Sếp hỏi: "Khi Đường Tăng và các đệ tử sang Tây phương, tổng cộng có bao nhiêu người học được kinh phật?", nữ sinh trả lời khéo léo và được trúng tuyển trong vài giây

Nguyễn Phượng, Theo Đời sống & Pháp luật 19:14 21/01/2024
Chia sẻ

Câu hỏi về phim Tây Du Ký tưởng chừng đã vô cùng quen thuộc với mỗi người nhưng hóa ra lại trở thành thách thức đối với các ứng viên khi xin việc.

Sự cạnh tranh ở nơi làm việc rất khốc liệt, muốn nổi bật giữa nhiều người tìm việc thì bạn phải có lợi thế của riêng mình. Các ứng viên không chỉ phải thể hiện sự chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn mà còn phải thể hiện sự thông minh và khả năng thích ứng linh hoạt của mình.

Bởi vì hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp thường không thuê người chỉ dựa trên trình độ học vấn mà họ thường hỏi một số câu hỏi khó tin để kiểm tra kỹ năng mềm xử lý các tình huống cũng như các phẩm chất toàn diện khác.

Mới đây, Xiaoling - một blogger người Trung Quốc chia sẻ, cô vừa mới tốt nghiệp đại học nên nhanh chóng đi nộp đơn xin việc giống như mọi người. May mắn, cô được một công ty hẹn gặp tới phỏng vấn.

Trải qua nhiều vòng kiểm tra gắt gao, chỉ có cô và hai người đàn ông khác là nổi bật, bước tiếp vào vòng phỏng vấn trực tiếp với lãnh đạo. Tuy nhiên vào cuối buổi, các ứng viên đã nhận được một câu hỏi khá kỳ lạ: "Khi Đường Tăng và các đệ tử sang Tây phương, tổng cộng có bao nhiêu người học được kinh phật?".

Câu chuyện về 4 thầy trò gồm Đường Huyền Trang, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh bắt nguồn từ cuốn Tây Du Ký, một trong tứ đại kỳ thư của Trung Quốc. Có thể nói, đây là một câu chuyện nổi tiếng, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết. Vậy mà bây giờ sếp lại hỏi vậy là sao? - nữ blogger nghĩ.

Lập tức, một người đàn ông nhanh chóng đáp: "Câu hỏi này đơn giản. Bình thường chúng ta thấy có 4 người, nhưng thực tế thì Bạch Long Mã cũng được tính là thành viên nên tổng cộng có 5 người".

Nghe xong, vị sếp kia không phản ứng gì, chỉ yêu cầu anh ta ra ngoài ngồi chờ đợi kết quả sẽ được thông báo trong ít phút nữa.

Người đàn ông thứ hai có vẻ tự tin hơn. Anh ta suy nghĩ một hồi rồi nói:

"Tôi nghĩ rằng cuộc hành hương sang phương Tây cầu kinh của Đường Tăng và những người khác không chỉ có năm người họ. 4 thầy trò trải qua 81 kiếp nạn, họ đã nhận được sự giúp đỡ của các vị thần và bồ tát. Do đó, số người mà học được kinh phật là rất nhiều, khó mà đếm được".

Sếp hỏi: Khi Đường Tăng và các đệ tử sang Tây phương, tổng cộng có bao nhiêu người học được kinh phật?, nữ sinh trả lời khéo léo và được trúng tuyển trong vài giây - Ảnh 1.

Chẳng ai ngờ, câu chuyện về 4 thầy trò Đường Tăng lại được áp dụng trong tuyển dụng

Lúc này, người phỏng vấn khẽ mỉm cười và mời anh ta ra ngoài chờ thông báo.

Đến lượt cô, Xiaoling trả lời: "Trước hết, Tôn Ngộ Không là một con khỉ, một con khỉ đã thành thần, không thể coi là người. Trư Bát Giới là Thiên bồng nguyên soái, vì hắn đã vi phạm quy luật, chọc ghẹo Hằng Nga nên bị đầu thai thành heo, không thể coi là người.

Sa Tăng vốn là Quyển Liêm đại tướng trên thiên đình, chỉ vì nhỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly mà bị Ngọc Hoàng đày xuống làm yêu quái ở Lưu Sa Hà nơi hạ giới, chuyên làm hại dân lành và đòi ăn thịt trẻ con. Đối với Bạch Long Mã, mặc dù nó từng biến thành người và cứu Đường Tam Tạng, nhưng thực ra nó là một con thú thần thoại. Cho nên trong hành trình về phương Tây chỉ có một người học được kinh phật, đó chính là Đường Tam Tạng".

Người phỏng vấn gật đầu hài lòng và vui vẻ nói: "Chỉ có bạn mới hiểu ý nghĩa câu hỏi tôi hỏi. Bạn thấy khi nào thì thuận tiện để đến làm việc?".

Có thể thấy, khi vị lãnh đạo hỏi câu hỏi này, câu trả lời của nữ sinh đại học Xiaoling vừa chính xác vừa thú vị, cho thấy sự hiểu biết của cô về văn học Trung Quốc và lối suy nghĩ hóm hỉnh, đồng thời cũng nêu bật khả năng ứng phó của cô, để lại ấn tượng sâu sắc cho người phỏng vấn. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn, tư duy linh hoạt và óc hài hước cũng rất quan trọng trong quá trình xin việc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày