Thật không ngoa khi gọi quán cháo của cô Tư là quán cháo giá rẻ nhất Sài Gòn, bởi ở cái thành phố đắt đỏ này hiếm có quán nào vẫn còn giữ mức giá bán 5.000 đồng cho một tô cháo. Nghe đâu trước đây, mỗi tô cháo chỉ có giá 3.000 đồng, giá cả leo thang khiến tô cháo phải ngậm ngùi tăng lên 5.000 đồng, và rồi giữ miết mấy chục năm qua không thèm đổi giá.
Tô cháo 5 ngàn đồng ở quán cô Tư.
Không ít người ái ngại với mức giá của cháo cô Tư: "Thời buổi này ăn tô cháo 5 ngàn thì lấy gì no", "Bán cháo 5 ngàn chắc toàn là nước". Thế nhưng với những ai từng ghé quán cô Tư đều tấm tắc gật đầu: ngon - bổ - rẻ.
Cháo huyết cô Tư bao gồm các thành phần chính là huyết, da heo, tôm khô, giá, gừng. Tuy nguyên liệu khá đơn giản nhưng hương vị của món ăn không hề đơn điệu, cháo ngọt đậm đà nhờ tôm khô và huyết, một chút dai dai của da heo, rồi giòn giòn của rau giá và cay nồng của gừng và tiêu cũng đủ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.
Món ăn bình dân nhưng vô cùng đậm đà.
Cô Tư tên thật là Phan Thị Thu Hồng (49 tuổi), quán cháo vỉa hè này là cơ ngơi mà mẹ chồng cô để lại. Ngót nghét cũng gần nửa thế kỷ, quán cháo trải qua 2 đời chủ ấy vậy mà cái hương vị dân dã, mặn mà vẫn không hề đổi thay. Cũng nhờ vậy mà mấy mươi năm qua sáng nào ở góc vỉa hè này cũng tấp nập kẻ đến người đi.
Cô Tư là truyền nhân đời thứ 2 của hàng cháo huyết.
Quán cháo cô Tư không có biển hiệu, không bàn để đặt tô cháo cho sang trọng, nhưng người dân vẫn thích, vẫn ghé. Bởi đa số thực khách ở đây là người lao động, họ không cần một không gian ăn sáng quá chỉn chu, chỉ cần nhanh gọn, no bụng là chịu.
Quán cô Tư nằm trên vỉa hè con đường Nguyễn Hữu Hào (quận 4).
Bắt đầu mở bán từ 6h sáng, cô Tư gần như không có thời gian để nghỉ ngơi bởi khách ra vào liên tục. Đôi khi thấy công việc hơi quá tải, bởi mỗi khách một ý, người thì gọi tô cháo đầy đủ, người thì cháo không hành, người thì cháo không giá, hay có người thích ăn giò cháo quẩy, người lại không. Ấy thế mà cô Tư chưa một lần lớn tiếng hay khó chịu với khách.
Khách đông nhưng cô Tư chưa bao giờ tỏ ra khó chịu.
Không phải bán giá rẻ mà muốn đối đãi với khách sao cũng được, khách đông thì muốn nói gì thì nói, cô Tư luôn trân trọng từng người khách đến với mình, dẫu họ chỉ mua một tô cháo giá 5 ngàn đồng. Thấy khách luống cuống không biết chỗ dựng xe, cô tươi cười nói: "Chú để xe sát vào trong này một chút xíu là được!". Khách gọi món cô Tư lúc nào cũng: Dạ. "Dạ rồi anh!", "Dạ em nghe!", Dạ có liền", "Dạ 1 tô cháo mang đi phải không?".
Công việc khá căng thẳng nhưng cô lúc nào cũng cười đùa.
Cô tử tế với khách từ lời ăn tiếng nói cho tới cách bán buôn, khách của cô đa phần là người lao động tuy chẳng nề hà gì mấy câu nói nhưng nghe cũng ấm lòng ấm dạ. Vậy rồi họ quý quán, không chỉ vì món cháo thơm ngon, mà còn vì bà chủ quán dễ thương hết sức.
Tôi nửa chọc nửa thiệt nói: "Ủa mấy chỗ khác người ta tăng giá lên rồi, sao mình không tăng lên để có lời, bán từng tô 5 ngàn như vầy biết chừng nào mới giàu đây Tư?". Cô Tư cười híp mắt: "Mình cũng có cơm ăn rồi, để cho người khác cũng có ăn với chớ. Nhà Tư không nợ nần gì, nên bán vầy là sống thoải mái rồi!".
"Vậy rồi mốt Tư lớn tuổi, ai sẽ thay Tư bán cho bà con?" - tôi thắc mắc. Cô Tư cười hơi buồn: "Mấy đứa nhỏ bây giờ thích ngồi văn phòng, hổng có thích ngồi ngoài đường bán buôn vầy đâu...".
Buổi sáng ở quán cháo cô Tư bình dân như vậy đó, cái tình của người lao động ở cái đất này nó thiệt thà mà dễ thương, tôi cũng không biết mai này khi lớp cô Tư lớn tuổi, cái tình đó có còn hay không!?