Show “sống còn” đào tạo nhóm nhạc thần tượng tại Việt Nam vốn không nhiều, và trong số ít đó, phần lớn đều rơi vào kịch bản quen thuộc: gây chú ý ban đầu nhưng dần chìm nghỉm, không có nhóm nhạc nào thật sự ra mắt, thậm chí tên thí sinh cũng mờ nhạt đến mức khán giả chẳng buồn nhớ nổi. Niềm tin dành cho mô hình idol Việt vì thế cũng mong manh theo từng lần “hứa rồi để đó” của các show trước.
Thế nên khi NSX từng tạo dấu ấn với Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng công bố một chương trình mới mang tên Tân Binh Toàn Năng, mong muốn xây dựng một nhóm nhạc nam Vpop theo mô hình đào tạo thần tượng chuẩn quốc tế, khán giả lập tức dành nhiều kỳ vọng và cũng có đầy hoài nghi. Từ lâu, khán giả Việt rất mong chờ 1 chương trình chuẩn show sống còn như cách làng giải trí Hàn Quốc hay Trung Quốc đã làm. Khi nhìn vào cách Yeah1 đã gầy dựng thành công chó 2 show Anh Tài, Chị Đẹp thì khán giả đặt niềm tin cho Tân Binh Toàn Năng sẽ trở thành cú hit của NSX quá nhiều kinh nghiệm. Nhưng nhìn vào những nhóm nhạc ra mắt rồi lại tan rã liên tục của Vpop từ thời 365daband, đến MONSTAR rồi Uni5… thì khán giả lại chán nản. Họ tự hỏi, liệu Tân Binh Toàn Năng có thể tạo nên sự khác biệt nhờ vào cách YeaH1 tạo đà từ Anh Tài và Chị Đẹp?
Ban đầu, chương trình liên tục “rải nhiệt” bằng loạt thông tin chỉn chu về format đào tạo, chia thành 2 giai đoạn rõ ràng: Project 100% (giai đoạn tuyển chọn và đào tạo) và Tân Binh Toàn Năng (lên sóng chính thức khi chọn ra các thí sinh xuất sắc nhất). Cùng với đó là dàn huấn luyện viên đình đám như SOOBIN, Tóc Tiên, Kay Trần... cũng giúp chương trình thu hút sự chú ý lớn trong giai đoạn khởi động. Nhưng trái với không khí rầm rộ ban đầu, hiệu ứng thực tế khi lên sóng lại đi theo chiều hướng ngược lại.
Chỉ sau 4 tập, điều đọng lại với nhiều khán giả không phải là “idol tiềm năng” hay “sân khấu mãn nhãn”, mà là cảm giác… hụt. Hụt từ kỳ vọng, hụt cả trong trải nghiệm. Không khó để thấy hiệu ứng của chương trình đang trượt dốc rõ rệt qua từng tuần. Tập 1 mở màn đầy hứa hẹn khi đạt trên 1 triệu view. Nhưng đến tập 2, view còn gần 800 nghìn, tập 3 xuống hơn 730 nghìn và tập 4 tụt tiếp còn khoảng 660 nghìn.
Với một chương trình sống còn, vốn phải càng vào sâu càng kịch tính thì biểu đồ view đi xuống đều đều chẳng khác nào phản ánh rõ cảm xúc thiếu kiên nhẫn của khán giả với chương trình. Từ tập 1 đến tập 4, mọi diễn biến đều đều như một buổi học thêm kéo dài 90 phút, không xúc cảm, không chất liệu để viral. Show sống còn mà mạng xã hội... im thin thít thì khó trách khán giả "bỏ quên" là chuyện dễ hiểu.
Một trong những điểm khiến khán giả “tụt mood” nhất khi theo dõi Tân Binh Toàn Năng chính là cách chương trình xây dựng đường dây nội dung và tổ chức kịch bản. Dù mang danh là show sống còn, nơi lẽ ra phải đầy kịch tính, căng thẳng và cạnh tranh cao độ nhưng mọi thứ lại được ekip “trình bày” một cách khá nhẹ nhàng, thậm chí có phần... lửng lơ. Không khí các tập giống một lớp học năng khiếu nhẹ nhàng hơn là một sân chơi sống còn để chọn ra nhóm nhạc thần tượng quốc dân.
Khi lên sóng, việc cắt dựng càng làm bộc lộ rõ điểm yếu. Trong khi người xem chờ đợi những khoảnh khắc “bùng nổ cảm xúc” như bước ngoặt, vỡ oà, hay thậm chí là mâu thuẫn, thì thứ họ nhận được lại là những phần trình diễn rập khuôn, nhận xét nhàn nhạt đến từ các mentor. Về câu chuyện mentor, người xem cũng đặt ra nhiều thắc mắc vì đến tập 4 vẫn chưa rõ vai trò của SOOBIN, Tóc Tiên, Kay Trần. Mỗi buổi sát hạch là một dàn mentor mới toanh, và số lượng mentor thì càng lúc càng tăng cũng khiến nhiều khán giả thắc mắc về tính thống nhất trong các kết quả cuối cùng.
Một điều đáng tiếc ở Tân Binh Toàn Năng chính là phần hậu trường - nơi được xem là “linh hồn” của các show sống còn - lại gần như vắng bóng hoặc bị kể lại quá hời hợt. Nhưng điều nghịch lý là: khi khán giả chưa được chứng kiến quá trình các bạn học hỏi, luyện tập và phát triển thì làm sao có thể đồng cảm khi các bạn đứng trên sân khấu?
Việc thiếu hụt những phân cảnh tập luyện hoặc cách truyền tải chưa sâu khiến người xem hoàn toàn không cảm nhận được nỗ lực của từng thí sinh. Tất cả diễn ra quá chóng vánh, quá bề mặt, và quá thiếu điểm nhấn để khán giả ghi nhớ. Chính vì vậy, khi bước vào phần trình diễn, những điểm yếu kỹ thuật bắt đầu lộ rõ khiến người xem nghi ngờ về chất lượng thí sinh.
Một hệ quả dễ thấy khi câu chuyện bị kể một cách rời rạc, thiếu điểm nhấn và không được dẫn dắt mạch lạc, chính là khán giả hoàn toàn không có cảm xúc với kết quả của thí sinh. Khi phần hậu trường không đủ sâu, quá trình phát triển không được khắc hoạ rõ ràng, người xem sẽ chẳng thể biết ai đang nỗ lực, ai đang gặp khó khăn, ai có tố chất nhưng chưa có cơ hội bộc lộ… Mọi thứ cứ thế lướt qua như bản tổng hợp highlight vô cảm.
Một khán giả từng theo dõi đủ cả 4 tập đã thẳng thắn bình luận: “Xem xong tập 4, cảnh các bạn ấy khóc buồn không hề gợi cho tôi sự tiếc nuối nào. Mà các bạn ấy vui, tôi cũng không hề mừng. Thậm chí tôi không phân biệt hay nhớ nổi ai lên hạng, ai xuống hạng, tại sao xuống, xuống có tiếc không, lên có xứng không.”
So với show tiền nhiệm Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai - hay thậm chí là show của “đối thủ” Anh Trai Say Hi, Tân Binh Toàn Năng có thách thức rất lớn trong việc chinh phục khán giả. Đó chính là giới hạn tệp người theo dõi lẫn thí sinh. Thông thường, show “sống còn” debut nhóm nhạc ở Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thu hút lượng lớn fan Kpop trẻ tuổi, thanh thiếu niên đến dưới 25 tuổi. Và từ những show thi đấu này, một thế hệ thần tượng mới sẽ được “ra lò”. Hàn Quốc - Trung Quốc có công thức riêng trong việc xây dựng văn hoá thần tượng. Số lượng thực tập sinh rất đông, dễ chọn lọc được người có tài năng - ngoại hình để toả sáng trong show thực tế. Cách gây dựng câu chuyện hấp dẫn, có người nổi lên bởi tính cách, tương tác với bạn trong show, có người nổi lên là all-rounder thu hút trên sân khấu, hay có người nổi lên vì câu chuyện bị chèn ép, là “kẻ thiệt” trong một cuộc thi sống còn. Dù được xây dựng như thế nào, thì cũng có một trọng điểm hút fan. Rồi những nút thắt dần được gỡ, đi đến hết show và debut vào nhóm nhạc - khi ấy các tân binh đã có sẵn 1 fanbase hùng hậu.
WANNA ONE hay ZEROBASEONE đều là những nhóm nam dự án bước ra từ show “sống còn” của Mnet như Produce 101 hay Boys Planet, chắc chắn định sẵn ngày tan rã. Nhưng những nhóm này đã và đang xếp hạng nhất về fanbase hậu chương trình. WANNA ONE chỉ hoạt động hơn 1 năm vẫn là “đỉnh lưu Kpop gen 3”, thậm chí còn giúp center Kang Daniel kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, ZEROBASEONE hiện đang là nhóm nam gen 4 đứng đầu về doanh thu album, sắp đến ngày rã dự án nhưng fan ủng hộ không sót hoạt động nào. Nhìn vào đây để thấy, cách mà Mnet làm show, cho ra lò các nhóm nhạc và giữ fan sau dự án đã đạt đến độ hoàn thiện như thế nào. Mỗi một thí sinh tham gia show đều có 1 thế mạnh, 1 câu chuyện nổi bật. Mặt bằng chung về nhan sắc cao, luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Ngành công nghiệp idol chứng kiến hàng nghìn người khao khát ra mắt mỗi năm, sức hút với các chương trình tân binh lớn. Đó là điểm đặc trưng của các ngành công nghiệp âm nhạc lớn như Hàn Quốc hay Trung Quốc. Nhưng về Việt Nam, đây đã là một điểm hạn chế.
Âm nhạc - giải trí không phải ngành hàng đầu được các bậc phụ huynh Việt ưu tiên cho con theo đuổi. Nên khi Tân Binh Toàn Năng nhắm đến đối tượng là thực tập sinh từ 15 - 25 tuổi, sẽ có những bạn đang định hướng học tập hoặc phải giấu gia đình đi thi. Điển hình như trường hợp của thí sinh Nam Minh. Ngay từ bước tuyển chọn thực tập sinh, NSX đã gặp khó khăn trong việc làm thế nào để tìm ra người tiềm năng vì thị trường không có quá nhiều sự lựa chọn. Cuối cùng, Tân Binh Toàn Năng giới thiệu đội hình thực tập sinh đầy đủ gồm 30 gương mặt Gen Z - có quen, có lạ nhưng điểm chung là chưa có ai đủ sức tạo cộng đồng fan.
Về mặt năng lực, các tân binh khó mà đạt đến mức độ “toàn năng” như chương trình tham vọng. Sau vòng sơ khảo chỉ có 4 thí sinh vào được lớp B, không có thí sinh nào có thể đạt lớp A. Phạm Văn Tâm là nhân tố tiềm năng có thể lên hạng A nhưng cũng gây ra tranh cãi. Chất lượng tân binh của Tân Binh Toàn Năng không cao, không đồng đều về mặt kỹ năng. Những thí sinh có giọng hát ổn như Hữu Sơn, Văn Chung thần thái và khả năng làm chủ sân khấu chưa tốt. Các thí sinh được đánh giá cao về mặt performance như Cường Bạch, Kim Bảo thì lộ điểm yếu vocal. Từ lần trình diễn ca khúc chủ đề tại họp báo ra mắt, sân khấu lộn xộn, nhiều động tác thừa của 30 tân binh đã làm lộ điểm yếu.
Một số gương mặt có thực lực như Phúc Nguyên xuất thân từ Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, sở hữu vocal tốt hay Phạm Văn Tâm tiến bộ nhanh chóng, gây chú ý với fan nhưng cũng chưa đủ sức nổi tiếng “thoát vòng”. Có những cái tên đã từng được giới trẻ biết đến như Long Hoàng, Gia Khiêm, Hồ Đông Quan,.. vì một vài hoạt động nghệ thuật hoặc nổi tiếng trên mạng xã hội. Đúng tính chất của một show tân binh, những gương mặt mới của Tân Binh Toàn Năng được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới đến thị trường giải trí Việt. Và là show kế nhiệm Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, các tân binh có bước đệm tốt để khán giả lẫn giới truyền thông chú ý. Nhưng sau 4 tập của Project 100%, Tân Binh Toàn Năng vẫn giậm chân tại chỗ.
Sự kịch tính - điều cần thiết cho 1 show “sống còn” - Tân Binh Toàn Năng không có điều này. Ngay từ những tập đầu tiên, khán giả đã phàn nàn về cách dựng show khó hiểu. Ở tập 1 của Project 100%, khán giả không khỏi cảm thấy chán chường trước 2 tiếng hơn lê thê chủ yếu nghe giám khảo và ekip sản xuất trình bày. Câu chuyện của các tân binh cần được kể ngay lại không được đề cập. Đây là điểm yếu của NSX Tân Binh Toàn Năng. Chương trình tập trung chiếu phần các giám khảo phân tích, đánh giá, lựa chọn mà không hướng sự chú ý vào các phần trình diễn, khiến khán giả khó để theo kịp, không tạo được topic thảo luận. Để khán giả tự phán đoán về màn trình diễn của các thí sinh sẽ hiệu quả hơn là mất vài tiếng đồng hồ, ngồi xem giám khảo “thao thao bất tuyệt” chuyện chuyên môn.
Tân Binh Toàn Năng cũng chưa phát huy được thế mạnh truyền thông, hạn chế khả năng tiếp xúc của các tân binh với công chúng. Trong bối cảnh TikTok bùng nổ, các nghệ sĩ, tân binh thường dùng video ngắn để quảng bá chính mình thì chương trình đặt ra luật giới nghiêm điều này. Có thể hiểu, đây là cách để Tân Binh Toàn Năng kiểm soát hình ảnh tân binh trước công chúng, tránh xảy ra tranh cãi không đáng có. Hỏi thăm 1 quản lý của thí sinh đang thi Tân Binh Toàn Năng, chúng tôi được biết các tân binh không được tự ý quyết định các content đăng lên MXH, bị hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ. Nhưng khi áp dụng nội quy này với các tân binh, thì team truyền thông của NSX phải đủ mạnh, đủ sáng tạo để làm thế nào vừa kiểm soát thí sinh, vừa tạo nên nội dung hấp dẫn, liên tục cập nhật mạng xã hội để các gương mặt mới đến gần với người xem. Theo quan sát hiện tại từ người hâm mộ, Tân Binh Toàn Năng chưa tận dụng được những điểm mạnh cốt lõi của show “sống còn” quy tụ tận 30 thí sinh nam, trẻ và năng động thế này. Sau 4 tập, không có phần trình diễn hay khoảnh khắc nào trong show thực sự viral trên mạng xã hội.
Trong khi đó, khi xem Starlight Boys 2024, ngay tập 1 cảm xúc đã lên cao trào với những màn luyện tập khắt khe của chương trình, thành viên Việt Nam CONGB vừa thở vừa nói “em sẽ cố gắng” hay phát ngôn gây sốc của Lee Seung Gi. Rõ ràng, những nhà làm show kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hàn Quốc biết cách làm thế nào để tạo thảo luận, khiến cảm xúc của người xem xao động và có ngay hành động ủng hộ trực tiếp các tân binh.
Và một yếu tố quan trọng cần phải nói đến, ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng của khán giả với Tân Binh Toàn Năng - chính là thị hiếu. Dạng thức show “sống còn”, tuyển chọn nhóm tân binh không được ưa chuộng tại Việt Nam. Cách đây 3 năm, đã có 1 Vote For Five “chết yểu” vì lý do này, cộng với năng lực có hạn của nhà làm show.
Tân Binh Toàn Năng có xuất phát điểm thuận lợi hơn khi là show kế nhiệm của Chông Gai, có cả “bộ sậu” uy tín, từ giám đốc âm nhạc SlimV cho đến dàn NSX toàn năng SOOBIN, Tóc Tiên, Kay Trần. Nhưng trên hết, dàn thí sinh toàn gương mặt mới vẫn là điểm thách thức.
Khán giả đại chúng vốn đã không quá quan tâm đến show “sống còn”, mô hình nhóm nhạc cũng hoạt động khó khăn, thì NSX bắt buộc phải mang đến 1 chương trình đủ lôi cuốn, đủ tính giải trí để trở thành món ăn tinh thần cho khán giả. Project 100% còn không được chiếu trên truyền hình, mà phát sóng trên YouTube của NSX. Rất ít “người quan đường” đủ quan tâm đến chương trình để tìm tận nơi, xem từng tập. Format show không đủ lôi cuốn để thu hút khán giả. Cuối cùng Tân Binh Toàn Năng hụt hơi, dần “tàng hình” ngay trước giai đoạn 2 của cuộc thi - sẽ được chiếu lên khung giờ vàng của đài quốc gia. Đây là một sự phí tài nguyên.
Tân Binh Toàn Năng đang đứng giữa hai lựa chọn: bước tiếp với tâm thế tiếp thu phản ứng khán giả và cứu vãn, hoặc bị đẩy trôi trong làn sóng thờ ơ của khán giả và những người fan nhạc trẻ - những người lẽ ra phải là đối tượng chính của chương trình.
Nếu không có sự thay đổi rõ rệt từ cách dựng show, bổ sung yếu tố hút người xem cho đến cách truyền thông, khả năng lớn Tân Binh Toàn Năng sẽ nối gót những cái tên từng “chết yểu” như Vote For Five trước đây. Và điều đáng tiếc là: show có một ekip mạnh, dàn mentor nổi tiếng, thí sinh chưa phải không có tiềm năng - nhưng chính vì không kể được một câu chuyện hấp dẫn và không chạm vào cảm xúc người xem, chương trình tự giới hạn chính mình. Từ góc độ sản xuất, nếu muốn "cứu show", NSX buộc phải thay đổi trong các tập còn lại của giai đoạn Project 100%. Đầu tiên và quan trọng nhất là cho khán giả thấy các tân binh đã học gì, tập luyện ra sao, ai bật lên vì nỗ lực, ai ngã xuống vì áp lực. Câu chuyện càng thật - cảm xúc càng thật - khán giả càng dễ gắn bó. Các màn trình diễn cũng cần được đầu tư về mặt vũ đạo, âm nhạc, quảng bá có chiến lược. Âm nhạc luôn là yếu tố dễ viral nhất của 1 show “sống còn” thiên về biểu diễn.
Tiếp theo, hãy xác định rõ ít nhất những gương mặt chủ lực của show. Một show sống còn không cần ai cũng nổi bật, nhưng bắt buộc phải có nhân vật trung tâm để khán giả theo dõi, tranh luận, bảo vệ và kỳ vọng. Có nhân vật thì mới có câu chuyện. Có câu chuyện thì mới có fanbase. Còn tiếp tục như hiện tại thì khán giả mãi chỉ là “người đi ngang”, không có lý do gì để ở lại.
Về phần mentor, cần tinh gọn và làm rõ vai trò của từng người, tránh tình trạng mỗi buổi một hội đồng mới khiến người xem lạc lối. Để những người có chuyên môn thật sự dẫn dắt xuyên suốt một giai đoạn, tạo tính nhất quán trong cách chấm điểm và phát triển thí sinh.
Cuối cùng, cần tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Có thể kiểm soát nội dung bằng chiến lược cụ thể, nhưng tuyệt đối không nên “giới nghiêm” tất cả. Đây là thời điểm cần để các tân binh có cơ hội tiếp cận khán giả, cần viral từng clip nhỏ, từng khoảnh khắc “cắn răng chịu áp lực” hay “bật khóc vì vỡ giọng”. Nếu không có gì để netizen bàn tán sau mỗi tập phát sóng, thì show sẽ không bao giờ trở thành câu chuyện của số đông.
Tân Binh Toàn Năng cần một cú bẻ lái quyết liệt để chạm được trái tim người xem. Bởi khán giả ngày nay không cần xem một show sống còn đúng lý thuyết, họ cần một show “sống còn” đủ cảm xúc để sống cùng. Và đó là điều mà Tân Binh Toàn Năng vẫn còn cơ hội - nếu dám thay đổi.