Nhiều người vẫn giữ thói quen rửa thịt lợn sống thật kỹ bằng nước lã hoặc thậm chí dùng muối, giấm để “khử khuẩn”. Nhưng sự thật là cách làm đó lại đang vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan rộng hơn. Thậm chí, các chuyên gia an toàn thực phẩm còn cảnh báo rằng việc rửa thịt sai cách có thể khiến cả gian bếp trở thành ổ vi khuẩn tiềm ẩn. Đáng nói là hầu như chúng ta ai cũng mắc phải những thói quen "tưởng không sai mà sai không tưởng" này.
Rửa thịt trực tiếp dưới vòi nước
Rửa thịt trực tiếp dưới vòi nước có thể nói là cách mà hầu như ai cũng làm để loại bỏ bụi bẩn và máu thừa trên thịt. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, cách rửa này có thể khiến vi khuẩn từ thịt bắn ra xung quanh và lây lan sang các bề mặt, dụng cụ hay thực phẩm khác trong bếp. Đặc biệt, vi khuẩn như Salmonella và Campylobacter cũng rất dễ dàng lây lan theo cách này, từ đó làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng.
Sử dụng nước muối hoặc giấm để rửa thịt
Một số người chọn cách ngâm thịt lợn với muối, giấm hoặc rượu trắng trước khi nấu với hy vọng “tiệt trùng” tự nhiên. Nhưng thực tế, các phương pháp này chỉ có thể phần nào làm giảm mùi hôi hoặc loại bỏ tạp chất bề mặt chứ không thể tiêu diệt vi khuẩn có hại. Những loại vi sinh vật như Salmonella hay E.coli chỉ bị tiêu diệt hoàn toàn ở nhiệt độ cao (trên 70°C) chứ không dễ dàng bị loại bỏ bằng dung dịch ngâm thông thường.
Hơn nữa, việc ngâm thịt lâu trong giấm hay rượu đôi khi còn khiến protein bị biến tính, làm thay đổi mùi vị và kết cấu thịt, ảnh hưởng tới chất lượng món ăn mà hiệu quả “diệt khuẩn” thì không đáng kể.
Rửa thịt trong chậu hoặc thau nước
Bên cạnh đó, một số người chọn cách ngâm thịt trong chậu hoặc thau nước để làm sạch. Thế nhưng việc này không chỉ không loại bỏ được vi khuẩn mà còn tạo điều kiện cho chúng phát triển và lây lan sang các dụng cụ khác nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng. Việc sử dụng chung chậu rửa cho nhiều loại thực phẩm cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
Đặc biệt là khi bạn tiếp tục dùng chậu này rửa các loại rau ăn sống thì cũng hoàn toàn có thể dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Không vệ sinh dụng cụ và bề mặt sau khi rửa thịt
Sau khi rửa thịt, nhiều người quên hoặc bỏ qua việc vệ sinh các dụng cụ và bề mặt đã tiếp xúc với thịt sống. Điều này tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại và lây lan sang các thực phẩm khác, đặc biệt là thực phẩm ăn sống như rau, trái cây. Việc không vệ sinh kỹ lưỡng cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến vi khuẩn.
Không vứt bỏ bao bì đựng thịt ngay lập tức
Bao bì đựng thịt như khay xốp, túi nilon,... thường chứa nhiều vi khuẩn từ thịt sống. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến cáo những vỏ bao bì đựng thịt có thể gây nhiễm khuẩn chéo cho các loại thực phẩm khác, thậm chí cả tay bạn và bếp của bạn. Thế nên việc để bao bì bẩn trên bề mặt bếp hoặc gần các thực phẩm khác cũng là một thói quen nguy hiểm cần tránh. Cách tốt nhất là vứt bỏ chúng ngay lập tức, tuyệt đối không được tái sử dụng bao bì để đựng bất cứ loại thực phẩm nào khác để tránh nhiễm khuẩn.
Vậy rửa thịt lợn thế nào mới đúng cách?
Thay vì ngâm rửa thịt trong nước, cách xử lý an toàn và khoa học hơn là dùng khăn giấy hoặc giấy thấm sạch để lau khô bề mặt thịt, giúp loại bỏ máu thừa và chất dịch còn sót lại. Nếu thịt có mùi hôi nhẹ, bạn có thể rửa nhanh dưới vòi nước lạnh đang chảy để cuốn trôi chất bẩn, sau đó lau khô ngay bằng giấy sạch. Lưu ý không chà xát quá mạnh hoặc ngâm lâu vì điều đó sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn lan rộng và thấm sâu vào mô thịt.
Đặc biệt, sau khi sơ chế thịt sống, bạn cần rửa tay kỹ bằng xà phòng và vệ sinh sạch sẽ toàn bộ bề mặt, dụng cụ nhà bếp (dao, thớt, chậu rửa) để tránh lây nhiễm chéo sang các thực phẩm khác. Và quan trọng hơn cả là luôn đảm bảo thịt được nấu chín kỹ trước khi ăn - đây mới là “bức tường phòng thủ” cuối cùng giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại một cách hiệu quả nhất.
Nguồn: Tổng hợp