Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, quận Hoàn Kiếm nằm trong diện sáp nhập giai đoạn tới đây. Vậy Hà Nội đã gửi thông tin chính thức tới Bộ Nội vụ về việc này chưa, thưa ông?
- Kể từ khi Nghị quyết được ban hành cũng như thông tin đó, hiện Hà Nội chưa có phản hồi chính thức bằng văn bản về việc này. Tuy nhiên, về quy trình thực hiện, thành phố Hà Nội sẽ phải xây dựng phương án tổng thể về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo quy định. Trên cơ sở đó sẽ gửi về Bộ Nội vụ và các bộ liên quan cho ý kiến.
Trong phương án tổng thể này, thành phố Hà Nội cũng như các địa phương khác sẽ phải phân tích, đưa ra các lý do, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp. Trong đó bao gồm cả các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù cũng như các đơn vị liền kề.
Do vậy, chủ trương về việc sắp xếp đơn vị hành chính nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng ra sao, sẽ phụ thuộc vào phương án tổng thể của thành phố Hà Nội. Sau đó mới triển khai đề án cụ thể, còn bây giờ mới chỉ là kết quả rà soát ban đầu.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021, vấn đề sắp xếp quận Hoàn Kiếm cũng như các quận nội thành khác đã được đặt ra chưa?
- Như chúng ta biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, các điều kiện, tiêu chuẩn để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã có khác so với bây giờ. Trong giai đoạn trước đưa ra tiêu chí 50%, còn trong giai đoạn này tiêu chí được nâng lên mức 70%. Nghĩa là, trong giai 2023 - 2025, những đơn vị hành chính cấp huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn (quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13), thì thuộc diện sắp xếp.
Nếu chỉ căn cứ vào đó thì quận Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội nằm trong diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính còn phải tính đến yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử…
Còn hiện nay, do chưa có phương án tổng thể thì chưa thể kết luận được ngay là Hoàn Kiếm có sắp xếp hay không. Thậm chí, việc này còn phải có ý kiến đồng thuận của đa số cử tri và nhân dân.
Lấy ý kiến nhân dân là yêu cầu bắt buộc cần thực hiện khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính, thưa ông?
- Đúng vậy. Theo quy định, khi tiến hành việc này, phải lấy ý kiến người dân. Ví dụ, sắp xếp huyện này với huyện khác, xã này với xã khác, phường này với phường khác, ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn ra, còn phải có được sự đồng thuận của Nhân dân. Đây cũng là một trong những yếu tố để quyết định việc sắp xếp trong thời gian tới.
Một góc phố quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: Như Ý)
Nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành cũng quy định rất rõ, trường hợp kết quả lấy ý kiến cử tri chưa đạt trên 50%, thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện, xã nơi đó tăng cường tuyên truyền, vận động và căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức lấy ý kiến cử tri lần thứ 2. Nếu vẫn chưa đạt trên 50% thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Chính phủ đề xuất thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã này trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo ông, những vấn đề gì địa phương cần đặc biệt lưu ý để triển khai hiệu quả chủ trương sáp nhập tới đây?
- Có rất nhiều yếu tố phải xem xét, cân nhắc kỹ trong quá trình sáp nhập. Song yếu tố đầu tiên là phải tính đến việc rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn cũng như các yếu tố đặc thù.
Thứ nữa, phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, tuyên truyền vận động thuyết phục để tạo được sự đồng thuận; xây dựng đề án cho thật tốt để có tính thuyết phục cao với đầy đủ các yếu tố căn cứ pháp lý. Đồng thời cũng phải xem xét đến các yếu tố chịu ảnh hưởng tác động trong quá trình sắp xếp; có sự tuyên truyền, phổ biến để người dân, cán bộ, công chức nắm rõ về đường lối, chủ trương cũng như các quy định về sắp xếp.
Cùng với đó, việc giải quyết các chế độ chính sách cũng là một trong những yếu tố liên quan cần lưu ý, để tạo được sự thành công trong quá trình thực hiện. Qua đó để cán bộ, công chức còn vững tâm, không gây hoang mang, hiểu nhầm rằng, cứ sắp xếp là phải tinh giản ngay. Tất cả đều phải được thực hiện theo lộ trình.
Bộ Nội vụ đã thống kê có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong diện sắp xếp giai đoạn này?
- Kết quả rà soát ban đầu cho thấy, có trên 30 đơn vị cấp huyện và trên 1.000 cấp xã trong diện sáp nhập. Còn con số chính thức và các phương án cụ thể ra sao, cần phải chờ các địa phương xây dựng và gửi về Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, xem xét theo quy định.
Đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước rồi thì sang giai đoạn này không sắp xếp nữa, trừ trường hợp địa phương thấy cần thiết thì sẽ sắp xếp theo diện khuyến khích mà nghị quyết đưa ra.
Cảm ơn ông!