Theo thông tin trên báo VTC, chiều 7/5, Công an Đồng Nai thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn "Cá") chồng của Lý Thị Loan (39 tuổi, biệt danh Loan "Cá", ngụ TP Biên Hoà). Công an cũng bàn giao Loan "Cá" cùng các đối tượng khác cho Công an huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) để xử lý.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn "cá") khai từ đầu năm 2019 "lãnh địa" chợ Hóa An và khu vực trước Công ty Pouchen được Tuấn và vợ là Lý Thị Loan (Loan "cá", vừa bị bắt ở gần Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đứng ra bảo kê thu tiền.
Tuấn "cá" bị dẫn giải khám xét nhà chiều 7-5. Ảnh: báo Tuổi trẻ
Theo cơ quan điều tra, phạm vi hoạt động của băng Loan "Cá" rộng khắp tại nhiều khu vực thuộc TP Biên Hoà, huyện Vĩnh Cửu... số lượng nạn nhân của băng nhóm này cũng rất nhiều, nên công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Cách đây nhiều năm, Loan "Cá" và chồng mình là Tuấn "Cá" từng bán cá diêu hồng tại chợ Hóa An. Để tranh giành thị phần đầu mối ở chợ cá lớn nhất TP Biên Hòa, khoảng 6 năm trước, Loan quy tụ nhiều thanh niên ăn chơi, có tiền án tiền sự, xăm trổ để thị uy đối thủ.
Từ đó, danh tiếng của vợ chồng bà trùm này lan ra khắp khu vực Hoá An, người dân khi nghe tới đều khiếp sợ.
Loan "Cá" lúc bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt.
Biết được vị thế của mình trong khu vực, Loan bàn bạc với chồng tìm cách dằn mặt các tiểu thương, thu tiền bảo kê trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam - đối diện chợ Hóa An.
Sau khi huy động được đàn em xăm trổ hùng hậu, vợ chồng Loan "Cá" dùng vũ lực và nhiều thủ đoạn uy hiếp tiểu thương, ép họ phải tự nộp tiền bảo kê đều đặn từ 20.000 - 50.000 đồng/ngày. Khu vực này Loan chỉ dám bắt nạt người buôn hàng rong vì vịn vào việc lấn chiếm lòng lề đường chứ không dám thu bảo kê hàng quán lớn ven Quốc lộ 1K.
Đến năm 2017, sau khi "đóng đô" ở chợ cá Hoá An được một thời gian, vợ chồng Loan "Cá" có dã tâm mở rộng địa bàn sang các khu vực lân cận. Huyện Vĩnh Cửu cách đó 7km nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của Loan.
Vì khu vực này tập trung đông công nhân, giới bảo kê tại đây hoạt động riêng lẻ, nên Loan "Cá" huy động nhiều đàn em tới chiếm địa bàn. Sau khi chiếm được, Loan "Cá" thuê mặt bằng mở quán nước, bãi giữ xe ở khu vực Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu.
Dù khu vực này có hàng chục nghìn công ty hoạt động, nhưng Loan chủ yếu cho đàn em bảo kê khu vực cổng trước và cổng sau Công ty Chang Shin Việt Nam. Do nơi này tập trung hàng chục công nhân, hàng ngày có khoảng 500 tiểu thương tập trung kinh doanh buôn bán dọc tuyến đường Đồng Khởi và đường tỉnh lộ 768 để phục vụ công nhân của Công ty Chang Shin.
Sau khi băng của Loan "Cá" tràn qua địa bàn xã Thạnh Phú để tổ chức hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi thì khu chợ Hóa An được giao lại cho chồng là Tuấn "Cá" điều hành và Loan cùng hỗ trợ khi "có đụng chạm" với các băng nhóm.
Các đối tượng bị bắt giữ trước đó
Khi chỗ đứng tại đây lớn mạnh, Loan "Cá" bắt đầu tính kế gây sự với các băng nhóm khác để dành trọn địa bàn. Cánh tay phải đắc lực giúp Loan mở rộng địa bàn là Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, tự Nhung "Khàn") - một "đàn chị" đến từ khu Hố Nai.
Sau khi chiếm trọn địa bàn Khu công nghiệp Thạnh Phú, đàn em của Loan thường có nhiều chiêu để thị uy sức mạnh với các tiểu thương, điển hình là xăm trổ đầy mình sau đó mặc áo quần hở hình xăm, lái xe nẹt bô xung quanh khu vực các tiểu thương buôn bán.
Phương thức hoạt động của băng Loan "Cá" tại Khu công nghiệp Thạnh Phú gần giống với khi đang làm mưa làm gió ở chợ Hoá An. Mỗi ngày có 1-2 đàn em lái xe máy dạo quanh khu vực các tiểu thương buôn bán nhắc nhở không được lấn lòng lề đường. Thực chất là để thay phiên nhau theo dõi tình hình và thu tiền bảo kê của tiểu thương.
Ngoài hoạt động bảo kê với tiểu thương, băng Loan "Cá" cũng mở thêm "dịch vụ" cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê tại nhiều khu nhà trọ lân cận như Khu công nghiệp Thạnh Phú thuộc (huyện Vĩnh Cửu), phường Trảng Dài, Tân Phong (TP Biên Hòa).
Bên cạnh đó, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, với các tiểu thương bán hàng rong cho công nhân gần cổng Công ty Pouchen (gần trụ sở UBND và Công an phường Hóa An), Tuấn và Loan tổ chức thu tiền chỗ ngồi, tiền mặt bằng và… tiền dọn vệ sinh vỉa hè.
Với mặt bằng, tùy theo vị trí chỗ ngồi, Tuấn, Loan giao một nhóm đàn em thu 100.000 - 400.000 đồng/tháng và thu tiền dọn vệ sinh 5.000 - 7.000 đồng/tháng.
Tiền lẻ được tiểu thương gom lại cống nạp cho nhóm Tuấn "cá" bị công an niêm phong. Ảnh: Tuổi trẻ
Sau khi ly thân Loan "cá", Tuấn "cá" tiếp tục thu tiền "bảo kê" ở khu vực chợ Hóa An, còn Loan về khu vực Công ty Chang Sing gần Khu công nghiệp Thạnh Phú củng cố uy thế, làm bãi giữ xe và tổ chức cho đàn em đe dọa, thu tiền của tiểu thương bán hàng ở khu vực này.
Tại chợ Hóa An, Tuấn "cá" sử dụng đàn em là Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn Úc, 29 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) để tiếp tục thu tiền.
Bước đầu Tuấn "cá" khai riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cứ đầu tháng Tuấn Úc và một nhóm thanh niên khác đi đến gặp các tiểu thương ở chợ Hóa An, gần cổng Công ty Pouchen thu tiền chỗ ngồi. Ai không đóng tiền, Tuấn Úc cùng đồng bọn đe dọa, đuổi đi không cho bán.
Vì vậy nhiều tiểu thương muốn yên thân phải đóng tiền cho Tuấn Úc. Riêng tiền "bảo kê" chỗ ngồi, tiền vệ sinh, mỗi tháng nhóm Tuấn Úc mang về cho Tuấn "cá" hơn 20 triệu đồng...
Hiện Tuấn Úc đã bị bắt cùng Loan "cá" trong vụ cưỡng đoạt tài sản ở khu vực Khu công nghiệp Thạnh Phú hôm 5/5.
Theo tiểu thương ở khu vực này, Tuấn "cá" có tiếng nói trong việc buôn bán cá và chi phối ở khu vực chợ Hóa An. Tiền "bảo kê" thu được Tuấn cùng nhóm đàn em thường dùng cho vay hoặc đứng ra làm đề, làm banh bóng… suốt một thời gian dài.
Đáng chú ý, trong nhóm đàn em Loan "cá" vừa bị bắt có Trần Công Đại, người từng đi thu tiền cho vợ chồng Loan. Đại thường cùng một số thanh niên khác đi thu tiền "bảo kê" chỗ ngồi của tiểu thương với mức 5.000 - 30.000 đồng/ngày hoặc 400.000 đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng.