Vụ cháy chung cư mini cao 9 tầng trong đêm 12/9, rạng sáng 13/9 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khiến hàng chục người thương vong (Ảnh: Người lao động)
Trong những con ngõ nhỏ ở Hà Nội, toà chung cư mini mọc lên như nấm, chen chân san sát. Nhiều năm về trước, loại hình này từng được nhiều đôi vợ chồng trẻ chuộng mua.
7 năm trước, chị Thanh Tâm (hiện ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng mua căn chung cư mini ở Hoài Đức với giá chỉ 395 triệu đồng/gần 40m2, 1 phòng ngủ vào năm 2016. Giấy tờ mua bán đều viết tay. Giá rẻ chính là lý do khiến chị Tâm lựa chọn mua.
''Không chỉ tôi mà đồng nghiệp của tôi đều mua ở đây khá nhiều. Vì lập nghiệp ở Hà Nội, ai cũng muốn mua căn nhà để ở. Mua căn chung cư thương mại, giá cũng tiền tỷ. Trong khi căn chung cư mini chỉ vài trăm triệu đồng'', chị Tâm nói.
Tâm lý sở hữu căn nhà giữa Hà Nội là lý do khiến rất nhiều người trẻ bất chấp rủi ro về pháp lý, nguy cơ phòng chống cháy nổ để mua nhà.
Thế nhưng, đến năm 2021, vợ chồng chị Tâm quyết định rao bán, chuyển sang mua chung cư thương mại. ''Để giao dịch thuận lợi, tôi vừa cắt lỗ vừa chịu toàn bộ phí thủ tục giấy tờ. Sau khi tôi bán nhà, nhiều hàng xóm của tôi cũng bán lại hoặc nếu bán không thành, chấp nhận cho thuê''.
Như vợ chồng chị Trần Trang, năm 2018, nhờ hỗ trợ 2 bên gia đình, chị mua căn chung cư mini ngay ở quận Ba Đình với giá 1,4 tỷ đồng, 2 phòng ngủ, diện tích hơn 50 m2. Những chủ căn hộ chung cư mini này đều được có tên trong một cuốn sổ đỏ chung của toàn bộ khu đất. Đến năm 2020, chị Trang rao bán nhưng người mua ít bởi vấn đề pháp lý là trở ngại.
Chị Trang thừa nhận, vì rẻ, giữa trung tâm nên vợ chồng chị mới mua. Nhưng sau ở thời gian, hai vợ chồng đều lo sợ vấn đề cháy nổ. ''Ở khu tôi, không có quản lý kiểm tra thường xuyên các thiết bị phòng cháy chữa cháy hay được dạy tập huấn. Dân ở đây tự quản cùng nhau. Các thiết bị phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính 'có về hình thức'. Sau mấy vụ cháy ở chung cư, vợ chồng tôi quyết chuyển xuống nhà mặt đất, và bán lại chung cư mini vào năm 2020''.
Theo các chuyên gia, mặc dù đã có quy định về cấp sổ đỏ cho chung cư mini, cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện. Bởi thế, chung cư mini chưa được cấp sổ.
Thông thường, người mua chung cư mini gặp khó khăn khi bán hoặc vay vốn. gặp khó khăn khi cần bán hoặc không thế chấp được tài sản nếu muốn vay ngân hàng.
Điều lo ngại nhất chính là các toà chung cư mini nằm trong ngõ sâu. Vấn đề kiểm soát phòng cháy chữa cháy có thể bị coi nhẹ. Chưa kể, phần lớn chung cư mini đều tự phát trong quản lý, giám sát, dẫn tới nguy cơ lớn từ việc tự sửa chữa ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng từng cho rằng, ngoài vấn đề về pháp lý, vay vốn, chất lượng căn hộ tại chung cư mini cũng không đảm bảo: Không áp dụng theo quy chuẩn xây dựng nào; hệ thống phòng cháy chữa cháy không có hoặc không đạt chuẩn, đa số chất lượng xây dựng của căn hộ như đảm bảo an toàn chịu lực, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy... thường không đúng tiêu chuẩn quy định; diện tích nhỏ nên không đủ chỗ gửi xe, an ninh lỏng lẻo; năng lực của chủ đầu tư kém về kinh nghiệm và tài chính dẫn đến tính chịu trách nhiệm không cao...
Do không phải dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại nên cũng không chịu sự điều chỉnh của Thông tư 02/2016 được hợp nhất bằng Thông tư 05/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về bảo hành công trình, trích loại quỹ bảo trì các hạng mục công trình nên khi xuống cấp không có nguồn tài chính sẵn có để chi trả.