Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Lý Hải (69 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc) đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Vợ chồng tôi đều từng làm việc trong cơ quan nhà nước, thu nhập trước đây cả gia đình dao động khoảng 15.000 NDT. Sau khi về hưu, tổng lương của 2 vợ chồng không quá tệ, hơn 10.000 NDT (33 triệu đồng). Số tiền này đủ để gia đình chi tiêu và có thể dành ra một khoản để gửi tiết kiệm hàng tháng.
Ở thời điểm vẫn còn đi làm vợ chồng chúng tôi chi tiêu khá tiết kiệm nên dư ra một khoản để mua 2 căn nhà và 2 chiếc ô tô. Đồng thời, chúng tôi cũng có một khoản tiền dự phòng 300.000 NDT được gửi ở ngân hàng và lấy lãi hàng tháng. Dẫu dư dả về tài chính, song cuộc sống tuổi già của chúng tôi không mấy vui vẻ như những gì người ngoài nhìn vào.
Cách đây 30 năm, do kế hoạch hoá gia đình, chúng tôi chỉ sinh 1 con trai. Được chăm sóc và giáo dục từ nhỏ, con trai tôi có thành tích học tập xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, con tiếp tục theo đuổi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Người ngoài nhìn vào đều dành lời khen cho gia đình tôi bởi may mắn khi nuôi dạy được cậu con trai ưu tú. Chính vợ chồng tôi cũng tưởng rằng với những gì con trai làm được, chúng tôi sẽ có cuộc sống yên ấm khi về già.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, con trai tôi quyết định ở lại nước ngoài làm việc, lấy vợ rồi định cư. Điều này thực sự khiến chúng tôi rất buồn và thất vọng. Vì chỉ có 1 người con trai, cha mẹ nào chả muốn sống gần các con.
Tôi và vợ đã nhiều lần bày tỏ ước nguyện mong con trai sẽ quay về. Thậm chí, chúng tôi còn nỗ lực tận dụng mọi mối quan hệ để con có công việc với mức lương hàng trăm nghìn NDT/năm khi về nước. Đồng thời, tôi còn hứa hẹn sẽ dành tặng ngôi nhà 3 triệu NDT (khoảng 9 tỷ đồng) cho chúng.
Ảnh minh hoạ
Dẫu làm công tác tư tưởng như vậy nhưng con trai tôi từ chối trở về. Vợ chồng chúng cho rằng môi trường làm việc ở nước ngoài thoải mái, tự do hơn. Thấy bố mẹ nôn nóng, con trai thường mời chúng tôi sang chơi.
Sau vài lần từ chối, đầu năm ngoái, chúng tôi nhận lời đồng ý. Chỉ 2 ngày sống chung, tôi đã thực sự cảm thấy không thể hoà hợp. Các con thường không trở về nhà sau giờ làm thay vào đó là những bữa ăn ngoài hàng với bạn bè.
Chúng tôi vẫn lủi thủi 2 thân già tự lo liệu bữa ăn. Cũng có một vài bữa gia đình ăn cơm cùng nhau nhưng cách nấu của con dâu cũng không hợp khẩu vị của vợ chồng tôi. Nhìn chung, sang thăm con nhưng tôi không cảm thấy thoải mái chút nào. Vì thế vợ chồng tôi đã về nước sớm hơn so với dự định.
Sau khi trở về, vợ chồng chúng tôi dành nhiều thời gian hơn cho anh chị em họ hàng ở dưới quê. Là người khá giả hơn trong gia đình, mỗi tháng, tôi vẫn trích 1.500 NDT để biếu bố mẹ 2 bên. Ngoài ra, với anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Một người đồng nghiệp từng nói rằng vợ chồng tôi nên dành tiền tiết kiệm cho sau này thay vì hào phóng quá mức. Tuy nhiên, chúng tôi không cần phải lo lắng cho con cái. Bản thân cũng có tiền tiết kiệm trước đó. Nên vợ chồng tôi chọn cách tiêu tiền bằng việc hỗ trợ anh chị em trong nhà để mối quan hệ trở nên tốt đẹp.
Vào tháng 2 vừa rồi, trong lần đi khám tổng quát, tôi phát hiện mình mang một khối u. Bác sĩ cho rằng tôi cần phẫu thuật để cắt bỏ. Dẫu xét nghiệm là khối u lành tính nhưng tôi vẫn khá sợ hãi vì tuổi cao sức yếu nên ca phẫu thuật sẽ có rủi ro cao hơn.
Ngay khi biết mình chuẩn bị phải nhập bệnh viện, tôi có gọi điện thông báo cho con trai. Tuy nhiên con tôi luôn tỏ thái độ vô tâm cho rằng đây là ca phẫu thuật đơn giản. Cho tận đến khi mổ xong, tôi không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ vợ chồng chúng. Tôi hoặc bà xã chủ yếu chủ động gọi điện thông báo tình hình cho các con.
Trong những ngày đau ốm, tôi cũng không nhận được bất kỳ lời hỏi thăm nào của những người anh em họ ở quê mà gia đình từng giúp đỡ. Đặc biệt gia đình anh cả, người tôi từng mua cho chiếc TV mới, chi trả 10.000 NDT để chữa bệnh. Song đến khi tôi ốm ngay cả 1 cuộc điện thoại hỏi han cũng không thấy.
Sau 1 tháng nằm viện, tôi mới thực sự hiểu, chỉ có bạn đời mới là người ở bên cạnh bạn lâu nhất. Cha mẹ sẽ đi trước một bước, con cái thành gia lập nghiệp, bạn bè người thân ai nấy đều có gia đình của mình, không để thường xuyên ở bên cạnh bạn. Vì thế, bạn cần trân trọng và nuôi dưỡng mối quan hệ vợ chồng dẫu cho đã đi đến dốc bên kia của cuộc đời.
Ảnh minh hoạ
Sau khi sức khoẻ bình phục, vợ chồng tôi quyết định bán căn nhà 9 tỷ đồng chuẩn bị cho con trai. Dành phần lớn số tiền đó để tận hưởng phần đời còn lại, buông bỏ dần cái gọi là hào phóng trước đây. Sắp tới, vợ chồng chúng tôi sẽ có chuyến đi du lịch châu Âu mà bà xã đã mong ước từ rất lâu.
Bạn có một miếng bánh rất ngon. Tuy nhiên vì muốn để dành bạn chọn cách cất đi. Sau một vài ngày, bạn phát hiện miếng bánh đã hỏng, không thể sử dụng. Thời gian không ngừng trôi. Mỗi phút qua đi, giá trị những gì bạn đang có lại càng giảm. Vì thế hãy tận hưởng niềm hạnh phúc hiện tại và đừng cố gắng "giữ và kéo dài" hạnh phúc của mình. Vì sau khi thời gian trôi đi có thể bạn sẽ không bao giờ tìm được cảm giác đó.