Tháng 10/2023, đảo Phú Quốc là đại diện duy nhất của Việt Nam vào top 10 hòn đảo tuyệt nhất thế giới, do độc giả của tạp chí Condé Nast Traveler - Tạp chí du lịch của Mỹ bình chọn. Trước đó, Phú Quốc đã xuất sắc vượt qua những cụm đảo nổi tiếng thế giới như Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia) để trở thành điểm đến thịnh hành của người Úc theo thống kê của tạp chí du lịch Úc - Escape Travel.
Không dưới 10 lần Phú Quốc được xướng tên trên các bảng xếp hạng những hòn đảo đáng đến nhất khu vực Đông Nam Á nhưng thực trạng trong nước, "đảo ngọc của miền Tây" ngày càng thất thế.
Phú Quốc từng được ví như "Maldives của Việt Nam"
Ngày 14/10, tại Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch địa phương và các cơ quan ban ngành về giải pháp kích cầu du lịch Phú Quốc.
Trước đó, dịp lễ 2/9/2023, Phú Quốc đón khoảng 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong số này chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế. Ngành du lịch tại đảo ngọc đã và đang gặp nhiều khó khăn vì lượng khách nội địa giảm đáng kể.
"Hầu hết đều là khách mới, ít khách quay trở lại. Có những khách nghe tư vấn rất hăng say, đã có dự định đi cho đến khi nghe báo giá vé máy bay họ chần chừ và mất nhiều thời gian suy nghĩ", đại diện một công ty lữ hành nói.
Ông Trương Viễn Huy - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Quản trị khách sạn - Du lịch trường Đại Học Taylor's, Malaysia
Ông Trương Viễn Huy - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Quản trị khách sạn - Du lịch trường Đại Học Taylor's, Malaysia, Giám đốc Công ty TNHH Dkhoo Studios tại Singapore chia sẻ:
"Phú Quốc dù đang phát triển nhưng chưa có tính đồng bộ. Có nơi phát triển sầm uất có nơi lại trái ngược hoàn toàn. Như ở thị trấn Dương Đông, Bắc Đảo có các khu tổng hợp của tập đoàn lớn, Nam Đảo lại khá vắng vẻ và còn buồn so với một trung tâm du lịch lớn".
Nhiều lần đến Phú Quốc nghỉ dưỡng, ông Huy đánh giá, thành phố biển này rất tiềm năng bởi sở hữu đường bay quốc tế, nguồn hải sản địa phương dồi dào, lực lượng lao động ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng khá trẻ, năng động. Nhưng môi trường, dịch vụ và chi phí chính là thứ khiến nhiều người e dè khi chọn Phú Quốc làm điểm đến mỗi dịp lễ Tết.
"Giá vé máy bay nội địa cao, dịch vụ taxi cao dù không trong dịp lễ Tết. Một số quán ăn ở những khu du lịch trọng điểm ở thị trấn Dương Đông và các quán nằm ở khu Nam đảo giá khá đắt. Chất lượng phục vụ không đồng đều, resort, nhà hàng chuyên nghiệp nhưng nhiều hàng quán địa phương thì ngược lại", ông Huy nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) nhìn nhận, Phú Quốc đang trên con đường phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và các nút thắt khiến đảo ngọc vắng khách cần được tháo gỡ.
"Nếu trước đây, tôi đến biển Phú Quốc thấy nhiều cầu gai thì giờ phải đi rất xa mới có thể thấy. Tôi cho rằng Phú Quốc có hệ thống hạ tầng rất tốt, điện - đường - trường - trạm khá ổn nhưng thực trạng quy hoạch chưa đồng bộ dẫn đến việc phá huỷ môi trường, sự mất cân bằng thảm thực vật địa phương", ông Phương nói.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam)
"Chi phí sinh hoạt ở Phú Quốc quá đắt đỏ. Người làm du lịch tại đây thậm chí không dùng tiền Việt mà dùng USD để thanh toán. Trong mức giá từ 7 triệu - 8 triệu, một người Việt đã có thể đi nước ngoài còn khi chọn Phú Quốc, họ chỉ có thể đến và ở tối đa 3 ngày, chưa kể một bữa ăn hải sản đơn thuần cũng mất từ vài triệu đồng trong khi đó ở các địa phương khác mức giá này có thể ăn một bữa hoành tráng".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội đánh giá, "đảo ngọc" Phú Quốc nhiều năm liền hướng đến việc phát triển loại hình du lịch nghĩ dưỡng chất lượng cao, sang trọng. Chính vì vậy, việc thay đổi hình ảnh lẫn giá trị của Phú Quốc trong lòng khách du cũng là một bài toán khó cho địa phương.
"Việc Phú Quốc cần làm hiện tại là bình ổn giá, chuẩn hoá dịch vụ, bổ sung giá trị, bảo tồn bản sắc văn hoá là chuỗi các giá trị ta cần phải làm cho Phú Quốc. Lâu nay, địa phương không tập trung về con người, bỏ giá trị văn hoá, từ đó không tạo ra sự hấp dẫn về lâu dài", ông Phương thẳng thắn.
Nhiều bãi biển ở TP Phú Quốc bị ảnh hưởng bởi rác thải sinh hoạt
Theo ông Phương, để du lịch Phú Quốc phát triển bền vững tạo ra sinh kế và nguồn kinh tế lâu dài, cơ quan quản lý cần quan tâm hơn nữa đến cộng đồng địa phương, xây dựng lại văn hoá bản địa vốn mai một nhằm tạo ra giá trị tinh thần xứng tầm với một trung tâm du lịch miền Tây.
"Giữa kinh tế và văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ, đừng chỉ tập trung làm kinh tế bỏ văn hoá, bỏ những giá trị nhân văn cốt lõi. Nhân văn ở đây chỉ yếu tố con người. Người Phú Quốc đáng lẽ phải là trung tâm của sự phát triển du lịch nhưng hiện tại họ chỉ là một phần rất nhỏ thậm chí không còn liên quan đến sự phát triển của thành phố mà thay vào đó là các nhà đầu cơ, nhà đầu tư", ông Phương nhấn mạnh.
Hơn hết, ông Phương nhấn mạnh giải pháp tiếp đến cho Phú Quốc là tìm và chọn lọc "nhà đầu tư" hơn "nhà đầu cơ".
"Người đến làm du lịch ở Phú Quốc có hai mục đích, một là đầu tư, hai là đầu cơ. Tôi cho rằng đầu cơ tại Phú Quốc để lại những hậu quả nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng tức thời tạo ra những giá trị yếu kém về lâu dài trong khi nhà đầu tư phải hoạch định từ 10 - 20 năm, trách nhiệm họ gắn liền với sự phát triển của thành phố".
Để du lịch đảo ngọc khởi sắc trở lại, lãnh đạo Viện nghiên cứu Du lịch xã hội nhận định cần phải có sự chung tay của nhiều đơn vị đặc biệt là 4 mối liên kết tất yếu: Nhà đầu tư - Nhà quản lý - Nhà nông (người dân địa phương) - Nhà lữ hành.
"Thay vì 'giải cứu', Phú Quốc cần một 'giải pháp' và đường lối cụ thể. Nếu nói 'giải cứu Phú Quốc' không khác nào ta cần phải giải cứu người giàu. Phú Quốc than vãn như người giàu than khổ".
Phú Quốc nhiều lần được báo quốc tế khen ngợi và từng là điểm đến lý tưởng của người nước ngoài tuy nhiên tại thị trường nội địa, du lịch Phú Quốc gặp khó vì lượt khách đến giảm đáng kể vào mùa cao điểm