Cách Apple tiên phong khai tử một cổng kết nối
Giắc cắm tai nghe 3,5 mm có lịch sử bắt nguồn khá lâu đời, từ các nhà cung cấp dịch vụ tổng đài ở thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ sau sự khởi đầu khiêm tốn, công nghệ này đã trở nên phổ biến và là tiêu chuẩn phải có cho mọi chiếc điện thoại khi được đưa ra thị trường. Nhưng Apple lại thấy nó không phù hợp các với sản phẩm cao cấp của mình, và quyết tâm tiêu diệt "tượng đài công nghệ" này, bắt đầu từ dòng sản phẩm bán chạy nhất của mình, iPhone.
Vào năm 2016, Apple đã khai tử giắc cắm tai nghe trên iPhone khi ra mắt iPhone 7. Giống như các công nghệ trước đó từng bị Apple khai tử như bộ sạc MagSafe hay cổng kết nối 30-pin, động thái này ban đầu đã bị chỉ trích và chế giễu bởi người tiêu dùng, những chuyên gia trong ngành cũng như hàng loạt công ty đối thủ.
Nhưng điều đó không khiến Apple lung lay ý chí. Kể từ iPhone 7, các mô hình tiếp theo cũng không có giắc cắm tai nghe 3,5 mm. Ban đầu, Apple đưa ra các bộ kết nối kèm trong hộp sản phẩm để người dùng vẫn có thể cắm tai nghe có dây hoặc các phụ kiện khác vào thiết bị của họ. Nhưng rồi hãng sớm ngừng làm điều đó.
Mỗi chiếc iPhone 7 xuất xưởng đều có một bộ chuyển đổi dongle được Apple tặng kèm
Sau đó, Apple dần loại bỏ giắc cắm tai nghe trên các sản phẩm khác của mình bắt đầu từ năm 2018. iPad Pro được thiết kế lại của năm đó là máy tính bảng Apple đầu tiên thiếu giắc cắm tai nghe. Hiện tại, iPad duy nhất có cổng 3,5mm là mẫu có giá thấp nhất thuộc dòng entry-level.
Và theo các báo cáo gần đây, điều đó có thể cũng sớm thay đổi. Các tin đồn hiện tại cho thấy iPad thế hệ 10 sắp tới của Apple cuối cùng sẽ mất giắc cắm này. Điều đó sẽ khiến người dùng phải dựa vào các giải pháp không dây thay thế để nghe nội dung trên thiết bị của họ, hoặc đơn giản là sử dụng bộ chuyển đổi.
Hành động của đối thủ
Khi Apple hành động, các đối thủ cạnh tranh của hãng không lãng phí chút thời gian để nhanh chóng đưa ra các thông điệp chế nhạo công ty vì đã loại bỏ giắc cắm tai nghe. Thậm chí nhiều hãng còn chạy quảng cáo để chọc ngoáy về quyết định này. Tuy nhiên, cuối cùng hầu hết các đối thủ lớn khác của Apple đều chấp nhận sao chép động thái này.
Samsung là đối thủ thường xuyên chế nhạo Apple và cũng đã xuất bản nhiều quảng cáo chỉ trích việc loại bỏ giắc cắm tai nghe trên iPhone. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cuối cùng đã làm theo - bắt đầu với dòng Galaxy S20 - khi loại bỏ giắc cắm 3.5 mm trên các thiết bị hàng đầu của mình.
Hơn thế nữa, Samsung đã cố gắng xóa bỏ lịch sử bằng cách lén lút gỡ bỏ những quảng cáo chế giễu thiết kế của Apple trước đó.
Google cũng đã chế giễu động thái của Apple với giắc 3.5 mm
Tương tự, Google cũng đã chế nhạo việc loại bỏ giắc cắm tai nghe trên iPhone. Một đoạn video nhái lại thiết kế của Jony Ive đã quảng cáo rằng Google Pixel 5a vẫn có giắc cắm tai nghe .
Tuy nhiên, một năm sau khi phát hành Google Pixel 5a và video chế giễu Apple, Google cuối cùng đã phải "bước vào hàng" và loại bỏ giắc cắm tai nghe khỏi mẫu Google Pixel 6a.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trên toàn thị trường điện thoại Android. Mặc dù không phải tất cả các công ty đều công khai chế nhạo Apple vì đã loại bỏ giắc cắm tai nghe, nhưng kết quả giờ đã giống nhau, phần lớn các thương hiệu điện thoại lớn đều đã chấp nhận và làm theo giải pháp này.
Lý do thực sự của việc bỏ giắc tai nghe
Vào thời điểm đó, Apple đã biện minh cho việc loại bỏ giắc cắm tai nghe của mình bằng cách nói rằng Lightning là một cổng kết nối có tiêu chuẩn tổng thể tốt hơn cho việc xuất âm thanh. Hãng nói thêm rằng việc loại bỏ giắc 3.5mm cũng giải phóng không gian bên trong thiết bị, để đặt các thành phần lớn hơn hoặc linh kiện bổ sung.
Nhưng những người theo dõi ngành công nghệ thì hoài nghi rằng có thể việc Apple loại bỏ giắc cắm tai nghe chính là vì tiền. Xét cho cùng, vào thời điểm thiết bị này được phát hành, thương hiệu tai nghe Beats by Dre của Apple đã chiếm gần một nửa doanh số bán tai nghe kết nối Bluetooth. Và đó cũng là tiền đề cho Apple để ra mắt dòng tai nghe không dây AirPods của mình.
Toàn bộ được làm một cách công khai và không hề lén lút. Nhưng hiệu quả mang lại lại vô cùng rõ ràng.
AirPods của Apple đã - và đang - là một sản phẩm thành công rực rỡ
Nhìn lại sự thành công vượt bậc của AirPods với các đối thủ trong lĩnh vực tai nghe không dây khác, thật khó để tranh luận rằng quyết định của Apple đã sai.
Tuy nhiên, ngoài việc mở ra tương lai cho các thiết bị không dây, Apple còn có vai trò thúc đẩy thị trường điện thoại thông minh nói chung. Nhiều tiến bộ trong công nghệ trên smartphone ngày nay có lẽ ít nhất có một phần sự đóng góp của việc các nhà sản xuất đã sẵn sàng loại bỏ các tiêu chuẩn cũ kỹ.
Các lựa chọn thay thế của Apple
Trong đại đa số các trường hợp, sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn để bạn có thể nghe âm thanh hơn là sử dụng một cặp tai nghe có dây.
Các thiết bị không dây như AirPods thực sự rất tiện lợi, dễ dàng sử dụng và không bị quấn vào nhau trong túi của bạn như tai nghe có dây tiêu chuẩn. Ngay cả khi AirPods quá đắt đối với một số người, vẫn có rất nhiều lựa chọn tai nghe Bluetooth trên thị trường với mức giá phải chăng hơn.
Còn trên iPad, nếu xem xét kỹ cách mọi người đang sử dụng chúng hàng ngày, bạn sẽ nhận ra rằng sự tồn tại của giắc cắm tai nghe là không quá cần thiết. Đây không phải là thiết bị được sử dụng cho các quy trình công việc yêu cầu một chiếc tai nghe có dây. Còn trên máy Mac - thiết bị thực sự được sử dụng cho công việc cần xử lý âm thanh và hình ảnh chuyên nghiệp - Apple vẫn giữ lại giắc cắm tai nghe cho bạn.
Hơn thế nữa, người dùng nếu có yêu cầu sử dụng tai nghe có dây trên iPhone hoặc iPad, họ hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề đó với một phụ kiện chỉ có giá niêm yết 9 USD.
Rõ ràng, vẫn có những mặt tích cực khi giữ lại giắc cắm tai nghe 3.5 mm khi chúng mang lại độ trễ thấp và âm thanh rõ ràng hơn cho người dùng. Tuy nhiên, những mặt tích cực đó không vượt trội hơn mặt tích cực của việc bỏ giắc cắm đối với Apple, và hầu hết người tiêu dùng. Nhìn vào toàn ngành công nghệ, rõ ràng là hầu hết các công ty khác cũng cảm thấy như vậy. Chỉ tiếc là họ mất nhiều thời gian hơn để khởi động và thực hiện ý tưởng này, so với Apple.
Tham khảo: AppleInsider, Naver