Được biết đến là công xưởng lớn nhất thế giới, ở Trung Quốc chẳng có thứ gì là không có. Ấy thế mà, người dân nước này lại dần chán nản với việc mua sắm ở trong nước, thay vào đó, họ đổ xô sang các nước bạn để thoả mãn thú vui tiêu tiền của mình.
Nếu như trước đây, giới nhà giàu Trung Quốc thường sang những quốc gia lân cận như Singapore hay Nhật Bản để mua sắm tại các trung tâm thương mại bề thế, thì vài năm trở lại đây, họ lại có xu hướng chuyển sang mảnh đất mới đầy hứa hẹn - những "thành phố vàng" của Mỹ trong truyền thuyết.
Người Trung Quốc hiện đang giảm mua sắm hàng hiệu trong nước và tích cực ra nước ngoài chi tiêu vào những món hàng xa xỉ. Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu hàng hóa xa xỉ bán ra tại Trung Quốc giảm 2%, nhưng số tiền người Trung Quốc bỏ ra để mua hàng hiệu ở nước ngoài lại tăng 10%. Cũng trong năm này, số lượng người Trung Quốc đi du lịch kết hợp mua sắm tăng đến 32%.
Ước tính mỗi năm có khoảng 2 triệu người Trung Quốc đến Mỹ, trong đó mỗi chuyến đi, khách du lịch đến từ quốc gia này tiêu xài nhiều hơn du khách từ các nước khác khoảng 7.200 USD (tương đương 162 triệu đồng). Ngoài ra, người Trung Quốc còn chiếm đến 31% trong 273 tỷ USD (tương đương 6 triệu tỷ đồng) tổng doanh số các mặt hàng cao cấp trên thế giới. Chính vì vậy, du khách Trung Quốc là nguồn khách hàng triển vọng của các công ty ở Mỹ.
Theo ghi nhận tại South Coast Plaza, quận Cam, California, Mỹ - trung tâm mua sắm có doanh thu cao nhất nước Mỹ, đợt mua sắm cao điểm ở đây thay vì là mùa Giáng sinh hay Tết Dương lịch như lịch nghỉ lễ của người phương Tây, thì lại bắt đầu từ dịp Lễ Tạ ơn cuối tháng 11 và kết thúc vào Tết Âm lịch của người châu Á.
Các cửa hiệu ở South Coast Plaza cũng đã bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng khi cho mannequin mặc trang phục xường xám truyền thống của người Trung Quốc, hay bày bán các loại áo thun in hình linh vật của năm âm lịch. Thậm chí, nhiều cửa hàng đã phải thuê thêm nhân viên bán hàng thông thạo tiếng Trung để tiếp đón những vị "Thượng đế" đến từ phương Đông. Đối với giới nhà giàu Trung Quốc, mua sắm là một cách giải trí, chứ không chỉ đơn thuần là lựa chọn một vài món đồ đắt tiền rồi thanh toán, chính vì vậy, phải biết cách khiến cho họ cảm thấy thoải mái và thích thú.
Trung tâm mua sắm Los Angeles Beverly còn đặc biệt nhanh nhạy khi gửi xe buýt đến Đại học California và Đại học Nam California vào sau mỗi dịp lễ khai giảng hay lễ tốt nghiệp của các trường Đại học. Đối tượng khách hàng mà họ nhắm đến là các gia đình Trung Quốc đưa con đến học ở Mỹ hoặc tới dự lễ tốt nghiệp của con mình.
Có nhiều lý do khiến Mỹ trở thành "miền đất hứa" của các du khách người Trung Quốc vừa có tiền lại nghiện mua sắm. Bởi đối với đa số người Trung Quốc, một chuyến đi Mỹ được xem là bằng chứng cho sự thành đạt. Thế nên trong mắt họ, ít ra cũng phải tới được San Francisco, Las Vegas, Grand Canyon hay New York thì mới có thể "ngẩng mặt lên nhìn bạn bè" được.
Bên cạnh đó, khi mua sắm tại Mỹ, người ta sẽ không phải lo ngại về vấn đề hàng giả, hàng nhái. Và tất nhiên, giá cả cạnh tranh cũng là một yếu tố quyết định, vì chẳng ai lại đi chối từ một món hàng chất lượng với giá cả cạnh tranh cả. Theo ước tính, hàng hóa xa xỉ bán ở Mỹ thường rẻ hơn so với ở Trung Quốc khoảng 35%.
Dù vậy, các nhãn hàng muốn thu hút được những người tiêu dùng Trung Quốc lắm tiền nhiều của không chỉ cần chú trọng vào chất lượng hay dịch vụ, mà còn phải tìm hiểu văn hoá và thị hiếu của quốc gia này thì mới thúc đẩy được doanh số tăng mạnh.
Ngoài ra, một thách thức nữa đang chờ đón các nhà sản xuất và bán lẻ trong những năm tới, đó là việc không ít khách du lịch Trung Quốc sẽ chuyển từ hình thức đi du lịch theo tour sang du lịch cá nhân. Hiện nay, khách hàng tiềm năng của người Mỹ chủ yếu là các nhóm du khách đi theo tour, vì vậy, khi hình thức du lịch thay đổi, cách tiếp cận cũ sẽ không còn phát huy được tác dụng.