Đường đi của siêu bão Irma từ nay đến ngày 8/9. (Ảnh: Trung tâm Bão quốc gia Puerto Rico)
“Ở Florida, chúng tôi luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong khi luôn hy vọng điều tốt nhất sẽ đến. Trong lúc đường đi của bão Irma còn chưa chắc chắn, chúng tôi không thể không chuẩn bị”, Thống đốc Scott nhấn mạnh trong 1 thông báo đưa ra tối 4/9.
Ông cho biết thêm: “Tình trạng khẩn cấp cho phép tất cả các quan chức ứng phó với thảm họa có thể hành động nhanh chóng vì lợi ích tốt nhất của người dân Florida mà không phải chịu rào cản hành chính hay lằn ranh đỏ nào”.
Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rosselló cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và kích hoạt Vệ binh quốc gia sau khi Trung tâm bão quốc gia cảnh báo phải theo dõi sát sao Irma.
Hôm nay (5/9), các trường học ở Puerto Rico cũng đóng cửa vì lo ngại siêu bão này. Thống đốc Ricardo Rosselló trước đó (3/9) cảnh báo vùng quốc hải này có thể hứng chịu cơn thịnh nộ của Irma từ trưa mai (6/9).
Gian hàng trong một siêu thị ở Puerto Rico trống trơn vì người dân tích trữ đồ phòng bão. (Ảnh: Reuters)
Dự báo siêu bão Irma sẽ đi cắt ngang Caribbean trước khi hướng lên phía Bắc vào cuối tuần này. Tính đến 5h chiều 5/9 (giờ Mỹ), bão Irma còn cách đảo quần đảo Leeward (gồm các đảo thuộc chủ quyền Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan…) khoảng 790km về phía Đông. Lúc này, sức gió cực đại của Irma đã lên đến 215km/h. Siêu bão tiếp tục tiến về phía Tây với tốc độ khoảng 20km/h, dự kiến đổ bộ trước hết vào đảo Anguilla (vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh thuộc quần đảo Leeward) sáng sớm mai (6/9).
“Có một khả năng rất nhỏ là nếu nó chuyển hướng sớm, chúng ta có thể phải chứng kiến nó càn quét toàn bộ bờ Đông nước Mỹ”, chuyên gia dự báo thời tiết Tom Sater (kênh CNN) cho biết. “Nhưng dù thế nào, chắc chắn chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi một siêu bão cấp 3, 4, thậm chí là 5”.
Irma còn có thể mạnh hơn trong tuần này. Một chuyên gia dự báo thời tiết khác của CNN, Allison Chinchar cho biết: “Trong vòng vài ngày tới, nó (Irma) sẽ đi vào vùng nước ấm và điều này sẽ khiến nó càng mạnh hơn”.
Irma được các chuyên gia đánh giá là “siêu bão Cape Verde” điển hình, nghĩa là nó hình thành từ rất xa, phía Đông Đại Tây Dương, gần quần đảo Cape Verde, rồi xẻ dọc Đại Tây Dương tiến vào Bắc Mỹ. Những “siêu bão Cape Verde” như thế thường được xếp vào những cơn bão lớn nhất và mạnh nhất, ví dụ như các siêu bão Hugo (1989), Floyd (1999), Ivan (2004)…