Theo bà Hảo, các lái buôn thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người sử dụng để pha chế các loại thuốc tăng trọng vào thức ăn chăn nuôi, sau đó giao sỉ cho các cửa hàng bán lẻ để cho người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng.
"Thậm chí họ còn dặn dò rất kỹ: Lúc cho lợn ăn anh phải đeo bao tay kín để không ảnh hưởng đến da tay và cẩn thận khi mở lấy thuốc, hơi sẽ bay lên, nếu hít phải thì nguy hiểm lắm đấy. Phụ nữ sẽ bị rụng tóc, mọc râu khi bị ngộ độc thức ăn có chất cấm" - bà Hảo cho biết.
Theo điều tra về thực trạng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi tại một số trang trại chăn nuôi của Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tất cả các trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy chuẩn. Ngoài ra còn có 5 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn cũng được sử dụng.
Trong thức ăn công nghiệp cho heo và gà, có 8/9 loại kháng sinh trong quy chuẩn, hai loại kháng sinh được công bố sử dụng cao hơn mức quy định trong Quy chuẩn Việt Nam và bốn loại ngoài quy chuẩn. Trong bê và bò thịt thì hạn chế hơn, có 3/11 loại kháng sinh trong quy chuẩn và một loại ngoài quy chuẩn.
Dùng chất cấm sẽ bị bỏ tù - (Ảnh: Dân Việt)
Các trại chăn nuôi, kể cả quy mô lớn và quy mô nhỏ đều không biết sử dụng kháng sinh liều thấp có tác dụng kích thích sinh trưởng mà "chỉ dùng để phòng bệnh, và chỉ dùng theo mùa hoặc khi có dấu hiệu bệnh".
Tại các trại chăn nuôi heo thịt, tất cả 94 đơn vị được điều tra đều sử dụng kháng sinh cao hơn quy định 2-4 lần.
Chỉ có 47/86 cơ sở (54,7% đã ngừng sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh theo quy định).
Đặc điểm của heo được cho ăn các chất tạo nạc là khi heo còn sống thì da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da có đốm đỏ, heo đi đứng nặng nề, thậm chí còn bại liệt do xương bị mục. Thịt có nhiều nạc vun cao (nạc gần sát da), mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm (bình thường 1 đến 1, 5 cm).
Thịt có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại, bị mất màu hồng tự nhiên và độ mịn chắc, khi nấu nướng bị mất chất béo và mùi vị thơm ngon, nhiều nước, thớ ngắn, kém chắc. Tại bắp vai và đùi, lượng nạc phát triển bất thường và u lên.
Việc tiếp xúc với những hóa chất này khi nhuộm gà có thể gây dị ứng da, viêm da, nặng hơn là lở loét, ngứa ngáy
Những con heo khi được ăn chất tạo nạc chỉ cần sang ngày thứ hai là nở mông vai, tạo ra những thớ thịt. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển, thường nằm ngủ li bì. Sang ngày thứ 10 bắt đầu ăn đâu nằm đấy, chân đứng không vững.
Theo bà Hồng Hảo, hầu hết chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp nên không bị mất đi khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng.
Các loại giò, chả khi dùng thịt có nhiều chất cấm thường bị cứng mà không cần dùng đến hàn the.
Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong danh mục các hóa chất cấm của Bộ, các chất Clenbuterol, Sabultamol và Ractopamine được sử dụng phổ biến nhất. Clenbuterol là chất nguy hiểm nhất.
Các chất này gây ngộ độc cấp tính và mãn tính với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai. Mãn tính dẫn đến rối loại hệ thống hormon của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể ung thư. Sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ heo gãy chân rất cao.
Cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương. Ảnh: Zing
Có những chất được thêm vào chủ yếu do thị hiếu của người chăn nuôi, như chất vàng ô tạo màu vàng bắt mắt cho cám.
Sau bốn tháng (từ 11/2015 đến nay) triển khai đợt cao điểm hành động năm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Thanh tra Bộ, việc sử dụng vàng ô của các công ty thức ăn chăn nuôi đã từng bước chấm dứt và ít có nguy cơ tái diễn.
Về chất tạo nạc, trên thị trường không còn bày bán công khai các sản phẩm được quảng cáo là "siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai". Hiện tại, hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn.
Ở các tỉnh phía Bắc từ sau tết nguyên đán chưa phát hiện được trang trại, lò mổ sử dụng chất cấm.
Ở các tỉnh phía Nam vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với trước. Các trang trại còn trộn chất Sabultamol trực tiếp vào thức ăn cho heo được phát hiện ở TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Bình Dương... Trong tháng 3/2016, tỷ lệ phát hiện là 1,5%.
Cách phân biệt thịt an toàn và không an toàn:
- Xem độ dày của lớp mỡ.
- Màu sắc: thịt có chất cấm thường có màu đỏ khác thường, sáng, bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da. Đây là do vật nuôi bị hóa chất làm vỡ các mao mạch khiến máu tung tóe ở phía dưới da, hệ quả của việc bị stress trước khi mổ.
- Thái miếng thịt dày bằng hai, ba ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn, ấn vào miếng thịt nếu không trở về hình dạng ban đầu là thịt có chất cấm.
- Thịt có chất cấm thì giữa lớp nạc và mỡ tách rời rõ rệt và có nước dịch màu vàng rỉ ra.