Theo đó, cơn mưa to và rất to từ sáng sớm và chiều ngày 3/10 trên toàn TP. HCM khiến các quận Bình Thạnh, quận 7, huyện Nhà Bè… bị ngập, người đi đường ướt sũng, nhiều xe chết máy phải đẩy bộ.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 và quận Bình Thạnh nơi có nhiều dự án chung cư, nhà cao tầng nhưng thường xuyên bị ngập nặng khiến ai cũng ngán ngẩm đi mỗi khi đi qua con đường này.
Cụ thể, tại đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) bị ngập sâu khoảng nửa bánh xe từ sáng sớm. Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh - vùng rốn ngập của Sài Gòn cũng biến thành sông từ sáng sớm và chiều tối khiến cuộc sống người dân càng thêm khốn khổ mỗi khi trời đổ mưa.
Cơn mưa chiều khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh dâng cao cả bánh xe, người dân đi từ hướng Bình Thạnh về quận 1 chỉ còn đi làn ô tô vì làn đường xe máy ngập sâu.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mưa bất thường khiến các thông tin dự báo thời tiết trước đó đều thiếu chính xác, ông Lê Đình Quyết- Phó phòng Dự báo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết:
"Chúng tôi cũng bất ngờ khi thời tiết diễn biến bất thường, dẫn đến dự báo thiếu chính xác. Cụ thể, chiều 30/9 chúng tôi nhận thấy có một dải hội tụ áp cao lạnh đang thổi từ miền Bắc xuống miền Nam kèm theo đó là một vùng nhiễu động đang ở Nam bộ. Hai yếu tố này kết hợp sẽ xuất hiện mưa to. Theo sự dịch chuyển mưa sẽ xuất hiện vào tối 1/10 và tối 2/10. Tuy nhiên, điều bất ngờ khi tốc độ di chuyển bỗng dưng chậm hơn dự báo nên mưa to mới xảy ra sau đó, tức ngày 3/10".
Theo ông Quyết, về công nghệ dự báo những năm qua đã thay đổi liên tục để cập dự báo nhanh chóng, kịp thời và chính xác nhất có thể. Ngoài ra các bản tin liên tục cập nhập trên website của Đài khí tượng và báo, đài để người dân nhanh chóng cập nhập.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi về vấn đề mưa bất thường trong ngày 3/10 ở TP. HCM, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đánh giá: "Các bản tin dự báo thời tiết ở Việt Nam tương đối giống nhau, dự báo chung chung, độ hấp dẫn thấp khiến người dân không quan tâm nhiều".
Đánh giá về các bản tin dự báo gần đây theo bà Lan hệ thống khí tượng thuỷ văn ở Việt Nam đã có sự cải tiến nhiều so với trước đó. Mặc dù vậy việc truyền tải thông tin đến người dân vẫn rất khó khăn.
Nước tràn con lương chảy xiết gây nhiều nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.
Bà Lan dẫn chứng: "Các Đài truyền hình sử dụng bản tin lúc 16h sau đó thu hình đến gần 20h mới phát sóng. Như vậy không thể cập nhập được tình hình thời tiết mới nhất, độ hấp dẫn và chính xác sẽ giảm. Ngoài ra, các bản tin trên báo, website của Trung tâm dự báo hôm nay và ngày mai tương đối giống nhau, hình minh họa không nhiều.
Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện tại có đến 4 hố sâu nguy hiểm được cắm biển cảnh báo.
Một người nước ngoài suýt té vào hố sâu.
Người nước ngoài thích thú khi lội nước ngập về nhà.
Xe máy bị sụp hố được người dân kéo lên vỉa hè.
Một xe máy bị chết máy giữa dòng sông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Nước ngập lút cả bánh xe máy.
Để tránh bị ướt mỗi khi qua vùng ngập sâu phải tăng hết ga nếu không muốn bị chết máy.
Ô tô tạo sóng dữ dội.
Tại khu vực đường Trường Sơn hướng vào sân bay nước ngập gần 0,5m kéo dài gần 1km, người đi xe máy phải gồng mình trong nước chảy xiết để không bị ngã xuống đường. Do sợ bị chết máy nên các ô tô vượt qua khu vực nước ngập trên đường Trường Sơn tài xế phải tăng tốc tạo thành sóng đánh ào ạt, dòng nước chảy cuồn cuộn hai trên đường.
Hoạt động kinh doanh, buôn bán của các hộ dân tại đây cũng "đóng băng" do bị nước bao vây. Nhiều hộ kinh doanh dùng bao cát chắn trước cửa hàng để nước khỏi tràn vào nhưng cũng không thoát. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập nặng khu vực đường Cửu Long, Hậu Giang, Tiền (gần sân bay). Nhiều người lỡ đi vào vùng nước ngập rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Nhiều người dân phải xắn quần qua đầu gối đi mua đồ ăn ở cửa hàng tạp hóa.
"Vừa thấy mưa lớn, sợ về giờ cao điểm kẹt xe nên tôi xin phép công ty về sớm nhưng không ngờ ra đây lại dính nước ngập, xe chết máy. Sáng đầu tuần đi làm đã chịu cảnh kẹt xe hàng giờ trên đường, giờ chiều về lại chịu trận nước ngập", anh Long Hải (ngụ quận 12) dẫn bộ xe trên đường nói.
Người đàn ông mặc quần đùi đến đón con đi học vì sợ ngập.
Đến 16h30 nhiều tuyến đường ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn ngập nặng, giao thông bắt đầu xảy ra tình trạng ùn ứ. Cơn mưa chiều nay cũng gây ngập nặng đường Nguyễn Văn Quá, Song Hành (quận 12) khiến giao thông chiều đầu tuần hỗn loạn.
Một con hẻm ở Sài Gòn bị ngập sau cơn mưa.
Mưa lớn kết hợp triều cuờng khiến con đường nhỏ dẫn ra đường D2 bị ngập.
Mưa lớn xảy ra đúng giờ tan học, nhiều phụ huynh vẫn phải tranh thủ đi đón các bé.