Vào năm ngoái, vụ việc của một nữ sinh tên Tiểu Lệ (16 tuổi) ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã gây bàng hoàng trong dư luận. Cô bé bị một nam sinh cùng bàn dùng bút đâm xuyên vào chân. Khi nghe qua, ai cũng nghĩ nó chỉ đơn giản là một trò đùa vui của bạn bè với nhau mà thôi. Ban đầu, thầy cô và mọi người cũng đều nghĩ như vậy.
Thế nhưng trò đùa đó đi quá xa.
Khi nhìn những bức ảnh do phóng viên chụp, có thể thấy chân trái của Tiểu Lệ đầy những đốm máu lớn nhỏ từ trên xuống dưới, trên eo và bụng của cô cũng có vài vết bầm tím rõ ràng. Nếu nhìn kỹ hơn, rõ ràng vết thương cũ chưa lành mà vết thương mới lại thêm vào, điều này cho thấy cậu bé bên cạnh đã "trêu đùa" cô một cách thô bạo được một thời gian. Đây chắc chắn không phải là một "trò đùa".
Điều càng chứng tỏ hành vi bạo lực này là chẩn đoán từ bệnh viện cho thấy Tiểu Lệ "có xu hướng rối loạn tâm thần nhẹ và cần dùng thuốc". Trước đó, khi lần đầu lên tiếng giải thích vụ việc, nhà trường nói hai em có "mối quan hệ rất tốt" và nam sinh có thói quen nghịch ngợm "cầm bút đâm bất cứ ai không chú ý trong lớp". Chỉ khi truyền thông và cảnh sát vào cuộc, người ta mới biết Tiểu Lệ đã bị bạo lực học đường nghiêm trọng đến thế nào.
Trong môi trường trường học, việc các học sinh trêu đùa hay thậm chí có xích mích nhỏ với nhau là chuyện bình thường. Thế nhưng tuyệt đối không thể đánh đồng bắt nạt học đường với "đùa cho vui". Đôi khi, những hành vi bắt nạt thực sự "vui" với kẻ bắt nạt, nhưng với nạn nhân, đó là một cơn ác mộng.
Cả nhà trường, thầy cô trong câu chuyện đều có trách nhiệm về những tổn thương về thể xác lẫn tâm lý mà Tiểu Lệ đã phải chịu đựng. Khi em dám lên tiếng cho mình, đã không ai tin và cho rằng nữ sinh quá nhạy cảm nên làm quá vấn đề. Kết luận đây chỉ là "đùa" mà nhà trường đưa ra không phải là sự thật mà chỉ là sự che đậy nhằm biến vấn đề lớn mà họ phải giải quyết thành chuyện nhỏ.
Trên thực tế, chính vì nhà trường không đối mặt với nạn bạo lực học đường trong khuôn viên trường nên đã gián tiếp khuyến khích cậu bé thực hiện hành vi của mình. Nếu nhà trường có thể "điều tra" kỹ lưỡng nam sinh sớm hơn, hậu quả đã không nghiêm trọng đến vậy.
Đặc biệt sau khi truyền thông đưa tin, thay vì coi đó là lời cảnh cáo, người lớn vẫn cố gạt bỏ sự việc như một "trò đùa". Lý do được đưa ra là để bảo vệ sự riêng tư và tâm lý của trẻ em. Nhà trường lập luận nam sinh trong câu chuyện cũng chưa đủ tuổi vị thành niên, còn thiếu chín chắn và mức độ tổn hại gây ra chưa đến mức gây chấn thương lâu dài nên phải cần được giáo dục, hướng dẫn trong bình yên. Tuy nhiên, bảo vệ không có nghĩa là che chở. Chỉ khi nào kẻ bắt nạt dám dũng cảm đối mặt với vấn đề, thừa nhận hành vi sai trái của mình và biết bản thân có lỗi thì em mới có thể thực sự ăn năn và thay đổi. Nếu không, sau một thời gian bị khiển trách, tính cách hung hãn cũ có thể lại trở lại.
Đâu là ranh giới giữa những trò “nghịch dại” và bạo lực học đường?
Trong thời đại bạo lực học đường hoành hành hiện nay, nếu chúng ta không để ý và có biện pháp ngăn chặn thích hợp thì chắc chắn vấn nạn sẽ không bao giờ được dập tắt. Nếu những cậu bạn cùng bàn như của Tiểu Lệ không bị lên án, không được giáo dục lại, nếu vẫn cứ coi đó là một "trò đùa" thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở đoạn các nạn nhân có một tuổi trẻ ám ảnh. Trong tương lai, những đứa trẻ mang tâm lý lệch lạc vẫn sẽ tiếp tục "làm điều ác" và đây là một cái kết vô cùng đáng sợ.