Sau 20 năm phân tích dữ liệu, các nhà khoa học phát hiện ra một "Siêu Trái Đất" cách ta chỉ 6 năm ánh sáng

Dink, Theo Trí thức trẻ 12:23 15/11/2018
Chia sẻ

"Siêu Trái Đất" Sao b của Hệ Sao Barnard là kết quả của nỗ lực nghiên cứu khổng lồ, dẫn đầu là nhà khoa học lão thành Ignasi Ribas.

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một Siêu Trái Đất đang quay quanh Sao Barnard, một ngôi sao lùn đỏ cách Trái Đất "chỉ" 6 năm ánh sáng.

Ngoại hành tinh (exoplanet, trước đây được chúng tôi gọi là hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) mới được đặt tên là Barnard’s Star b – Sao b của Hệ Barnard. Nó là hành tinh thuộc hệ sao đơn (chỉ có một sao duy nhất) gần Trái Đất nhất, và là ngoại hành tinh gần Trái Đất thứ hai, xếp sau Proxima b – một ngoại hành tinh giống Trái Đất nằm tại hệ ba sao Alpha Centauri.

Sao b lớn hơn Trái Đất ít nhất 3,2 lần, có chu kì quay là 233 ngày/năm, nhiệt độ bề mặt ước tính là -170 độ C. Sao Barnard là sao lùn đỏ, khá nguội và có khối thấp. Ánh sáng từ Barnard chiếu tới hành tinh trong Hệ của mình chỉ tương đương 2% lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu tới Trái Đất.

Sau 20 năm phân tích dữ liệu, các nhà khoa học phát hiện ra một Siêu Trái Đất cách ta chỉ 6 năm ánh sáng - Ảnh 1.

Phát hiện mới là nỗ lực khám phá kết hợp giữa nhiều quốc gia, dẫn đầu là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Ignasi Ribas từ Viện Nghiên cứu Vũ trụ Catalonia. Đội ngũ nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 7 thiết bị thiên văn, có được trong quá trình quan sát dài 20 năm. Nghiên cứu mới được đăng tải trên Nature hôm thứ Tư vừa rồi.

"Khám phá mới mang ý nghĩa thúc đẩy cho quá trình tìm ngoại hành tinh tiếp tục diễn ra, với hi vọng ta sẽ tìm ra một hành tinh đủ điều kiện hỗ trợ sự sống", đồng tác giả nghiên cứu, Cristina Rodríguez-López từ Viện Vật lý Thiên văn Andalusia nói.

Sao Barnard đã là trung tâm chú ý từ lâu, bởi khoảng cách giữa nó và Trái Đất là khá gần, tuổi của Sao Barnard trong khoảng hơn 8 tỷ năm, gấp đôi số tuổi Mặt Trời. Thông thường, sao lùn đỏ phát ra bức xạ ánh sáng mạnh khiến các hành tinh quay quanh nó khó có thể phát triển sự sống, thế nhưng Sao Barnard lại khá "hiền".

Sau 20 năm phân tích dữ liệu, các nhà khoa học phát hiện ra một Siêu Trái Đất cách ta chỉ 6 năm ánh sáng - Ảnh 2.

Những yếu tố trên khiến Hệ Sao Barnard là một ứng cử viên trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Trước đây, đã có lần các nhà khoa học nhầm lẫn trong việc phát hiện ngoại hành tinh chính tại Hệ Sao Barnard, nên lần khám phá này đã phải có những bằng chứng đủ thuyết phục: giáo sư Ribas và cộng sự đã lấy dữ liệu từ 771 nguồn, trong đó có những hệ thống nổi tiếng như quang phổ kế CARMENES tại Tây Ban Nha, thiết bị ESO/HARPS tại Chile và thiết bị HIRES nằm trên kính viễn vọng Keck, đặt tại Hawaii.

Nghiên cứu kĩ khu vực Sao Barnard, họ phát hiện ra ngôi sao lùn đỏ rung rinh như thể có một Siêu Trái Đất đang sử dụng lực hấp dẫn của bản thân ảnh hưởng lên toàn khu vực. Họ cố gắng quan sát kĩ nhằm tìm ra ngoại hành tinh bí ẩn.

"Sau khi phân tích kĩ càng, chúng tôi tự tin 99% rằng có một hành tinh tại đó", nhà nghiên cứu Ribas nói.

Sao b nằm gần "đường tuyết – snow line" của một ngôi sao trung tâm, có nghĩa là mọi thứ nước có thể có trên bề mặt Sao b đều bị đóng băng. Có thể nó không có sự sống trên Trái Đất, nhưng không có nghĩa trên bề mặt không thể có mấy con vật lông dày đang chậm rãi di chuyển băng qua khoảng đất băng giá.

Với công nghệ ngày một tiên tiến, ta mong muốn trả lời được câu hỏi "Liệu có sự sống ngoài Trái Đất?".

Tham khảo Motherboard, eurekalert

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày