Quyển sách của thầy Đại hay ngôi trường của Tottochan: Tại sao ta chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều nhưng lại tấn công những thay đổi giúp cuộc sống tốt đẹp hơn?

Diệp Không Hề Béo; Design:, Theo Trí Thức Trẻ 11:47 13/09/2018
Chia sẻ

Kiến thức là trời biển, sự hiểu biết của con người dẫu uyên thâm đến đâu cũng chỉ bé xíu như một con kiến mà thôi. Và tại sao chúng ta lại lên án những điều đổi mới, trong khi chưa chắc đã biết nó có thật sự "không ổn" hay không?

 Tôi vẫn còn nhớ cái không khí trước mỗi tiết văn trong lớp, đám học sinh sẽ túm 5 tụm 3 để ngồi tranh nhau quyển sách “Để học tốt Văn học”. Ngày đó, sách “Để học tốt” là cứu cánh cho bất cứ đứa học sinh nào, bởi chỉ cần chép tóm tắt và gạch đầu dòng trong sách, ít nhất bạn cũng có thể được 6 điểm. 

Giờ Văn sau đó sẽ là lúc để cô giáo kiểm tra miệng về cảm nhận của em trước câu thơ/ đoạn văn của tác giả, và nếu chẳng may đứa học trò có những cảm xúc khác đi, thì giáo viên hẳn nhiên cũng sẽ hướng cả lớp về với một đáp án chung cuối cùng - đáp án trong cuốn sách Để học tốt.

Quyển sách của thầy Đại hay ngôi trường của Tottochan: Tại sao ta chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều nhưng lại tấn công những thay đổi giúp cuộc sống tốt đẹp hơn? - Ảnh 2.

Hãy nhớ lại không khí ấy, và nhớ rằng chúng ta đã từng ngáp ngắn dài trước những tiết học thụ động ấy như thế nào. Hãy nhớ chúng ta đã khát khao sự thay đổi, khát khao những cách học mới, mong chờ những thầy cô giáo với tư duy cởi mở, hiện đại và trân trọng sự khác biệt trong tâm hồn của những đứa trẻ ra sao.

Hãy nhớ lại tất cả những cảm giác ấy, và nhìn lại câu chuyện về bảng chữ cái “vuông, tam giác", về cách chúng ta đối xử với cái mới, với sự thay đổi, với sự cởi mở và tình cảm chân thành của một nhà giáo lớn trong những ngày vừa qua. Hãy nói xem, bạn có thấy sự mâu thuẫn ở đây không?

 Thật ra, thế giới này đầy những kẻ mâu thuẫn. Một thế giới đầy những kẻ bi quan, buồn chán với thực tại. Họ kể những câu chuyện, nói về những con người tiêu cực như một bằng chứng về sự xuống dốc của những đời sống hiện đại. Họ quan tâm đến mọi thứ, bất bình với mọi thứ và không hài lòng với mọi thứ.

Dẫu vậy, họ lại là những kẻ mâu thuẫn với chính bản thân mình.

Họ luôn miệng than phiền về cuộc sống xung quanh nhưng chẳng hề mảy may nghĩ đến việc tìm cách để khiến nó tốt đẹp hơn. Họ chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều, nhưng lại sẵn sàng tấn công những người tiên phong tìm kiếm cái mới. Họ cười ngặt nghẽo chê bai sự giống nhau, nhưng sẵn sàng cô lập những cá thể đặc biệt. Họ nói và hành xử như thể đã đủ am tường và thấu hiểu mọi thứ, nhưng rồi mọi lời thốt ra đều chỉ thể hiện sự hạn hẹp trong trí óc của mình.

“… Có mắt mà không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai mà không thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý, chưa cảm kích thì chưa thể cháy hết mình…”

Quyển sách của thầy Đại hay ngôi trường của Tottochan: Tại sao ta chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều nhưng lại tấn công những thay đổi giúp cuộc sống tốt đẹp hơn? - Ảnh 4.

Chắc hẳn, những ngày qua, chúng ta đều từng nghe ai đó nhắc đến thầy hiệu trưởng Kobayashi của trường Tomoe trong cuốn sách Tottochan cô bé ngồi bên cửa sổ. Thầy Kobayashi có thật nhiều điểm tương đồng với giáo sư Hồ Ngọc Đại, về cách giáo dục và yêu thương trẻ nhỏ, tôn trọng sự sáng tạo, tâm hồn cởi mở của các em, và cả một ngôi trường mà các thầy lấy những quan điểm đó làm chân lý để dạy học.

Ở trường Tomoe, thầy Kobayashi dựng các toa tàu làm lớp học, mời bác nông dân làm ruộng ở gần suối làm “giáo viên dạy nông nghiệp", thầy có thể nghe Tottochan nói chuyện trên trời dưới biển trong suốt 4 tiếng mà không biết chán, học sinh đến lớp chẳng có thời khoá biểu, môn nào thích thì học trước, môn nào không thích thì đẩy xuống sau cùng… 

Quyển sách của thầy Đại hay ngôi trường của Tottochan: Tại sao ta chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều nhưng lại tấn công những thay đổi giúp cuộc sống tốt đẹp hơn? - Ảnh 5.

Ở vào thời điểm tác giả cuốn sách theo học trường Tomoe, mô hình dạy học đó thật kỳ lạ và khác hoàn toàn với những gì người ta vẫn làm. Thế nhưng, những đứa trẻ ở trường Tomoe lại là những đứa trẻ hạnh phúc nhất, say mê kiến thức nhất, vui vẻ và tự tin nhất. Như chính tác giả của cuốn sách đã viết: “Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho".

Thầy Kobayashi, trường Tomoe, hay ngay cả giáo sư Hồ Ngọc Đại chính là những câu chuyện, những con người đã luôn tìm cách để thay đổi, để khiến cuộc sống xung quanh mình tốt đẹp hơn - từ đúng những gì mà họ tin tưởng. Nếu như cách đây hàng chục năm, người ta có thể hoài nghi với cách dạy học của thầy Kobayashi, thì bây giờ - gần như cách dạy học mà ở đó người thầy giáo, cô giáo tôn trọng cảm xúc và cá tính của trẻ nhỏ, sự sáng tạo của các em - đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, thậm chí còn được coi như điều kiện tiên quyết để giáo dục trẻ nhỏ.

Sự khác biệt, sự thay đổi xứng đáng được nhìn nhận một cách trân trọng, bởi rất có thể - nó sẽ góp phần trong dòng chảy mới mẻ đang giúp cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, dù ít hay nhiều.


 Khi những hình ảnh đầu tiên về phương pháp dạy học của giáo sư Hồ Ngọc Đại lan tràn trên mạng, ở khắp nơi, chúng ta chỉ nhìn thấy những lời nhẹ thì trêu chọc, nặng thì miệt thị, xúc phạm, thậm chí nguyền rủa cách dạy học, những học sinh đã theo phương pháp này - và cả người giáo sư đã nghiên cứu đưa nó vào chương trình dạy. Hiếm có ai chịu dừng lại tìm hiểu, hoặc đọc một cách cặn kẽ về phương pháp đó - ít nhất như một cách thể hiện sự quan tâm tương xứng với cơn phẫn nộ mà họ đang thể hiện qua lời nói trên mạng xã hội của mình.

Những kẻ lên án đó, họ kiêu ngạo đến mức đủ hài lòng với những gì mà đầu óc mình đã biết, hoài nghi và từ chối tiếp nhận những kiến thức mới mẻ chỉ bởi đó là điều họ mới thoạt nghe qua. Họ không tin những gì họ chưa từng trải nghiệm. Đứng trước biển kiến thức rộng lớn và vĩ đại, họ như đứa trẻ chỉ chơi bên mép nước mà không chịu vươn ống nhòm nhìn ra xa để nhận ra còn cả nghìn dặm bao la phía trước.

Quyển sách của thầy Đại hay ngôi trường của Tottochan: Tại sao ta chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều nhưng lại tấn công những thay đổi giúp cuộc sống tốt đẹp hơn? - Ảnh 7.

“Virginia, các bạn cháu nói không đúng. Những người như họ luôn hoài nghi mọi thứ. Họ chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy và hiểu được, mặc dù trí óc của họ nhỏ bé biết bao. Virginia à, trí tuệ của con người, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều nhỏ bé. Trong vũ trụ vĩ đại mà chúng ta đang sống, nếu ta hình dung chân lý rộng lớn như là một không gian bao la thì kiến thức của con người chỉ nhỏ nhoi bằng một con kiến mà thôi."

Đó là một đoạn nhỏ trong bức thư nổi tiếng có tên: “Yes, Virginia, there is Santa Claus” mà tôi đã chợt nghĩ đến khi nhìn thấy những gì diễn ra trên MXH vài ngày qua. Cô bé 8 tuổi Virginia O'hanlon viết thư gửi tới tờ NewYork Times, với câu hỏi: “Liệu trên đời có ông già Noel thật hay không?” và được BTV Francis Pharcellus của tờ báo hồi đáp với một bức thư dài đầy sự quả quyết. 

Phải, đứng trước sự kỳ diệu của kiến thức, của nhân loại, liệu có ai dám vỗ ngực khẳng định rằng: Ông già Noel không có thật trên đời. Tôi tin rằng, giữ cho mình sự khiêm nhường trước kiến thức sẽ giúp chúng ta sẵn sàng mở rộng lòng mình với những điều mới, biết lắng nghe và tôn trọng mọi sự khác biệt - ngay cả khi nó khác đến mức đi ngược lại những gì chúng ta đã từng biết.

Làn sóng phản đối giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉ thực sự lắng xuống, khi tất cả những vị học giả, những người đã từng là học sinh của môn Công Nghệ Giáo Dục lên tiếng giải thích, và chính thầy Đại chia sẻ hết phương pháp cũng như những quan điểm sâu sắc của mình về giáo dục. Đã có những người đứng lên xin lỗi, đã có những người chân thành thừa nhận sự hạn hẹp trong tầm nhìn của bản thân để đánh giá sai lầm về một môn học, một nhà giáo. Nhưng, những người đó liệu là bao nhiêu phần trăm trong số hàng trăm nghìn lời xin lỗi từ hàng vạn lời sỉ vả đã được buông ra, bao nhiêu phần trăm trong số đám đông cuồng nộ, thiếu suy nghĩ ấy?

Quyển sách của thầy Đại hay ngôi trường của Tottochan: Tại sao ta chế nhạo sự cũ kỹ, giáo điều nhưng lại tấn công những thay đổi giúp cuộc sống tốt đẹp hơn? - Ảnh 8.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày