Mới đây, trên Threads đã viral bài đăng kể lại tình huống bị lừa đảo khi book phòng khách sạn qua mạng. Chỉ sau 15 giờ đăng tải, câu chuyện đã có gần 200k lượt xem cùng hàng nghìn lượt yêu thích, cho thấy mức độ quan tâm của netizen với vấn đề này.
Chuyện là sau khi trải qua kỳ thi THPT Quốc gia đầy căng thẳng, A.T - một nữ sinh 2k7 được gia đình cho đi du lịch xả hơi. Điểm đến được lựa chọn là Đà Nẵng nên cô bạn đã tìm đến fanpage Facebook mang tên một khách sạn tại đây để đặt phòng.
Nhìn qua, tài khoản này rất uy tín vì có tick xanh, có 29k người theo dõi, gắn đầy đủ hotline và website chính thức. Sau khi A.T liên lạc và thống nhất các thông tin đặt phòng, cô chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu trên fanpage và nhận được tin nhắn rằng đã nhập sai nội dung, phải chuyển khoản lại. Fanpage gửi thông tin một cá nhân và nói rằng đó là kế toán của khách sạn, đề nghị 2 người tiếp tục làm việc.
Trong quá trình trao đổi, người kế toán này hướng dẫn giao dịch cho A.T, yêu cầu nhập mã để kích hoạt ví điện tử và chuyển tiền. Người này liên tục nói rằng cô thao tác sai nên phải làm lại, quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần, tiền trong STK cũng theo đó mà bị trừ dần. Cuối cùng khi A.T hết tiền thì đối tượng từ nhận là kế toán này mới chịu dừng lại.
Fanpage nói rằng A.T chuyển khoản sai nội dung
Sau đó gửi cho cô thông tin liên lạc của một người là kế toán khách sạn
Tin nhắn giữa A.T và người kế toán này
“Bài học rút ra ở tuổi 18 của mình là đừng tự nghĩ mình KHÔN. Bố mình nói mấy chuyện lừa đảo như cơm bữa luôn và mình cứ nghĩ mình biết rồi, không ngờ có ngày mình lại là nạn nhân câu chuyện. Mình bị lừa mà bố mẹ cười còn hơn được mùa nữa: ‘Tưởng khôn lắm hoá ra cũng bị lừa’. Mình xấu hổ có thể là đến chết luôn á” - A.T nói.
Ở phần bình luận bài đăng của A.T, nhiều cư dân mạng cho biết mình cũng bị lừa đảo với hình thức tương tự. Chiêu trò này không chỉ diễn ra với khách sạn ở Đà Nẵng nói trên mà xuất hiện với rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng khác trên khắp cả nước. Thậm chí, có người còn cho biết mình đã gặp trúng nhân vật kế toán mà A.T trao đổi.
Nhiều người cho biết mình cũng bị lừa khi đặt phòng khách sạn qua mạng
Từ tháng 4/2025 đến nay, phía khách sạn liên tục cảnh báo vấn đề giả mạo và lừa đảo khách hàng đặt phòng trên fanpage Facebook thức có 12k người theo dõi. Doanh nghiệp này cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp giả mạo, “đăng tải thông tin khuyến mãi sai lệch nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tiền đặt phòng của khách hàng”. Tuy nhiên doanh nghiệp nhấn mạnh: KHÔNG nhận đặt phòng qua tin nhắn qua fanpage.
“Tất cả các trang yêu cầu đặt phòng và thanh toán qua tin nhắn trên fanpage, đều là giả mạo.
Chúng tôi kính mong quý khách hàng luôn cẩn trọng, chỉ tiếp nhận thông tin qua các kênh liên hệ chính thức nêu trên để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của chính mình” - bài đăng cảnh báo của khách sạn viết.
Khách sạn mà A.T đặt phòng lên tiếng
Theo ghi nhận từ đầu năm 2025 đến nay, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là lừa đảo đặt phòng qua mạng gia tăng.
Đầu tháng 2/2025, MXH từng xôn xao sự việc một khách hàng lên mạng đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình nhưng bị lừa đảo tổng số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng, khách hàng không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng mới biết đã bị lừa.
Tháng 5/2025, một khách hàng ở Hà Nội mất gần 40 triệu đồng vì giao dịch thông qua fanpage một khu nghỉ dưỡng tại Hạ Long, Quảng Ninh. Đầu tháng 6/2025, chị T. (Hà Nội) cũng bị lừa đảo mất gần 50 triệu đồng với chiêu trò tương tự.
Các đối tượng lừa đảo đều có chiêu trò lập các website, fanpage giả mạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có uy tín với nhiều chiêu trò giảm giá, khuyến mại ảo và yêu cầu chuyển tiền đặt cọc… để chiếm đoạt tiền của người đặt phòng. Thậm chí các kênh giả mạo này còn được cài đặt tinh vi đến nỗi nhìn thật hơn cả kênh thật.
Trước tình trạng này, cơ quan chức năng cũng liên tục cảnh báo đến người dân, tránh "tiền mất tật mang" trước các chuyến du lịch. Cục Du lịch Quốc gia và các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ưu tiên các kênh chính thống như đặt phòng trực tiếp qua website chính thức của khách sạn hoặc các nền tảng OTA lớn, uy tín. Luôn kiểm tra chéo thông tin, đọc đánh giá từ nhiều nguồn và cẩn trọng với các giao dịch đáng ngờ.
Mùa du lịch hè là thời điểm để nghỉ ngơi và tận hưởng. Bằng việc trang bị kiến thức và giữ một "cái đầu lạnh", mỗi người dân có thể tự bảo vệ mình khỏi những cạm bẫy lừa đảo, đảm bảo một kỳ nghỉ trọn vẹn và an toàn.
(Tổng hợp)