Tính đến nay, loài động vật lớn nhất thế giới vẫn là cá voi xanh. Nhưng thực ra, sinh vật sống lớn nhất thế giới lại không phải cá voi hay bất kỳ loài vật nào khác. Đó là một loài nấm, mang tên Armillaria ostoyae, còn gọi là Humongous Fungus hay "nấm mật ong".
Nấm Armillaria - hay nấm mật ong
Trái với cái tên nghe "cute lạc lối", đây lại là sát thủ của cây cối. Chúng sống ký sinh trên rễ của các cây cổ thụ, sau đó sinh sôi cực kỳ nhanh bằng cách hấp thụ hết các chất dinh dưỡng, cho đến khi cây chết khô và đổ gục xuống.
Nhưng tại sao cây nấm nhỏ bé lại là sinh vật có cơ thể lớn nhất?
Thực ra, nấm mật ong chỉ có kích cỡ nhỏ bé, trông không khác gì những cây nấm thông thường khác. Vấn đề nằm ở bộ rễ đặc biệt của loài nấm này: chúng kết nối với nhau, tạo thành một sinh thể đồng nhất.
Khi một cây nấm Armillaria được đặt cạnh một người họ hàng khác, rễ cây của chúng sẽ ngay lập tức bắt sóng nhau và kết nối, "dung hợp" để tạo thành một thể thống nhất. Cũng nhờ vậy, những cây nấm mọc trên một thân cây đã chết khô vẫn có thể tiếp tục sinh trưởng, miễn là còn một cây nấm trong nhóm đi kiếm dinh dưỡng.
Khi nấm mật ong đã bám lên cây, cái cây đó gần như đã lĩnh án tử
Chưa hết, khi những bộ rễ được kết nối với nhau, bộ gene của nấm mật ong lập tức bị đồng hóa. Nhờ vậy, quần thể nấm Armillaria vẫn được công nhận là một cơ thể duy nhất.
Bộ rễ kết nối, tạo thành một cơ thể đồng nhất
Và bạn biết cơ thể này lớn đến mức nào không? Hiện tại, đại cơ thể Armillaria đang chiếm tới 10km2 diện tích rừng quốc gia Malheur (Mỹ).
Có điều khi quan sát, ta chỉ thấy những cây nấm nhỏ nhoi, chẳng có gì to lớn đáng sợ cả. Đó cũng là lý do vì sao người ta nói đây là sinh vật lớn nhất, nhưng chúng ta chẳng thể quan sát được.