Sao phải là Đào, Phở Và Piano?

Nguyên Khánh - Ngọc Ánh, Theo Tiền Phong 18:00 26/02/2024
Chia sẻ

Đào, Phở Và Piano không tập trung tôn lên hình tượng một anh hùng cụ thể. Nhưng tất cả nhân vật chọn ở lại chiến lũy đều là anh hùng. Đây là chủ đích của đạo diễn. Về tên phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói không mất quá nhiều thời gian để chọn ra ba sự vật đào, phở và piano.

"Chấp nhận cái chết cũng là sự chịu chơi"

Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn không chỉ kể về chiến tranh mà còn ghi lại mối tình nồng nàn của anh cảm tử quân tên Văn Dân (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành tên Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh). Họ lạc nhau trong cuộc chiến và khi tìm được nhau trên chiến lũy, đôi tình nhân chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ để kịp tận hưởng cuộc sống vợ chồng.

Mỗi nhân vật trong phim như vợ chồng hàng phở, cha xứ, ông họa sĩ, ông phán, cậu bé đánh giày... mang theo câu chuyện riêng. Họ chọn ở lại chiến lũy trong một ngày mà thời khắc lằn ranh sinh tử dần hiện rõ.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn lý giải với Tiền Phong rằng họ ở lại Hà Nội vì yêu chiến lũy, yêu mảnh đất này và mỗi người đều có một đam mê, khát khao riêng níu họ ở lại. Người đam mê đào, người đam mê tranh, cây đàn, người lại chọn ở lại vì tôn giáo. Người lại say sưa nấu một nồi phở, nấn ná chưa chịu đi tản cư để mang đến chiến lũy vắng bởi suy nghĩ: "Tây hay ta cũng đều thích ăn phở”.

Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 1.
Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 2.

Đào, Phở và Piano kể câu chuyện lãng mạn giữa thời chiến.

"Họ đều biết nguy cơ cái chết đến gần khi quân ta đi hết rồi. Những trận chiến đã được miêu tả rất kinh khủng, nên họ biết chỉ còn vài giờ, nhưng không ai rời khỏi con phố ở Hà Nội. Sự đam mê về cuộc sống, tình yêu, văn hóa, ẩm thực… làm cho họ vượt qua cái chết một cách bình thản", đạo diễn Phi Tiến Sơn kể với Tiền Phong.

Đào, phở và piano không tập trung tôn lên hình tượng một anh hùng cụ thể. Nhưng tất cả nhân vật chọn ở lại chiến lũy đều là anh hùng. Đây là chủ đích của đạo diễn, bởi theo ông, khắc họa những hành động anh hùng của người bình thường là điều nên làm hơn.

Mạch phim kéo dài trong 24 giờ, tương đương một ngày duy nhất ở chiến lũy trước khi quân Pháp kéo vào. Ý tưởng viết về một ngày được đạo diễn Phi Tiến Sơn lựa chọn khi nghĩ về những người ở lại và số phận của chiến lũy. Ông nói: "Chiến lũy là một nhân vật. Ta dựng nó lên thì phải cho nó kết thúc. Do đó, chúng tôi mới nảy ra ý tưởng viết về một ngày".

Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 3.

Mạch phim là một ngày duy nhất ở chiến lũy trước khi quân Pháp kéo vào.

Cũng bởi coi chiến lũy là nhân vật nên đạo diễn Phi Tiến Sơn và ê-kíp dồn toàn tâm sức để xây dựng trường quay có một không hai. Tính chân thật lâu nay luôn là tiêu chí, mối quan tâm được đặt lên hàng đầu khi nhận xét một bộ phim lịch sử. Với đạo diễn Phi Tiến Sơn, đó là khái niệm phải coi trọng khi làm phim nhưng cũng là chi tiết cần vượt qua.

Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 4.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn.

"Nhiều chi tiết của lịch sử tưởng là đúng nhưng lại không, có nhiều thứ chúng ta nghĩ đó là chân lý nhưng cũng không đúng.

Ví dụ, ai cũng nghĩ ngày đó toàn các chiến sĩ tự vệ mặc áo trấn thủ, đội mũ sao vàng nhưng không phải. Đó là hình ảnh được điển hình hóa, ca ngợi về sau này. Còn có những sự thật khác, nghệ thuật phải vượt qua những thứ quá cụ thể", đạo diễn tâm sự.

Ông cho rằng khán giả có rất nhiều thứ quan tâm. Khi xem phim, họ cần không khí và những chi tiết lịch sử ấn tượng, mạnh mẽ nhất.

Vì sao là đào, phở và piano?

Việc lựa chọn diễn viên cũng khiến đạo diễn phải đau đầu không kém vì dễ rơi vào cảnh chọn cái nọ rồi lại lăn tăn cái kia, chọn người này, cân nhắc người khác. Tuy nhiên, điều thuận lợi là kịch bản được đạo diễn thai nghén từ rất lâu, nên có sẵn hình dung trong đầu về tính cách của từng nhân vật.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn kể quá trình chọn diễn viên diễn ra suôn sẻ, dù ai cũng bận việc riêng. "NSND Trần Lực là nghệ sĩ cực kỳ tự do, phóng khoáng, điều hành cả sân khấu riêng. Doãn Quốc Đam tay năm tay mười đủ loại vai. NSND Trung Hiếu lại bận rộn nhiều việc... Các diễn viên phải làm việc với vai diễn trong một giai đoạn nhất định, để có cảm nhận riêng trong quá trình làm việc", đạo diễn Phi Tiến Sơn tiết lộ.

Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 5.

Dàn diễn viên ở bối cảnh quay được phục dựng công phu.

Bên cạnh nữ chính là gương mặt mới toanh, ca sĩ Tuấn Hưng cũng là lựa chọn khiến người xem bất ngờ. Thực tế, đạo diễn nghĩ đến Tuấn Hưng từ khi dự án vào cuộc.

Khi xuất hiện ở đoàn làm phim trong trang phục của nhân vật, nam ca sĩ thuyết phục được cả ê-kíp. "Tuấn Hưng đóng như chơi, tinh thần thoải mái, chất giọng tốt. Quá trình làm việc với Tuấn Hưng ai cũng nghĩ rất khó vì anh ấy bận nhiều việc. Khi tôi gọi điện đề cập chuyện đóng phim, Hưng trả lời: Tất cả những gì tôn vinh Hà Nội em sẵn sàng chơi hết mình", đạo diễn Phi Tiến Sơn kể lại.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn nói Tuấn Hưng luôn đúng giờ, chuyên nghiệp. Ca sĩ Tuấn Hưng sau đó cũng tiết lộ anh ngỡ ngàng khi đích thân đạo diễn gọi và ngỏ ý mời anh góp một phần nhỏ vào bộ phim quan trọng.

Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 6.
Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 7.

Đạo diễn khẳng định dàn diễn viên sẵn sàng nhận lời bởi đều sống ở Hà Nội và yêu Hà Nội.

Tuấn Hưng đóng vai ông phán Tây học. Đó là người giàu có, nhìn cuộc chiến theo con mắt thực tế, phân tích rõ tương quan lực lượng. Thế nhưng khi tiếp cận vào con người cụ thể, anh ta hiểu dần ra, hóa ra văn minh Pháp mà anh ta biết và bộ mặt chiến tranh khi đã lộ ra, còn kinh khủng hơn nhiều.

Trước khi phim ấn định ngày ra rạp, một số người thắc mắc về việc chọn tên phim. Đào, phở và piano không phải là cái tên quá ấn tượng nếu thoáng nghĩ đến lần đầu.

Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 8.
Sao phải là Đào, Phở Và Piano? - Ảnh 9.

Phim được đầu tư kinh phí khoảng 20 tỷ đồng.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn lập luận rằng phim rất lãng mạn, không quá xưa bởi có cách kể chuyện, cấu trúc, tổ chức nhân vật rất mới. Tên phim vừa bật ra trong đầu là thấy ưng ngay.

Ông cắt nghĩa: "Hoa đào nở vào mùa xuân đã rất là Hà Nội. Phở thì nhiều nơi có, nhưng bao giờ khái niệm phở Hà Nội cũng rất đặc biệt. Piano thì vẫn trong giai đoạn lịch sử ấy vẳng đâu đó từ các căn cửa sổ, có lẽ chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội". Ba thứ tưởng như không liên quan nhưng đặt cạnh nhau lại chính là những nét đặc trưng, Hà Nội nhất thời kỳ bấy giờ.

Người Hà Nội trong phim hiện lên hào hoa với thú ăn, chơi và yêu cái đẹp. Cuối cùng, đúng với tinh thần của phim là trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy, cái đẹp không vì bom đạn mà mất đi.

Kinh phí kiểu liệu cơm gắp mắm

Với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, đạo diễn nói nhiều khâu trong sản xuất phim phải liệu cơm gắp mắm. Ông từng nghĩ tới dùng một bối cảnh khổng lồ như nhà máy bỏ hoang nhưng không thành công. Trường quay sau cùng phục dựng khu phố cổ dài 120 m, đường và vỉa hè lên tới 15 m chiều rộng, đặt tại doanh trại bộ đội cũ cạnh hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc). Điều lý tưởng là nơi này yên tĩnh, an toàn.

Khó khăn đến từ nhiều phía như lo hệ thống đường ray, dòng tiền cho dự án, phục trang, quả nổ, sương khói của mùa đông, đơn cử việc tạo hệ thống sương mù không đơn giản. Xung quanh trường quay, ê-kíp chuẩn bị hệ thống ống và phải là khói an toàn để đảm bảo sức khỏe cho diễn viên và đoàn làm phim.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày