo lấy cảm hứng từ hình tượng Ma Soeur.
Chẳng hạn như trong hình là thiết kế kinh điển được Cristóbal Balenciaga sáng tạo vào năm 1949.
Mỗi không gian đều kết nối nhau chặt chẽ, tạo thành một chủ đề liền mạch. Trong hình là sáng tạo từ BST Haute Couture Thu-Đông 2007 của Christian Lacroix.
Bên cạnh các tác phẩm thời trang thì cũng có nhiều hiện vật được mượn từ Vatican.
Bằng cách đặt các thiết kế áo váy bên cạnh những hiện vật xưa cũ hay tác phẩm điêu khắc khác, Andrew Bolton - người phụ trách viện Met cho thấy rằng thời trang hoàn toàn có thể sánh đôi cùng lịch sử. Trong ảnh là các thiết kế của Versace.
Hai sáng tạo của Valentino được trưng bày ở vị trí nổi bật
Bên cạnh những di sản xưa cũ thì cũng xuất hiện nhiều kiến tạo mới từ những cái tên như Raf Simon, Riccardo Tisci, Thom Browne...
Được biết, chủ đề năm nay được chọn vốn để đánh thức mối giao thoa vô hình giữa thời trang và Công giáo.
Đây vốn là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt, nhưng nếu chiêm ngưỡng bằng một tư duy cởi mở thì "Vẻ đẹp có thể là cầu nối giữa người tin vào Chúa và những kẻ ngoại đạo", Bolton - người phụ trách viện Met bày tỏ. Trong ảnh là chiếc áo đính thánh giá của Christian Lacroix.
Cách thức chọn chủ đề này cũng cho thấy thời trang có thể được đánh giá như một chiều sâu của văn hóa thay vì định kiến phù phiếm.
Mất đến 12 tháng để hoàn thành xong cuộc triển lãm trước ngày ra mắt.
Và đội ngũ nhân sự của viện Met chỉ vỏn vẹn 32 người, điều này cho thấy nỗ lực phi thường từ họ. Trong ảnh là thiết kế kinh điển mà NTK lỗi lạc Yves Saint Laurent với phụ kiện từ nghệ nhân trang sức Goossens.
Anna Wintour - "bà đầm thép" của Vogue cũng là người có công đưa chủ đề này đến gần với công chúng hơn. Trước đó, bà đã 19 lần đồng hành vai trò chủ tịch của Met Gala.
Ngoài các tên tuổi lỗi lạc, triển lãm còn có các sáng tạo của những nhà mốt trẻ như Rodarte - với hai thiết kế như trong hình. Nét tươi mới này sẽ giúp bạn không có cảm giác bị "truyền giáo" mà thay vào đó là những xúc cảm dâng trào khi được sống trong môi trường mang tính nghệ thuật cao.