Tại Mỹ, gần 200.000 người đã chết vì đại dịch Covid-19. Còn trên toàn thế giới, con số ấy tăng gấp 5 lần, lên tới gần 1 triệu người (số liệu ngày 21/9/2020).
Đó là những số liệu đáng sợ về hậu quả của một đại dịch trên phạm vi toàn cầu, và là một đại dịch gây ra nhiều sự hoang mang. Ở nhiều quốc gia, số ca nhiễm tăng vọt rồi giảm dần sau khi tiến hành phong tỏa, rồi lại đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp trong những tháng tiếp theo, chẳng ai rõ.
"Con virus này đã khiến chúng ta bất ngờ rất nhiều lần, và có thể sẽ còn phải ngạc nhiên thêm nhiều lần nữa," - trích lời Catherine Troisi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Trung tâm Y tế ĐH Texas (Houston, Mỹ).
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới giảm dần qua các tuần kể từ cuối tháng 7, trước khi các ổ dịch mới ồ ạt xuất hiện tại các bang phía Đông Bắc, phía Nam và phía Tây. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới trong ngày trên phạm vi cả nước lại tăng lên khi trường học tái mở cửa. Cộng thêm mùa đông đang tới gần - thời điểm con người tập trung đông hơn tại các môi trường kín, nó khiến giới chuyên gia dự đoán về một mùa đông kinh hoàng sắp sửa xảy ra.
Số người chết vì dịch bệnh tại Mỹ hiện tại đang gần ngang ngửa với dân số của một vài tiểu bang như Akron, Ohio... thậm chí còn cao hơn 2,5 lần số lính Mỹ đã nằm xuống ở cả hai cuộc chiến tranh trong lịch sử. Và vẫn có 800 người đang vật lộn với tử thần.
Trên thế giới, 73 quốc gia vẫn đang chứng kiến thêm các ca nhiễm mới tăng chóng mặt, làm dấy lên rất nhiều lo ngại. Như Ấn Độ, mỗi ngày họ có thêm 90.000 ca nhiễm, cộng thêm hàng triệu ca kể từ thời điểm đầu tháng 9 và nâng tổng số người mắc bệnh tại đây vượt quá con số 5 triệu.
Ở châu Âu, lệnh phong tỏa trước kia đã giúp giải tỏa phần nào cơn khủng hoảng y tế vào mùa xuân. Nhưng người dân chưa kịp làm quen với nhịp sống bình thường, thì giờ virus lại bắt đầu bùng phát trở lại trên toàn lục địa.
Một trạm xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ
Israel - đất nước hiện có 1200 ca tử vong vì virus, trong tuần qua đã ban hành lệnh tái phong tỏa. Và họ chỉ nằm trong số ít những quốc gia sẵn sàng làm điều đó.
Khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên xuất hiện, chính phủ các quốc gia đã có những nước đi quyết liệt. Có thời điểm, đến 4 tỷ người chấp hành lệnh phong tỏa, ở yên trong nhà. Nhưng giờ đây, có lẽ tất cả đã quá mệt mỏi để phải tiếp tục làm điều đó thêm một lần nữa.
"Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng phía trước," - Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu. "Các ca nhiễm hiện đã vượt qua con số được báo cáo từ đợt bùng dịch đầu tiên tại châu Âu hồi tháng 3."
Tại các nước Mỹ Latin, số người chết cũng vượt quá 310.000. 2/3 trong số đó đến từ Brazil (132.000 trường hợp) và Mexico (72.000 trường hợp).
Ảnh minh họa
"Châu Mỹ Latin đã bắt đầu quay lại cuộc sống bình thường, trong khi dịch bệnh vẫn cần phải kiểm soát nghiêm ngặt," - theo Tiến sĩ Carissa F. Etienne, giám đốc của Tổ chức Y tế liên châu Mỹ. "Cần làm rõ rằng việc mở cửa quá sớm sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan, và đặt công chúng vào vòng nguy hiểm. Châu Âu là một ví dụ điển hình."
Tính đến chiều ngày 20/9, số người chết tại Mỹ vì virus corona đã lên tới hơn 199.300 người, để lại tang thương cho nhiều gia đình trên khắp cả nước. Mới chỉ cuối tháng 5, con số còn là 100.000. Có điều, con số hiện tại thậm chí còn được cho là đánh giá chưa đúng tình hình dịch bệnh tại đây, khi nhiều trường hợp tử vong không được ghi nhận vào số liệu chính thức.
Và đến giờ, bất chấp cuộc đua vaccine đang diễn ra rất sôi nổi, phương thuốc chữa trị hiệu quả cho Covid-19 vẫn chưa thực sự khả quan.
Tại Mỹ vào lúc này, số ca tử vong mỗi ngày đã giảm so với thời điểm đầu tháng 8. Nhưng ít nhất 12 tiểu bang và vùng lãnh thổ đang ghi nhận xu hướng tử vong gia tăng. Theo Tiến sĩ Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế thuộc ĐH Johns Hopkins, con số người chết có thể lên tới 300.000 nếu công chúng trở nên mất cảnh giác.
"Có rất nhiều đất nước, từ vùng có nền kinh tế yếu hon cho đến nơi có sức cạnh tranh tương đồng, họ có số ca tử vong thấp hơn nhiều," - ông nhận định. Để so sánh thì vào một ngày trong tuần trước, Mỹ ghi nhận 849 ca tử vong. Cũng trong giai đoạn này, Ý - tâm dịch một thời của thế giới - chỉ có 13 trường hợp. Canada và Đức thì chỉ có 7.
Theo Yvonne Maldonado, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ ĐH Stanford (Mỹ), đại dịch lần này có thể kéo dài giống như những gì đã xảy ra với dịch cúm Tây Ban Nha cách đây 1 thế kỷ.
Khi đó, dịch bệnh đáng sợ đã tấn công nước Mỹ thành 3 đợt: một vào mùa xuân năm 1918, một vào mùa thu cùng năm, và một vào giai đoạn đông - xuân 1919. Tổng cộng, 675.000 người Mỹ đã chết.
Dự đoán dịch bệnh sẽ kéo dài, giống như những gì đã xảy ra với dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918
Trong dịch bệnh lần này, Maldonado cho rằng lại có thêm những biến số mới khiến tương lai của nó trở nên bất định. Mùa đông sắp tới sẽ là một phép thử lớn chưa từng có về khả năng lây lan của virus ở môi trường kín. Dịch cúm mùa thường niên cũng tạo nên một áp lực không nhỏ cho hệ thống chăm sóc y tế. Và khả năng kìm hãm sự lây lan khi trường học tái mở cửa vẫn đang là một ẩn số.
Hiện tại, một số trường học lớn tại Mỹ đã bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu bang đều có trường bắt đầu tái hoạt động theo hình thức trực tiếp, chủ yếu nằm ở các vùng ngoại ô và nông thôn.
Phó giáo sư dịch tễ học Bill Hanage tại ĐH Harvard nhận định, bởi có quá nhiều biến số trong cách các trường tái hoạt động - như áp dụng đeo khẩu trang, giãn cách... nên dự đoán kết quả của các bang sẽ khác nhau. Như vào lúc này, sau khi các trường tiếp nhận lại sinh viên và tiến hành xét nghiệm diện rộng, số ca nhiễm đã tăng vọt. Ít nhất đã có khoảng 88.000 ca nhiễm được ghi nhận tại hơn 1100 trường đại học tại Mỹ, theo khảo sát từ The New York Times.
Một lớp học vắng lặng tại thành phố New York
Về cơ bản, việc lây nhiễm trong khuôn viên trường được dự đoán là ít chết chóc hơn, nhưng các chuyên gia lo ngại nó sẽ tạo ra một làn sóng dịch lớn hơn sau khi những người trẻ tiếp xúc với các giáo sư đã lớn tuổi, hàng xóm hoặc chính gia đình mình. Mà thực vậy, các thành phố lây nhiễm nhanh nhất cũng bao gồm những ổ dịch từ trường đại học.
"Xu hướng này có thể dồn ép cả hệ thống đến điểm cực hạn," - Andrew P. Manion, chủ tịch ĐH Edgewood tại Madison (Wisconsin) đã viết như vậy trong lá thư kêu gọi sinh viên tuân thủ giãn cách. "Lợi ích ngắn hạn từ chuyện tiệc tùng sẽ khiến nhiều người ngã bệnh. Nếu xu hướng này tiếp tục, tôi sẽ buộc phải đưa ra quyết định đau lòng là chuyển toàn bộ kỳ học về hình thức trực tuyến."
Khác với làn sóng dịch đầu tiên chủ yếu ở các thành phố, virus hiện tại đang lây lan ở mức độ rộng hơn, nhắm đến cả các vùng ngoại ô và nông thôn. Nhiều bang miền Trung của nước Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong những ngày gần đây.
"Ban đầu chỉ là căn bệnh của các thành phố lớn mà chúng ta thấy trên TV. Và giờ thì chẳng có hạt nào không có ca nhiễm cả, và nó trở thành một phần của cuộc sống." - trích lời Sơ Kathleen Atkinson tại thành phố Bismarck, thủ phủ của bang North Dakota.