Quốc gia nghèo Nam Mỹ liệu trở nên giàu có nhất thế giới trong 6 năm tới?

Bảo Hà, Theo Báo Tin tức 09:21 13/05/2019

Guyana hy vọng sẽ có một cú bùng nổ về ngành khai thác dầu mỏ, từ đó trở thành bệ phóng giúp quốc gia nghèo thứ hai Nam Mỹ này đứng đầu trong danh sách các nước giàu có nhất châu lục và thậm chí trên toàn thế giới.

Quốc gia nghèo Nam Mỹ liệu trở nên giàu có nhất thế giới trong 6 năm tới?  - Ảnh 1.

Việc phát hiện lượng dữ trữ dầu mỏ khổng lồ tại Guyana có thể thay đổi tương lai của quốc gia. Ảnh: BBC

Nhưng liệu Guyana có thể tránh được "lời nguyền dầu mỏ" và đảm bảo sự giàu có của quốc gia mang lại lợi ích cho toàn người dân trong nước.

“Rất nhiều người vẫn chưa nhận ra chuyện này lớn thế nào. Đến năm 2025, GDP sẽ tăng 300% đến 1.000%. Đó là một con số khổng lồ. Đây sẽ trở thành quốc gia giàu nhất khu vực và có tiềm năng giàu nhất thế giới”, cựu Đại sứ Mỹ tại Guyana Perry Holloway trả lời phóng viên tại thủ đô Georgetown tháng 11 năm ngoái.

ExxonMobil, tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ, cho biết họ đã phát hiện nguồn dầu mỏ có thể đóng thành 5,5 tỷ thùng nằm sâu dưới lòng Đại Tây Dương trong lãnh hải Guyana.

“Lời nguyền dầu mỏ”

Tuy nhiên, bài học lịch sử có thể là lời cảnh báo cho Guyana. Những lần phát hiện nguồn năng lượng khổng lồ tại các quốc gia đang phát triển trước đây đều khiến vấn nạn tham nhũng gia tăng, lợi nhuận từ nguồn dầu bị lãng phí và lấy cắp.

Tại Guyana, “tham nhũng là không kiểm soát được”, Troy Thomas – người đứng đầu tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế - nhận xét. Vị chuyên gia này rất “lo ngại” về lời nguyền dầu mỏ. Khủng hoảng chính trị trong một vài tháng trở lại đây được coi là dấu hiệu ban đầu của “lời nguyền”.

Sau khi liên minh cầm quyền thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 12/2018, nhiều cuộc biểu tình trong nước nổ ra.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia trải qua tình huống tương tự. Họ có tất cả từ nguồn thu dầu mỏ và rất nhiều nước trở nên tồi tệ hơn so với trước lúc phát hiện ra dầu”, Vincent Adams – người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trưởng Guyana – cho biết.

Theo quan điểm của ông Adams, yếu tố then chốt để Guyana không đi vào vết xe đổ của những nước khác là: "Giáo dục, giáo dục - giáo dục là nền tảng. Đó là sự đầu tư tốt nhất mà bất kỳ quốc gia nào cũng nên thực hiện".

Ông đang đứng đầu một dự án cải thiện khoa kỹ thuật dầu mỏ tại Đại học Guyana, cái nôi đào tạo bậc đại học lớn nhất đất nước. Nhưng việc chuẩn bị cho thế hệ Guyana trẻ trước sự bùng nổ ngành công nghiệp mới sinh lợi không hề đơn giản.

"Thật không may, chúng tôi không có đủ phòng thí nghiệm được trang bị cho chương trình đào tạo kỹ thuật dầu mỏ", Elena Trim – trưởng khoa đào tạo tại Đại học Guyana - bày tỏ.

Bên cạnh đó, việc thu hút các tài năng học thuật trẻ là một thử thách nhưng cũng có một vài dấu hiệu khởi sắc. "Lương của chúng tôi không cao đến vậy. Các học sinh nộp đơn vào Đại học Guyana khi được nghe về số lương chúng tôi nhận được, họ cho biết không muốn nhận công việc này".

Hai năm trước, 10 sinh viên tốt nghiệp khoa đã được một công ty nhận về làm việc. Năm ngoái, cùng công ty đó, lượng cầu đã tăng lên gấp đôi.