Sáng nay, VKSND luận tội Trương Mỹ Lan và đồng phạm

Ý Linh, Theo Người lao động 09:55 19/03/2024
Chia sẻ

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc của VKSND Tối cao. Trong khi “dàn” lãnh đạo của SCB đều thừa nhận làm theo chỉ đạo của bị cáo Lan.

Sáng nay (19-3), TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) với phần luận tội của VKSND.

Trong 9 ngày diễn ra phiên xét xử vừa qua, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phủ nhận vai trò "bà chủ" SCB khi nắm giữ 91,5% cổ phần của SCB.

Sáng nay, VKSND luận tội Trương Mỹ Lan và đồng phạm - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà sáng nay 19-3

Phủ nhận sử dụng "quyền lực" cổ đông để điều hành tuyệt đối Ngân hàng SCB ngay từ thời điểm tái cơ cấu, hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân (Ngày 1-1-2012, thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ, 3 ngân hàng: Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn đã hợp nhất thành Ngân hàng SCB) đến khi khởi tố vụ án.

Phủ nhận sử dụng SCB như "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi và vốn; sau đó "rút ruột" hơn 1 triệu tỉ đồng của ngân hàng, qua đó chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỉ đồng để phục vụ mục đích cá nhân.

Bị cáo Lan khai bản thân chỉ cho SCB mượn tài sản để tái cơ cấu nợ xấu. Bị cáo nói không biết về cơ cấu hay điều hành ngân hàng nhưng luôn động viên các cổ đông là bạn bè của mình tin tưởng vào ban lãnh đạo lúc bấy giờ (thời điểm mới tái cơ cấu).

Bị cáo Lan còn nói rằng do những khó khăn trong quá trình hợp nhất 3 ngân hàng nên có thể trong quá trình quản trị có thể làm sai quy định.

Trong 85 bị cáo của vụ án, Tạ Chiêu Trung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) "nổi" lên với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong việc thâu tóm cổ phần SCB qua Công ty Cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú (thuộc "hệ sinh thái" hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Năm 2005, khi Công ty Việt Vĩnh Phú vừa thành lập, Tạ Chiêu Trung được giao nhiệm vụ kế toán. Sau 1 năm thành lập, công ty này bắt đầu mua lại cổ phần của các cổ đông Ngân hàng SCB.

Đến trước thời điểm hợp nhất, Công ty Việt Vĩnh Phú và các cổ đông khác đứng tên thay cho bị cáo Trương Mỹ Lan (do Trung theo dõi) đã sở hữu trên 80% cổ phần của SCB. Năm 2010, Tạ Chiêu Trung được bị cáo Trương Mỹ Lan bổ nhiệm là Tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú, sau đó được bị cáo Lan giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi biến động cổ đông của SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa. Năm 2012, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, Công ty Việt Vĩnh Phú chiếm hơn 12,8% vốn điều lệ Ngân hàng SCB.

Tại toà, bị cáo Trung khai biết rõ bị cáo Lan là người nắm quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của ngân hàng này.

Bị cáo Tạ Chiêu Trung được bị cáo Trương Mỹ Lan giao quản lý, theo dõi biến động cổ đông đứng tên sở hữu ở Ngân hàng SCB; điều hành việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông theo chỉ đạo của bị cáo Lan. Từ tháng 4-2014, bị cáo Trung được bị cáo Lan chỉ đạo tham gia và được bầu là thành viên HĐQT Ngân hàng SCB.

Về cáo buộc lập các khoản vay khống để "rút ruột" SCB bắt đầu từ thời điểm tái cơ cấu, bị cáo Lan phủ nhận với lý do lúc này SCB rất khó khăn nên không có tiền để cho vay.

Sáng nay, VKSND luận tội Trương Mỹ Lan và đồng phạm - Ảnh 2.

Trên thực tế, thời điểm mới tái cơ cấu, Ngân hàng SCB đã là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất với vốn điều lệ là 10.500 tỉ đồng (sau này là 15.200 tỉ đồng). Do thường có lãi suất cao nên SCB huy động được lượng tiền gửi lớn.

Tổng số tiền SCB huy động của người dân và cơ quan tổ chức khác từ thời điểm tái cơ cấu đến tháng 10-2022 là hơn 673.000 tỉ đồng. Bị cáo Lan "đạo diễn" việc "rút ruột" SCB thông qua việc tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống, cụ thể đã vay hơn 1 triệu tỉ đồng - gấp 100 lần vốn điều lệ của SCB.

Tại toà, "dàn" lãnh đạo của SCB đều thừa nhận làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan. Kể cả việc ban hành Nghị quyết của HĐQT, xét duyệt hợp đồng tín dụng…

Nhóm bị cáo là các cán bộ trong đoàn thanh tra, kiểm sát của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận hành vi phạm tội.

Theo bị cáo Nguyễn Văn Thuỳ, sở dĩ "dàn" lãnh đạo của SCB trong vụ án có khả năng quản trị rất yếu do không thực hiện theo đúng nghiệp vụ quản trị do NHNN quy định mà quản trị phụ thuộc chỉ đạo bị cáo Trương Mỹ Lan.

Sự yếu kém thể hiện qua thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB tại thời điểm tháng 6-2017 (kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra liên ngành gồm: Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia) là rất xấu. Lúc này, SCB có tỉ lệ nợ xấu: 20,92% (quy định < 3%); tỉ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR): 6,5% (quy định > 9%); tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 13,28% (quy định <=50%); tỉ trọng dư nợ cho vay Bất động sản/tổng dư nợ: 62,95% (Ngân hàng nhà nước cho phép không quá 55%).

Dù phủ nhận phạm tội nhưng bị cáo Lan lại bày tỏ mong muốn khắc phục hậu quả vụ án qua việc uỷ quyền cho con gái Chu Duyệt Phấn xử lý nhiều tài sản của gia tộc và hơn 1.500 tỉ đồng mà một số cá nhân, tổ chức chưa thanh toán cho bà.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày