Nếu có giải thưởng cho nền điện ảnh tích cực lấy đi nước mắt khán giả trong năm nay nhất, có lẽ phải thuộc về Hàn Quốc. Từ đầu năm cho đến nay, một loạt những tác phẩm khiến khán giả "vừa khóc vừa cười" liên tục trình làng. Chưa dừng lại ở bộ phim gần nhất Tươi Lên Đi Mr. Lee, Điều Ước Cuối Của Mẹ ra rạp trong cuối tháng 10 này lại một lần nữa khiến khán giả khó lòng kìm nén nước mắt.
1. Bối cảnh nhà tù quen thuộc, vừa xem vừa hồi tưởng Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7
Bộ phim năm ấy chúng ta cùng cười cùng khóc.
Bộ phim là cuộc hành trình của người con trai Ki Kang (Son Ho Jun), do không chịu nổi cuộc sống nhàm chán, đã từ bỏ quê nhà và gia đình để đến Seoul lập nghiệp. Trải qua nhiều biến cố, anh trở thành tử tù và chôn mình đằng sau song sắt. Trong những năm tháng khó khăn và tuyệt vọng nhất cuộc đời, tình yêu thương của mẹ như ánh sáng, xoa dịu nỗi bất an của Ki Kang. Cũng từ đó, nhiều tình tiết cảm động, bi thương khiến khán giả vừa xem vừa xót xa không cầm được nước mắt.
3 người 1 gia đình.
Tuy xây dựng cốt truyện và hình tượng nhân vật trong 2 bộ phim là khác nhau, nó vẫn có nhiều điểm tương đồng không thể chối cãi. Nếu trong Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7, hình ảnh người cha bị những tù nhân cùng phòng của mình ngược đãi, đánh đập, khán giả cũng sẽ nhìn thấy điều tương tự ở Điều Ước Cuối Của Mẹ. Hơn thế nữa, hành trình tìm lại mạng sống cho con của người mẹ Soon Ok (Kim Hae Sook), khiến khán giả nhớ lại sự mải miết tìm kiếm công lý của con gái cho cha mình trong bộ phim năm 2013. Nói là vậy, mỗi bộ phim đều có cách khai thác tâm lý nhân vật khác nhau: day dứt, nghẹn ngào cho Điều Ước Cuối Của Mẹ, xót xa, thương cảm cho Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7.
Đội bạn tù trong Điều Ước Cuối Của Mẹ.
2. Diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội, chỉ cần thấy Mẹ là tự động "chuẩn bị khăn giấy"
Được mệnh danh là người phụ nữ đa đoan trên các bộ phim truyền hình, Kim Hae Sook đã thực sự thể hiện mượt mà vai diễn người mẹ thương con Soon Ok trong Điều Ước Cuối Của Mẹ. Từ những phân cảnh nghe tin con mình bị bắt, đến lúc hiểu lầm rằng Ki Kang đã ra đi, không phân cảnh nào có thể khiến khán giả thản nhiên bỏ qua cho được. Đạo diễn Kang Ji Eun đã rất chú trọng phát triển những phân cảnh "tự thân" của người mẹ. Nhìn bà dồn hết tâm sức gói đồ ăn cho con trai, lủi thủi một thân bắt xe đi xa hàng trăm cây số, hay cố gắng học chữ để có thể viết thư dân nguyện, thư tay cho con trai, không ai không khỏi xót xa và nghẹn ngào. Có thể nói vui rằng, nếu bộ phim có 10 phân cảnh cảm động, hẳn người ta khóc vì người mẹ Sook Ok này chiếm đến 8 phần.
Dù là ở biểu cảm nào, khán giả xót xa khi hình ảnh mẹ Soon Ok xuất hiện.
Bên cạnh đó, lối diễn xuất dí dỏm và sâu lắng của dàn tù nhân sống cùng Ki Kang trong phòng giam cũng được xem là giúp bộ phim thành công thêm một bước. Tuy vậy, biểu cảm của nam diễn viên chính Son Ho Jun (Ki Kang) có điểm không được tự nhiên như mong đợi. Có thời điểm, khán giả sẽ dễ dàng bật cười vì biểu cảm trong những khoảnh khắc cảm động của người con Ki Kang này.
Diễn xuất của Son Ho Jun có phần không được tự nhiên như mong đợi.
3. Tình mẫu tử thiêng liêng đấy, nhưng sợi dây gắn kết mẹ - con còn lỏng lẻo không ngờ
Tình cảm gia đình là đề tài không bao giờ cũ trên phim ảnh. Đối với Điều Ước Cuối Của Mẹ, khán giả sẽ được chiêm nghiệm những thông điệp gia đình quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, bộ phim vẫn có điểm trừ khi bỏ qua, không khai thác nhiều vào việc tạo dựng sợi dây liên kết mẹ - con ở ngay đầu phim. Thay vào đó, ở nửa đầu phim, khán giả cảm thấy nhàm chán khi đạo diễn chú trọng vào Ki Kang, bạn bè, trường học, mặc cho điều này càng về sau càng nhạt dần trong lối dẫn dắt của kịch bản.
Cuộc sống êm đềm sinh ra nhàm chán.
Có thể nói, đạo diễn muốn khắc học một cách rõ nét cuộc sống nhạt toẹt của Ki Kang ở quê, từ đó khiến khán giả hiểu ra động lực giúp anh bỏ gia đình xa xứ. Tuy nhiên, nếu cân bằng hơn một chút và xây dựng thêm nhiều hơn hình ảnh mẹ - con bên nhau ngay từ đầu phim, khán giả xem phim sẽ còn có cơ sở để so sánh cuộc sống khác biệt nửa đầu phim, và nửa cuối phim.
4. Chú trọng quá sâu vào 2 nhân vật chính, kịch bản phim sắp đặt và không giải quyết được nhiều câu hỏi
Lối kịch bản sắp đặt trong các bộ phim bi kịch Hàn Quốc được cho là một trong những điểm trừ từ trước tới nay. Theo công thức đó, một bộ phim càng sắp đặt được càng nhiều "drama", khiến khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc sẽ càng thành công. Tuy vậy, đối với Điều Ước Cuối Của Mẹ, việc chú trọng quá lộ liễu vào 2 mẹ con và những tình tiết cảm động xoay quanh nhằm lấy nước mắt khán giả. Phim quên đi một loạt những nhân vật phụ khác, để lại cho khán giả những dấu chấm hỏi to đùng trong đầu.
Người chú thân thiết nhất của Ki Kang là ai, làm gì? Không ai biết!
Việc cả 4 người ra hầu tòa, trong đó có 1 người bạn của Ki Kang, nhưng phim chỉ chú trọng đến cậu mà quên mất người bạn đã trải qua thời thanh xuân, hơn nửa đầu phim của mình. Cậu sẽ ra sao? Liệu có may mắn thoát án tử được như Ki Kang? Băng nhóm cầm đầu, người dàn dựng hiện trường giả để bắt Ki Kang liệu có sa vào lưới pháp luật? Hay thân thuộc hơn, khán giả vẫn không có một chút hiểu biết gì về người chú tử tù bạn của Ki Kang trong phòng giam, dù anh ta là người thân với Ki Kang nhất. Bên cạnh đó, một số nhân vật xuất hiện nhưng không có vai trò nhất định gì khiến họ trở nên có phần thừa thãi.
5. Mượn cái riêng để "đá xéo" cái chung, từ tình mẹ mà thấy được cả bức tranh xã hội đương thời
Ngay từ đầu phim, khán giả sẽ đặt ngay câu hỏi về tựa đề tiếng anh của bộ phim, tại sao lại là "The Big Shot". Nghe thì vô lý nhưng lại rất thuyết phục với tựa đề việt Điều Ước Cuối Của Mẹ. Theo như bộ phim, The Big Shot tức chỉ những người vĩ đại, sẽ làm nên những việc lớn lao cho xã hội. Ngay khi còn trẻ, Ki Kang đã được khen là sẽ trở thành vĩ đại, và suy nghĩ ấy đã ngấm vào đầu anh, hình thành nên con đường tăm tối mà anh lỡ dấn thân vào. Đây cũng được xem là tâm lý chung của xã hội, lúc nào cũng nghĩ mình cao sang, trên quyền và hơn người khác. Những "người vĩ đại" thường nghĩ đến những thứ xa vời, trong khi điều giản dị trước mắt lại không biết trân trọng.
Bên cạnh đó, tính cộng đồng được thể hiện rất rõ trong phim. Một người mắc tội, cả làng được phen khinh ra mặt, và xấu hổ mỗi khi nhắc đến tên họ. Đây là tâm lý chung của người phương Đông, cuộc sống của mỗi người luôn bị xã hội, làng xóm tác động, chứ chẳng thể là của riêng mình. Không những vậy, lấy bối cảnh những năm 1990, phim còn phê phán những quản ngục ác độc trong các nhà tù thời hiện giờ và các chính sách truy quét tội phạm vô tội vạ.
Tóm lại, Điều Ước Cuối Của Mẹ là một bộ phim không quá xuất sắc nếu so với những tác phẩm cùng đề tài. Việc chú trọng sâu vào tình cảm mẹ con khiến bộ phim trở nên có phần không tự nhiên và mượt mà như mong đợi. Tuy vậy, nếu là một fan của thể loại "ngược tâm", thích khóc ròng trong rạp thì nhất định phải xem phim này.
Trailer "Điều Ước Cuối Của Mẹ"
Phim chính thức được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 25/10.