Sạc dự phòng phát nổ như bom, đừng chủ quan!

Kenttt, Theo markettimes.vn 21:00 29/08/2024
Chia sẻ

Sạc dự phòng có khả năng trữ điện, tuy nhiên thiết bị tiện ích này cũng có thể gây ra rủi ro ngoài ý muốn. Nếu sạc dự phòng quá nhiệt và phát nổ, sức tàn phá của nó sẽ vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người.

Sạc dự phòng phát nổ như bom, đừng chủ quan!- Ảnh 1.

Cùng với nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều thì sự xuất hiện của những pin sạc dự phòng kém chất lượng với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá thành rất rẻ so với những pin sạc dự phòng chính hãng ngày càng phổ biến. Trên thực tế, pin sạc dự phòng là một trong những thiết bị rất tiện lợi, giúp tăng thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử thông minh.

Tuy nhiên, nếu sử dụng pin sạc dự phòng không đúng cách có nguy cơ cao dẫn đến hiện tượng nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Sạc dự phòng điện thoại phát nổ như bom tại phòng trọ ở Bình Dương


Nguyên nhân pin sạc dự phòng phát nổ

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết pin sạc dự phòng không dễ để xảy ra cháy nổ. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cháy nổ là do pin sạc dự phòng kém chất lượng. Nguyên nhân phát nổ này thường do hiện tượng quá nhiệt khi sạc trong thời gian dài. Pin sạc hoạt động theo quá trình nạp hoặc xả pin đều phát sinh nhiệt, vì vậy nếu hoạt động trong quãng thời gian dài sẽ làm cho nhiệt độ pin sạc tăng cao.

Hiện nay, có nhiều loại pin sạc dự phòng được bán giá cực kỳ rẻ, nhưng là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này không khác gì những quả bom nổ chậm. Đặc biệt đối với những pin sạc kém chất lượng sử dụng lõi pin Li-Ion có chất điện phân là dung môi hữu cơ sẽ dễ gây cháy, nổ. Trong quá trình sạc pin cho pin sạc dự phòng có thể xuất hiện hiện tượng quá tải hoặc dòng điện không ổn định. Nếu pin sạc sử dụng mạch điều khiển kém chất lượng, khi xuất hiện các hiện tượng trên, mạch sẽ không tự ngắt, khiến cho lõi pin bị nóng quá mức, gây cháy, nổ.

Sạc dự phòng phát nổ như bom, đừng chủ quan!- Ảnh 2.

Sạc dự phòng điện thoại có thể phát nổ và sức phá hoại cũng rất khủng khiếp

Ngoài ra, việc sử dụng sai cách cũng có thể dẫn đến pin dự phòng phát nổ. Theo đó, khi người dùng sử dụng pin sạc dự phòng đã bị va đập, rơi vỡ, bung vỏ sẽ có hiện tượng pin sạc nóng bất thường. Dưới tác động của lực va đập trực tiếp có thể làm nứt hoặc thủng lõi pin, tạo ra phản ứng vật lý của pin lithium-ion, dẫn đến nhiệt độ pin sạc tăng cao gây cháy, nổ.

Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cũng là một nguyên nhân cần được lưu ý đặc biệt. Nếu sạc điện thoại bằng pin sạc dự phòng trong một môi trường có nhiệt độ cao, ví dụ như trong cốp xe giữa trời nắng nóng sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Theo các chuyên gia công nghệ, khi mua pin sạc dự phòng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thương hiệu có uy tín và nhà phân phối uy tín. Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình định mua, cách sạc, cách sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị dùng, cũng như tránh những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Sạc dự phòng bị cấm mang lên máy bay?

Sạc dự phòng có khả năng trữ điện nên dễ xảy ra cháy nổ khi máy bay di chuyển qua khu vực có áp suất không ổn định. Bên cạnh đó, thiết bị này cũng có thể gây ra rủi ro ngoài ý muốn trong trường hợp va chạm mạnh. Do đó, đây là một trong những vật dụng nhạy cảm mang theo trên máy bay.

Sạc dự phòng phát nổ như bom, đừng chủ quan!- Ảnh 3.

Sạc dự phòng không được xếp vào hành lý ký gửi và không được mang pin sạc dự phòng dung lượng trên 160 Wh (tương đương 32.000 mAh)

Thực tế, pin sạc dự phòng được phép mang lên máy bay. Tuy nhiên phải đáp ứng được cũng như chấp hành một số quy định sau:

+ Pin sạc dự phòng mang theo dạng hành lý xách tay và không được mang theo dưới dạng hành lý ký gửi.

+ Một hành khách chỉ được phép mang theo tối đa 10 viên pin có dung lượng không quá 100 Wh. Đối với các viên pin dự phòng phổ thông, điện áp khoảng 5V, thì dung lượng tương ứng theo mAh là khoảng 20.000. Đối với pin có dung lượng từ 100 đến 160 Wh, người dùng được phép mang theo tối đa 2 sản phẩm.

+ Đặc biệt hành khách cần lưu ý, với các viên pin dung lượng trên 160 Wh (tương đương 32.000 mAh), không được mang lên máy bay kể cả dưới dạng hành lý xách tay hay ký gửi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày