Quy định mới về vận động, tiếp nhận từ thiện: Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm giám sát

Minh Đức, Theo Tiền Phong 14:20 01/11/2021
Chia sẻ

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, khi áp dụng quy định tại Nghị định 93, Mặt trận Tổ quốc vừa làm nhiệm vụ vận động, vừa giám sát các tổ chức, cá nhân khác đi vận động. Mặt trận có vai trò rất lớn trong việc giám sát.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Nghị định 64/2008/NĐ-CP (Nghị định 64), việc làm từ thiện gồm: Mặt trận, Hội chữ thập đỏ và các quỹ từ thiện. Như vậy, nó đảm bảo cho công tác quản lý, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, từ truyền thống dân tộc, lan toả “tinh thần tương thân tương ái” nên ai cũng được làm việc tốt. Bằng chứng là thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đứng ra vận động từ thiện, nếu chiếu theo Nghị định 64 thì không đúng. Nhưng chúng ta không thể ngăn cản truyền thống dân tộc, lòng trắc ẩn, việc làm có ích, việc làm cao đẹp được.

Chính vì thế, Nghị định 93/2021/NĐ-CP (Nghị định 93) ra đời, khơi dậy, giải toả giúp mọi cá nhân, tổ chức đều được huy động nguồn lực xã hội, kịp thời giúp người dân khó khăn, bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh.

Quy định mới về vận động, tiếp nhận từ thiện: Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm giám sát - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thưa bà, theo quy định mới, tổ chức, cá nhân phải lập tài khoản riêng, niêm yết tại UBND, như vậy có kéo dài thời gian, dẫn tới không kịp thời?

Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta không thực hiện biện pháp chặt chẽ để kiểm soát thì dễ rơi vào tình trạng lợi dụng, còn chậm một chút so với yêu cầu thực tiễn nhưng mọi việc rất minh bạch.

Nghị định 93 quy định, cá nhân phải đăng ký trong thời gian từ 1 - 3 ngày về số tài khoản, nơi tiếp nhận, hình thức tiếp nhận trước khi tiếp nhận nguồn từ thiện. Trong 3 ngày đó, anh làm hết thủ tục rồi thì anh sẽ sẵn sàng nhận tiếp nhận của xã hội để làm thiện nguyện. Tôi nghĩ thời gian hỗ trợ cho một vụ thiên tai không phải chỉ vài ngày, có khi kéo dài cả tháng nên cần chặt chẽ, yêu cầu đó sau này sẽ dễ kiểm soát và minh bạch.

Với quy định mới, tôi hy vọng người vận động từ thiện có trách nhiệm đăng ký với chính quyền địa phương, mở tài khoản ngân hàng cho từng nội dung vận động. Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát, tránh tình trạng trục lợi, đồng thời khuyến khích được tổ chức, cá nhân có tâm làm việc thiện.

Khi cá nhân, tổ chức được vận động từ thiện, Mặt trận Tổ quốc sẽ giữ vai trò gì trong công tác này?

Khi áp dụng quy định tại Nghị định 93, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa làm nhiệm vụ vận động, vừa giám sát các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân khác. Nhưng việc giám sát sẽ “khó” cho Mặt trận, bởi Trung ương biên chế có hạn, cán bộ địa phương theo dõi việc này thì mỏng.

Nghị định 93 yêu cầu cá nhân phải mở tài khoản, công khai trên phương tiện truyền thông về số tiền, hiện vật huy động được sau 15 ngày từ khi kết thúc tiếp nhận. Việc sử dụng ra sao, cho đối tượng nào phải công khai sau 30 ngày khi kết thúc phân phối. Những nội dung này còn phải niêm yết 30 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi người làm từ thiện cư trú.

Ngoài ra, Điều 18, Nghị định 93 quy định: Chậm nhất 3 ngày từ khi thông báo, UBND nơi nhận hỗ trợ phải hướng dẫn phạm vi, đối tượng, thời gian phân phối nên trong thời gian đó, cá nhân đi từ thiện có thể hoàn thành các thủ tục khác.

Trước không quy định thì mình không kiểm soát, ai sai người đó chịu. Giờ, đối tượng rộng, nhân lực không có, nhưng phải giám sát nên Mặt trận có vai trò rất nặng nề. Giả sử có người vận động được 100 tỷ đồng từ thiện nhưng chiếm dụng vào số tiền đó thì Mặt trận cũng có trách nhiệm.

Thời gian gần đây, dư luận nghi ngờ tính minh bạch trong thực hiện từ thiện của một số cá nhân nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về sự minh bạch cũng như tính chính danh của các tổ chức. Về phía Mặt trận Tổ quốc, bà có ý kiến gì về việc này?

Đối với Mặt trận Tổ quốc, từ trước đến nay chúng tôi đều công khai về kế hoạch trước và sau khi làm từ thiện; công khai số tài khoản, công khai về địa phương khi Mặt trận hỗ trợ; báo cáo, xin chủ trương các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tạo được sự thống nhất đồng thuận; báo cáo với Chính phủ về đợt vận động, kết quả được bao nhiêu, đã hỗ trợ thế nào, công khai minh bạch ra sao. Đối với các tỉnh, thành thì báo cáo với Trung ương Mặt trận Tổ quốc và UBND tỉnh để theo dõi, kiểm soát nguồn lực.

Ngoài ra, định kỳ 3 năm kiểm toán một lần toàn bộ nguồn vận động của nhân dân, dù việc làm này không bắt buộc.

Xin cảm ơn bà!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày