Trong xã hội phong kiến ở Trung Quốc, có vô số lễ nghi, đạo đức ràng buộc người xưa, đặc biệt là phụ nữ. Một số người phụ nữ cả đời không bao giờ bước chân ra khỏi nhà. Sau thời nhà Tống, phụ nữ thời bấy giờ càng coi trọng sự trong trắng hơn, thậm chí còn trở thành chuẩn mực đạo đức.
“Tam tòng, tứ đức” đã trở thành xiềng xích của phụ nữ thời bấy giờ, cái gọi là khuôn mẫu trinh tiết cũng khiến địa vị xã hội của họ càng xuống thấp hơn.
Thế nhưng trong hoàn cảnh như vậy, tại sao phụ nữ thời xưa lại không dám chống cự bọn “hái hoa tặc”?
Được biết, "hái hoa tặc" là cách gọi những kẻ chuyên đi cưỡng hiếp phụ nữ, làm nhục con gái nhà lành. Bản thân cụm từ "hái hoa tặc" cũng đã thể hiện đầy đủ ý tứ. Trong đó, "tặc" mang nghĩa tên trộm, kẻ cướp; "hoa" ở đây tượng trưng cho người phụ nữ "liễu yếu đào tơ, như hoa như ngọc". Hiểu theo tổng thể, đó chính là những kẻ chuyên đi trộm hoa, hái hoa, xâm hại đến sự trong trắng, vẻ đẹp của người phụ nữ.
Có một câu chuyện được ghi lại trong “Liệt nữ truyện” thuộc bộ “Minh sử”, một góa phụ Hồ thị bị mắc bệnh phụ khoa. Vì thế gia đình đã tìm đại phu (cách gọi bác sĩ của thời xưa) cho cô. Mà đại phu thường là nam giới nên Hồ thị đã từ chối khám bệnh, cuối cùng qua đời.
Rất nhiều câu chuyện tương tự trong “Liệt nữ truyện”, có lẽ người hiện đại không thể hiểu được, chúng ta chỉ nghĩ rằng “có bệnh thì đi khám” là chuyện hiển nhiên. Nhưng phụ nữ thời xưa coi trinh tiết quan trọng hơn mạng sống của họ.
Địa vị của phụ nữ thời bấy giờ bị xem thường đến mức người hiện đại khó có thể hình dung. Quan niệm về trinh tiết và chung thủy cực đoan càng khiến họ bị trói buộc không thể thở nổi.
Góa phụ tái hôn? Điều này tuyệt đối không được phép. Phụ nữ ở nhà phải nghe lời đàn ông, không được tranh cãi, can thiệp vào bất cứ chuyện gì. Khi chồng chết, góa phụ phải giữ trọn đạo làm vợ đến cuối đời, không được phép động chạm đến người đàn ông khác.
Trở lại câu hỏi ban đầu, tại sao phụ nữ thời xưa coi trọng trinh tiết đến thế nhưng lại không dám phản kháng khi bị “hái hoa tặc” hãm hiếp?
Thực chất, là do phụ nữ có quá nhiều ràng buộc đối với sự trong trắng của mình. Sau khi bị làm nhục, họ không dám công khai và không thể dũng cảm đứng lên, bởi vì cuối cùng người chịu tổn hại cũng chính là họ.
Vào thời nhà Minh, có một người phụ nữ vô tình trượt chân rơi xuống nước, một người đàn ông đi ngang qua đã nhìn thấy và cứu cô. Tuy nhiên, người phụ nữ được cứu sau đó đã chọn cách tự tử bằng cách vùi mình xuống sông vì người đàn ông đó đã chạm vào tay chân cô.
“Nam nữ thụ thụ bất thân” có nghĩa nam nữ không được trực tiếp đưa và nhận của nhau thứ gì. Ví như người này muốn đưa người kia thứ gì thì phải đặt thứ đó lên bàn và người kia sẽ lấy món đồ từ bàn, chứ không được trực tiếp trao tay.
Suy rộng hơn, giữa nam và nữ phải giữ khoảng cách, không được có những cử chỉ thân thiết, gần gũi với nhau.
Đây chính là sự trầm trọng trong tư duy “nam nữ thụ thụ bất thân” nên khi phụ nữ thực sự gặp phải những kẻ “hái hoa tặc”, họ sẽ không công khai hay phản kháng mà sẽ âm thầm chịu đựng. Cho dù đã được giải thoát khi kẻ ác vẫn chưa làm gì mình, họ cũng không thể tránh những lời đàm tiếu sau này, không ai tin họ, sự trong sạch tự nhiên bị vấy bẩn. Họ càng sợ cha mẹ hoặc người ngoài phát hiện, nếu không họ sẽ cho rằng cô là người phụ nữ ô uế, thanh danh bị hủy hoại hoàn toàn.
Nếu sống trong gia tộc quyền quý, rất có thể họ sẽ bị trục xuất. Cho nên, khi bị “hái hoa tặc” tấn công, nếu không thể một mình chống cự thì đành chịu đựng, mọi chuyện sau đó nên trở thành dĩ vãng, không nên nói ra, tốt nhất là không ai biết đến điều này.
Hơn nữa, bản thân phụ nữ thời bấy giờ “liễu yếu đào tơ”, từ nhỏ đã được răn dạy là phải dịu dàng, nết na, không được làm những chuyện “thuộc về đàn ông” như cưỡi ngựa, tập võ… Do đó, sức khỏe của họ vốn yếu ớt. Khi bị “hái hoa tặc” tấn công, dù muốn, họ cũng không có khả năng chống cự hay phản kháng, từ đó dễ dàng bị kẻ ác khống chế và xâm phạm.
Sau khi mọi sự xong xuôi, mặc dù đau khổ trong lòng, phụ nữ bị xâm hại cũng không dám báo quan, vì một khi chuyện này được đưa lên công đường xét xử hoặc dán bảng cáo thị, cô sẽ không còn mặt mũi gặp người đời, không thể lấy chồng, thậm chí còn làm liên lụy đến gia đình, bị cha mẹ ruồng bỏ.
Dưới những áp lực này, thử hỏi, liệu phụ nữ thời phong kiến có dám phản kháng khi bị “hái hoa tặc” cướp đoạt trinh tiết hay không? Đương nhiên cũng có một vài trường hợp, nhưng đó chỉ là số ít mà thôi.
Nguồn: Toutiao