“Bà trùm” giang hồ Loan “cá” có thể đối mặt với nhiều tội danh và hình phạt rất nặng

LS Phạm Thanh Hữu, Theo Tổ Quốc 14:51 07/05/2020

Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ Lý Thị Loan tổ chức thu tiền “bảo kê” chỗ bán của tiểu thương, cho vay nặng lãi… tại Đồng Nai; nhiều người thắc mắc Loan “cá” sẽ chịu chế tài gì từ pháp luật. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh để làm rõ về vấn đề này.

“Bà trùm” giang hồ Loan “cá” có thể đối mặt với nhiều tội danh và hình phạt rất nặng - Ảnh 1.

Lý Thị Loan còn có biệt danh Loan “Cá” (SN 1981 ngụ tại phường Hóa An TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị bắt giữ - Ảnh: B.A

PV: Thưa luật sư, với việc Loan "cá" tổ chức thu tiền bảo kê đối với các hộ buôn bán và người bán hàng rong tại Đồng Nai trong thời gian dài như vậy thì sẽ gánh lấy chế tài gì?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Trước tiên tôi xin khẳng định, vụ việc đang được công an tiến hành điều tra để củng cố chứng cứ và xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, Loan "cá" phạm tội gì, mức phạt như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả điều tra từ công an (như là số tiền chiếm đoạt, việc phạm tội có tổ chức hay không…).

Tuy nhiên, nếu những thông tin mà báo chí cung cấp hoàn toàn đúng sự thật thì khả năng cao Loan "cá" sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); khi đó, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Lưu ý, đối với tội danh này, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức.

- Có tính chất chuyên nghiệp.

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Tái phạm nguy hiểm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV: Nếu Loan "cá" bị truy cứu về tội cho vay nặng lãi thì hình phạt đối với tội danh này như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Về vấn đề này, Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

PV: Thưa luật sư, khả năng cao là Loan "cá" sẽ đối mặt với nhiều tội danh, vậy việc tổng hợp hình phạt đối với Loan "cá" được thực hiện như thế nào?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào Điều 55 Bộ luật Hình sự, nếu đúng sự thật Loan "cá" phạm phải nhiều tội thì khi xét xử Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính

- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

- Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định nêu trên.

- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.

- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.

- Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

2. Đối với hình phạt bổ sung

- Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật Hình sự quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

- Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày