Kim Mặc Ngọc, là quận chúa cuối cùng của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Bà là con gái của Túc Thân vương, đã trải qua những biến động cuối triều Thanh, thời kỳ Dân quốc và cả sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập.
Kim Mặc Ngọc, là quận chúa cuối cùng của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)
Vào một buổi trưa nắng đẹp năm 2007, Kim Mặc Ngọc, khi ấy đã cao tuổi, ngồi trước màn hình tivi, ánh mắt đờ đẫn nhìn vào bộ phim cổ trang đang chiếu. Cảnh tượng những vị cách cách di chuyển trong cung điện nguy nga tráng lệ, còn đám nô tài cung kính hô "Dạ" khiến bà nhíu mày lắc đầu. Là con gái của Túc Thân vương cuối thời nhà Thanh, bà vừa thấy quen thuộc vừa thấy xa lạ với những cảnh phim này.
Vị quận chúa này cho rằng những bộ phim về nhà Thanh đã mắc nhiều lỗi sai khiến hậu thế hiểu nhầm. (Ảnh: Sohu)
Quen thuộc ở những bộ trang phục tinh xảo, cách bài trí cung đình, nhưng xa lạ ở những cách xưng hô, đáp trả mà bà chưa từng thấy trong cuộc sống thực. Ký ức ùa về, những câu chuyện xưa cũ tưởng chừng đã bị lãng quên hiện lên rõ mồn một. Bà muốn làm rõ sự thật cho hậu thế nhưng lại sợ bị hiểu lầm. Suy cho cùng, trong thời đại biến đổi chóng mặt này, ai còn quan tâm đến lời kể của một bà lão? Tuy nhiên, trong lòng bà vẫn còn một câu hỏi day dứt: Tại sao mọi người lại có nhận thức sai lệch đến vậy về triều Thanh?
8 lỗi sai của phim ảnh Trung Quốc về cung đình nhà Thanh
Trong ký ức của Kim Mặc Ngọc, văn hóa cung đình khác xa với những gì được miêu tả trên phim ảnh. Sau khi xem những bộ phim về nhà Thanh bà đã đúc rút ra 8 cái sai kinh điển.
Thứ nhất, về cách gọi "cách cách", bà đã chỉ ra một hiểu lầm phổ biến. Ở triều Thanh, "cách cách" không phải là danh xưng chung cho tất cả phụ nữ hoàng tộc, mà chỉ dành riêng cho con gái của các thân vương có tước vị thấp hơn như quận vương, bối lặc. Con gái của hoàng đế được gọi là "công chúa", còn con gái của thân vương được gọi là "quận chúa". Là con gái của Túc Thân vương, danh xưng chính thức của Kim Mặc Ngọc là quận chúa, chứ không phải cách cách.
Theo bà cho biết, con gái của hoàng đế được gọi là "công chúa", còn con gái của thân vương được gọi là "quận chúa". (Ảnh: Sohu)
Sự khác biệt này không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà còn phản ánh chế độ đẳng cấp nghiêm ngặt của triều Thanh. Mỗi danh xưng đều đại diện cho một thân phận và địa vị cụ thể, mang ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống cung đình. Kim Mặc Ngọc nhớ lại, khi tham gia các hoạt động trong cung, mọi người phải ngồi theo thứ tự nghiêm ngặt, ngay cả cách hành lễ và độ sâu của lễ cũng có quy định rõ ràng.
Thứ hai, trong phim ảnh là việc nô tài nói "Dạ" khi trả lời. Kim Mặc Ngọc khẳng định, trong cung, nô tài không nói "Dạ" khi đáp lại chủ nhân. Họ thường nói "Vâng" hoặc "Tuân lệnh", đôi khi còn dùng những câu kính cẩn hơn như "Nô tài tuân chỉ". "Dạ" không tồn tại trong cung đình nhà Thanh, mà có thể là do các vở kịch hay phim ảnh sau này thêm thắt để tăng hiệu quả sân khấu.
Trong phim ảnh là việc nô tài nói "Dạ" khi trả lời nhưng thực tế ở trong cung đình nhà Thanh họ không nói vậy. (Ảnh: Sohu)
Thứ ba, Kim Mặc Ngọc cũng cho biết, lễ nghi trong cung còn rườm rà và nghiêm khắc hơn nhiều so với những gì được thể hiện trên phim ảnh. Ví dụ, khi gặp hoàng đế, ngay cả thân vương cũng phải hành lễ tam bái cửu khấu. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi hành động của người trong cung đều bị ràng buộc chặt chẽ. Ngay cả tư thế đi đứng, giọng nói cũng có yêu cầu cụ thể, nhằm thể hiện sự tôn kính tuyệt đối với hoàng quyền.
Thứ tư, triều đình cũng có những quy định nghiêm ngặt. Người có địa vị khác nhau sẽ mặc trang phục có màu sắc và họa tiết khác nhau, thậm chí số lượng hoa văn trên trang phục cũng được quy định rõ ràng. Kim Mặc Ngọc nhớ lại, hồi nhỏ bà từng bị khiển trách nặng nề vì mặc sai trang phục, điều này khiến bà nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của trang phục trong văn hóa cung đình.
Thứ năm, việc sử dụng ngôn ngữ cũng là một khía cạnh quan trọng của văn hóa cung đình. Tiếng Mãn, là ngôn ngữ mẹ đẻ của những người cai trị nhà Thanh, chiếm vị trí quan trọng trong triều đình. Tuy nhiên, theo thời gian, tiếng Hán ngày càng được sử dụng phổ biến. Kim Mặc Ngọc cho biết, đến cuối thời Thanh, nhiều thành viên hoàng tộc trẻ tuổi đã không còn nói được tiếng Mãn. Sự thay đổi trong việc sử dụng ngôn ngữ này cũng phản ánh sự suy yếu dần của triều đại nhà Thanh.
Người có địa vị khác nhau sẽ mặc trang phục có màu sắc và họa tiết khác nhau, thậm chí số lượng hoa văn trên trang phục cũng được quy định rõ ràng. (Ảnh: Sohu)
Thứ sáu, văn hóa ẩm thực cung đình cũng là một phần ký ức sâu sắc của Kim Mặc Ngọc. Bà nhớ lại, ẩm thực trong cung rất coi trọng "Mãn Hán toàn tịch", bao gồm cả món ăn truyền thống của người Mãn và người Hán. Tuy nhiên, khác với sự xa hoa mà mọi người tưởng tượng, bữa ăn hàng ngày thực sự khá giản dị. Mặc dù thức ăn của Hoàng đế và Hoàng hậu rất đa dạng, nhưng mỗi món ăn đều có khẩu phần nhỏ, chủ yếu là để thưởng thức chứ không phải để no bụng.
Thứ bảy, con cái của giới quý tộc trong cung được dạy dỗ khác với những gì người thường nghĩ. Ngoài Tứ thư Ngũ kinh, họ còn phải học tiếng Mãn, cưỡi ngựa bắn cung và các kỹ năng truyền thống khác của người Mãn. Kim Mặc Ngọc nhớ lại, hồi nhỏ bà phải học tiếng Mãn rất nghiêm khắc hàng ngày, việc này được coi là phương pháp quan trọng để duy trì truyền thống văn hóa của người Mãn.
Thứ tám, Kim Mặc Ngọc đặc biệt nhấn mạnh rằng cuộc sống trong cung không hề đầy rẫy những âm mưu tranh giành quyền lực như trên phim ảnh. Mặc dù đấu đá quyền lực chắc chắn tồn tại, nhưng phần lớn thời gian, mọi người trong cung đều sống theo quy tắc nghiêm ngặt. Bà cho rằng việc phóng đại quá mức những cuộc đấu tranh trong cung đình không chỉ không đúng với sự thật lịch sử, mà còn che khuất nhiều khía cạnh đáng chú ý khác của văn hóa cung đình.
Kim Mặc Ngọc đặc biệt nhấn mạnh rằng cuộc sống trong cung không hề đầy rẫy những âm mưu tranh giành quyền lực như trên phim ảnh. (Ảnh: Sohu)
Theo thời gian, văn hóa cung đình cũng không ngừng biến đổi. Đến cuối thời Thanh, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây bắt đầu len lỏi vào cuộc sống trong cung. Kim Mặc Ngọc nhớ lại, khi còn trẻ bà đã từng thấy các thành viên hoàng tộc sử dụng dao nĩa kiểu phương Tây và mặc trang phục phương Tây. Sự giao thoa và hòa nhập văn hóa này cũng là một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của văn hóa cung đình.
(Tổng hợp)