Brunei Darussalam là một quốc gia thuộc Đông Nam Á, là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo trang web của Liên Hợp Quốc, nước này nằm ở phía Tây Bắc của đảo Borneo. Phía Bắc giáp biển và tất cả các phía còn lại giáp Bang Sarawak của Malaysia.
Brunei Darussalam được chia thành 4 huyện là Brunei/Muara, Tutong, Belait và Temburong. Bandar Seri Begawan, thuộc Brunei/Muara, là thủ đô của Brunei Darussalam với diện tích khoảng 16km2.
Các đô thị quan trọng khác là Muara, cách Bandar Seri Begawan khoảng 41km về phía đông bắc, nơi có cảng chính, Seria là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí, và Kuala Belait, Pekan Tutong và Bangar là trung tâm hành chính của các huyện Belait, Tutong và Temburong.
Nền kinh tế của Brunei gần như hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Mặc dù doanh thu từ dầu khí đã mang lại cho Brunei mức thu nhập bình quân đầu người cao top đầu ở Châu Á, nhưng chúng cũng khiến đất nước phụ thuộc vào một mặt hàng duy nhất chịu sự biến động của thị trường, theo Britannica.
Ngoài ra, Brunei phải dựa vào nhập khẩu hầu hết thực phẩm. Trong nỗ lực đảm bảo sự ổn định kinh tế của đất nước, kể từ cuối thế kỷ 20, chính phủ đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách phát triển các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nông nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ tài chính.
Trong Kế hoạch phát triển quốc gia lần thứ 7, Chính phủ Brunei Darussalam đã phân bổ hơn 7,2 tỷ USD để thực hiện nhiều dự án và chương trình khác nhau.
Brunei Darussalam là nước sản xuất dầu lớn thứ ba ở Đông Nam Á, với sản lượng 163.000 thùng mỗi ngày. Đây cũng là nước sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng lớn thứ tư trên thế giới.
Gần như toàn bộ dầu mỏ và khí thiên nhiên của nước này được sản xuất từ các mỏ ngoài khơi và được xuất sang các nước châu Á. Một nhà máy lọc dầu giúp cung cấp nhu cầu nội địa; năng lượng của đất nước được tạo ra gần như hoàn toàn từ nhiên liệu hóa thạch.
Nông nghiệp, đánh bắt cá và lâm nghiệp, từng là trụ cột của nền kinh tế Brunei, đã suy giảm tầm quan trọng sau khi phát hiện ra nguồn tài nguyên dầu mỏ vào những năm 1920.
Đến cuối thế kỷ 20, ba hoạt động này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng một bộ phận nhỏ lực lượng lao động.
Nhận thấy nhu cầu đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sản xuất dầu mỏ cũng như giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhập khẩu lương thực, sau đó chính phủ đã bắt tay vào một chương trình phát triển ngành nông nghiệp.
Đến đầu thế kỷ 21, Brunei đã tự cung tự cấp về sản xuất gia cầm và trứng và đang tiến tới tự cung tự cấp về rau. Mặc dù gạo trồng tại địa phương vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu trong nước, nhưng sản lượng đã tăng đáng kể.
Brunei là một trong những quốc gia tiêu thụ cá bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Trong nỗ lực hạn chế nhập khẩu, chính phủ đã triển khai các chương trình kích thích nghề cá địa phương. Trong vòng một thập kỷ, Brunei đã sản xuất nhiều cá trong nước hơn lượng cá nhập khẩu.
Theo báo cáo hồi quý 3/2024 của Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei Darussalam, nền kinh tế Brunei Darussalam đã tăng trưởng 6% trong quý 3 năm 2024, nhờ vào sự cải thiện trong cả lĩnh vực Dầu khí và Phi dầu khí.
Trong khi đó, cũng theo cơ quan này, năm 2023, Brunei Darussalam tăng trưởng GDP ở mức 1,4%.
Brunei Darussalam là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2023, GDP của quốc gia này đạt 15,1 tỷ USD; bình quân đầu người đạt hơn 32.900 USD. Theo thống kê của Worldometers, GDP đầu người của Brunei Darussalam đứng thứ 7 thế giới.
Năm 2022, GDP bình quân đầu người của Brunei là 37.152 USD, cao thứ hai ở Đông Nam Á. GDP bình quân đầu người của Brunei thuộc top cao nhất ở Châu Á. Brunei là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, với dân số chưa đến nửa triệu người.
Theo báo cáo của IMF, nền kinh tế của Brunei Darussalam dự kiến sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2025 và 3,1% vào năm 2029.
Còn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Vương quốc Hồi giáo này tăng trưởng 2,8% vào năm nay.