Vụ cháy làm nhiều người thương vong ở chung cư mini tại ngõ Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua một lần nữa dấy lên lo ngại về vấn đề cháy nổ phát sinh trong quá trình sinh hoạt của người dân.
Có rất nhiều lý do dẫn đến hỏa hoạn. Một trong số đó phải kể tới những món đồ dùng tưởng chừng bình thường trong gia đình nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ cao. Chỉ cần sơ sẩy một chút là những món đồ này có thể tạo nên ngọn lửa lớn, thiêu rụi tất cả.
Để bảo vệ chính mình, các gia đình nên lưu ý và nắm rõ cách sử dụng của những món đồ này để phòng tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
Bình gas và bếp gas
Đứng đầu trong danh sách những đồ vật có khả năng gây cháy nổ cao nhất trong mỗi gia đình chính là bình gas và bếp gas. Hai món đồ quen thuộc này là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ nổ nghiêm trọng, đặc biệt là ở các chung cư cao tầng. Đa phần các vụ nổ bình gas xảy ra là do khí gas rò rỉ hoặc gia đình quên tắt bếp khi đi ra ngoài. Vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ bình gas sẽ cao hơn và có thể gây nhiều hậu quả khó lường.
Chính vì đó, các gia đình nên khóa kỹ bình gas sau khi sử dụng, đồng thời nhớ tắt bếp gas khi cần phải đi ra ngoài. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cho trẻ em trong nhà đến gần bếp gas để tránh việc bé tự bật bếp.
Lò vi sóng
Lò vi sóng là thiết bị mà hầu hết các gia đình ở thành phố lớn đều sử dụng. Thực tế, bản thân thiết bị này không gây cháy nổ nhưng nếu gia chủ không biết cách sử dụng thì khả năng chúng trở thành lò phát nổ là rất cao.
Do đó, trong quá trình sử dụng lò vi sóng, bạn nên ghi nhớ một số đồ vật không nên cho vào bên trong chúng như: những món đồ được làm bằng kim loại hoặc có hoa văn, túi giấy, giấy bạc, đồ nhựa, trứng có vỏ, hộp xốp, bình thủy tinh, bình thủy cách nhiệt,... Những món đồ này sẽ vô tình tạo ra tia lửa điện bên trong lò và gây cháy nổ.
Bình nóng lạnh
Bình nóng lạnh là vật dụng sử dụng điện có cấu tạo như chiếc ấm đun làm nóng nước. Khi sử dụng bình hiếm khi xảy ra sự cố. Thế nhưng không phải lúc nào bình cũng trong tình trạng an toàn, bạn cần kiểm tra bình thường xuyên, lắp thêm hệ thống chống giật, chống cháy nổ cho bình để đề phòng trường hợp rò rỉ điện, gây nổ.
Tủ lạnh
Tủ lạnh một trong những món đồ ít ai nghĩ đến việc chúng có khả năng cháy nổ cao trong gia đình. Thực tế, với những chiếc tủ lạnh quá cũ hoặc qua sửa chữa hàn xì, thay gas nhiều lần… chúng sẽ có cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ dàn ngưng đến dàn bay hơi. Cũng từ đó mà làm giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống gây nóng máy. Nếu xảy ra vào những ngày nắng nóng thì nguy cơ cháy nổ cũng rất cao.
Lời khuyên cho các gia đình chính là không nên chọn mua những mẫu tủ lạnh quá cũ hoặc đã được sửa chữa nhiều lần. Nếu bạn đang sử dụng tủ lạnh cũ thì không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh dàn ngưng nếu có bụi bám.
Bật lửa
Dù chỉ là một đồ vật nhỏ nhưng chiếc bật lửa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nổ cao bởi chúng có chứa một lượng gas nhất định bên trong có thể phát ra tia lửa gây cháy nổ. Các gia chủ không nên sử dụng bật lửa khi đứng gần những vật dụng dễ cháy như khăn, giấy,... hay đặt chúng gần bếp gas, hay các thiết bị điện trong nhà.
Pin sạc dự phòng
Các thiết bị điện tử như điện thoại, sạc pin, sạc dự phòng rất dễ xảy ra cháy nổ trong khi sử dụng. Một số thói quen của người tiêu dùng như vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, hoặc dùng pin dự phòng quá cũ, khiến pin bị phồng trong quá trình sử dụng và phát nổ.
Để phòng tránh, bạn nên lựa chọn các sản phẩm pin sạc dự phòng chính hãng và chất lượng. Không nên sạc pin quá lâu vì trong quá trình sạc pin, sạc dự phòng có thể chịu tác động của dòng điện không ổn định gây ra tình trạng đoản mạch. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế việc vừa sạc vừa xả, cũng như tránh để sạc dự phòng trong cốp xe.
Xe đạp, xe máy điện
Là loại phương tiện tiện lợi, nhưng xe máy điện, xe đạp điện cũng bị liệt kê vào danh sách những món đồ dễ gây cháy nổ. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp bình ắc-quy/pin của xe điện tự phát nổ hoặc chập điện trong quá trình sạc pin gây ra rất nhiều nguy hiểm cho con người.
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.
Nguồn: Tổng hợp