Vợ chồng tôi từng nghĩ rằng khi con trai học xong Đại học và đi làm là lúc chúng tôi được tự do, tận hưởng cuộc sống an nhàn. Nhưng thực tế lại không “màu hồng” như vậy”.
Chồng tôi là kế toán ở một công ty bất động sản, tôi là giáo viên mầm non ở một thành phố nhỏ, có một con trai tên Trần Hiểu. Tôi từng nghĩ những năm các con học cấp 2, cấp 3 là khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình khi phải vay tiền mua nhà, mua xe, trả học phí. Nhất là những lần con thi chuyển cấp, dù phụ huynh không thi nhưng đến giờ vẫn ám ảnh vì vô số áp lực không tên.
Trải qua nhiều vất vả, cuối cùng con trai tôi cũng vào được ĐH trọng điểm của tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), chuyên ngành tài chính. Vợ chồng tôi mừng thầm vì tin rằng tương lai của con chắc chắn tươi sáng hơn nhiều so với chúng tôi. Cuối năm 2020, Trần Hiểu tốt nghiệp ĐH, không học lên thạc sĩ mà trực tiếp đi nộp hồ sơ vào các ngân hàng.
Ảnh minh họa
Thế nhưng 4 lần tham gia thi tuyển thì cả 4 lần đều trượt vì con nói đề quá khó. Vậy nên Trần Hiểu lại xin 20.000 NDT (66 triệu đồng) để đi luyện thi trong 3 tháng. Vợ chồng tôi không thể hiểu được vì sao con mình đã tốt nghiệp mà bố mẹ vẫn phải đi đóng học phí cho con như trước.
Trần Hiểu hoàn thành khóa đào tạo nhưng vẫn trượt bài kiểm tra của ngân hàng. Con trai tôi dường như không vội vã chút nào, khi bố mẹ đi làm rồi vẫn chưa chịu ngủ dậy. Khi bị hỏi đến công việc liền tỏ ra sốt ruột, nói rằng nộp hết hồ sơ này đến hồ sơ khác vẫn không có phản hồi.
Chồng tôi liền gợi ý con thi tuyển công chức. Thực tế lại “tát” vào mặt chúng tôi lần nữa khi điểm thi của con thấp khó tin, dù trước đó Trần Hiểu luôn nói rằng với sinh viên ĐH danh giá như con kỳ thi này quá dễ.
Lần này Trần Hiểu lại chuyển hướng sang thi lên thạc sĩ, du học và tham gia kỳ thi nghiệp vụ sư phạm nhưng sau cùng, tất cả đều không thành. Tôi và chồng nhận ra con chỉ tỏ ra sốt sắng trước mặt bố mẹ nhưng dường như không chịu nỗ lực tiến bộ hơn để kiếm được việc.
Đó là bởi ở nhà có bố mẹ chăm lo từng bữa ăn, rảnh thì chơi game, việc phải bước chân ra ngoài xã hội khiến con chần chừ vì không muốn vất vả. Một chàng trai 23 tuổi nhưng không tự giác dọn dẹp phòng ngủ, bố mẹ không có nhà cũng không biết nấu ăn, hết tiền lại nhắn tin xin vợ chồng tôi. Hầu như tuần nào Trần Hiểu cũng tụ tập bạn bè, xin mua đồ xịn với lý do “chuẩn bị để đi làm” khiến chúng tôi không nỡ từ chối.
Dù có lần chồng tôi phải nổi giận vì đi làm về thấy con vẫn đang ngủ ngon lành, nhà cửa bừa bộn nhưng vẫn không làm thay đổi được lối sống của con trai. Cuối cùng thông qua vô số mối quan hệ, chúng tôi cũng xin được cho con cơ hội thực tập làm giao dịch viên ngân hàng. Tôi nghĩ rằng với trình độ học vấn và chuyên ngành của Trần Hiểu, việc trở thành giao dịch viên không có gì khó khăn.
Trước khi đi làm, con trai hỏi chúng tôi về việc mua xe để tiện di chuyển nhưng vợ chồng tôi không đồng ý. Kết quả là chỉ sau 3 ngày, Trần Hiểu không chịu đi làm tiếp vì cho rằng công việc quá “tầm thường, không tương xứng với trình độ”. Lần này con trai và chồng tôi cãi nhau to. Trần Hiểu thu dọn hành lý, trách bố mẹ không hiểu mình và nói sẽ đến Bắc Kinh để phát triển.
Ảnh minh họa
Vợ chồng tôi không ngăn cản. Quả nhiên nửa tháng sau, con trở về nhà, kêu than môi trường làm việc ở Bắc Kinh không tốt và thừa nhận bản thân không đủ giỏi để kiếm việc. Thế nhưng 2 năm tiếp theo, dù cho Trần Hiểu theo bố học sổ sách kế toán hay xin bất cứ công việc nào khác, con trai đều không thể kiên trì. Đã ngoài 50 tuổi nhưng vợ chồng tôi không dám nghỉ hưu sớm, cả ngày đi làm tối về lại nhận thêm việc làm tiếp.
Nhiều đêm mất ngủ, tôi và chồng lại trằn trọc suy nghĩ về cách dạy con. Trên thực tế, vì chỉ có một mình Trần Hiểu nên gần như chúng tôi không bao giờ để con làm việc khó. Từ nhỏ đến lớn con đều chưa bao giờ chịu khổ hay cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ. Mong muốn của vợ chồng tôi luôn chỉ là con phải học giỏi, phải được vào một ĐH tốt.
Ảnh minh họa
Kết quả là khả năng tự lập, chống chọi với áp lực cuộc sống của con gần như bằng 0 nên sinh ra tâm lý né tránh những việc khó khăn, chỉ thích được hưởng thụ. Điều đau lòng nhất ở tuổi trung niên là bạn dành nửa cuộc đời để cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình, nhưng cuối cùng con lại không được như kỳ vọng tối thiểu của cha mẹ, không tự nuôi được bản thân. Trở về nhà sau một ngày đi làm mệt mỏi, nhìn thấy con mình thất nghiệp, tôi đột nhiên cảm thấy cuộc sống thật vô vọng.
Vậy nên những bậc làm cha làm mẹ đừng chỉ tập trung vào điểm số, thành tích của con cái mà nên trau dồi kỹ năng xã hội bên ngoài, cả những kỹ năng giúp con trẻ tự chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, đừng ngại gần gũi tâm sự để con hiểu suy nghĩ của cha mẹ hơn. Nếu có thể, hãy dạy con về tài chính từ sớm để trẻ hiểu kiếm tiền khó thế nào. Những điều này tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng là một phần không thể thiếu để con trưởng thành đúng cách, hiếu thảo trong tương lai.
Tâm sự của người mẹ họ Trần trên diễn đàn Toutiao (Trung Quốc)