Tùy từng trường hợp gửi tiền mà khách hàng có thể rút được tiền tiết kiệm trước kỳ hạn hoặc không.Khách hàng sẽ không được rút tiền trước hạn nếu sổ tiết kiệm đang dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng. Trường hợp này, ngân hàng sẽ thực hiện đóng băng khoản tiền trong sổ tiết kiệm. Người dùng chỉ có thể rút trước hạn sau khi đã tất toán khoản vay của mình. Ngoài ra, người gửi tiền cũng sẽ không được rút trước hạn trong trường hợp tài khoản ngân hàng bị phong tỏa. Thông thường, khách hàng cần đợi đến khi kết thúc thời gian bị phong tỏa thì mới có thể rút tiền.
Trong hầu hết các trường hợp còn lại, khách hàng đều có thể yêu cầu rút tiền gửi trước hạn một phần hoặc toàn bộ và vẫn được nhận tiền lãi.
Theo quy định, lãi suất rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn được quy định như sau:
Nếu khách hàng rút toàn bộ số tiền gửi: Lãi suất sẽ được áp dụng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất mà ngân hàng đang áp dụng tại thời điểm đó.
Nếu khách hàng rút một phần tiền gửi: Mức lãi suất của phần tiền rút trước hạn được tính giống với trường hợp khách hàng rút toàn bộ số tiền gửi. Còn phần tiền gốc còn lại, lãi suất được tính theo mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang áp dụng với tài khoản tiết kiệm như đã thỏa thuận.
Ví dụ, bạn có 2 tỷ đồng gửi tiết kiệm trong 1 năm với lãi suất là 6%/năm. Lãi suất không kỳ hạn là 0,1%/năm. Bạn rút trước hạn 6 tháng thì tính lãi như sau:
Nếu bạn rút toàn bộ khoản tiền gửi thì số tiền lãi nhận được là: 2.000.000.000 x 0,1%/12 x 6 = 1.000.000 đồng).
Nếu bạn rút 1 tỷ đồng trước hạn, còn lại 1 tỷ tiếp tục gửi cho đến khi đáo hạn. Tiền lãi sẽ là 60,5 triệu đồng, gồm tiền lãi trên số dư đã rút (1.000.000.000 x 0,1%/12 x 6 = 500.000 đồng) và tiền lãi trên số gốc còn lại (1.000.000.000 x 6% = 60.000.000 đồng)
Hiện nay, có 3 hình thức rút tiền tiết kiệm bao gồm: Rút tiền thông qua Mobile Banking của ngân hàng, rút tiền tiết kiệm tại cây ATM và rút trực tiếp tại quầy giao dịch ngân hàng.